Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ leo thang đến đâu?

Sau gần 3 tháng vừa đấu khẩu vừa đàm phán, cuối cùng, vào ngày 15-6-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố quyết định đánh thuế hải quan 25% trên 50 tỉ đôla hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 6-7 tới.

Ngay lập tức, Bắc Kinh công bố các biện pháp đáp trả tương xứng. Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung sẽ leo thang đến đâu và ảnh hưởng gì tới sự phát triển của đôi bên và thế giới?

Một bên đe dọa - Một bên không lùi bước

Cuộc đọ sức thương mại với Trung Quốc do Tổng thống Trump mở màn từ tháng 3-2018. Trên Twitter, Tổng thống Mỹ viết: "Khi một quốc gia là Hoa Kỳ, mất hàng tỉ đôla với mỗi đối tác, thì chiến tranh thương mại là điều tốt và dễ thành công".

Tiếp theo đó là các đòn vừa dụ vừa dọa, là cuộc khẩu chiến leo thang giữa Washington và Bắc Kinh: Nhà Trắng đòi phạt 60 tỉ đôla nhắm vào hàng Trung Quốc nhập sang Hoa Kỳ, Trung Quốc đe dọa sẽ phạt hàng Mỹ 50 tỉ đôla... Tổng thống Trump trả giá đòi Trung Quốc giảm 200 tỉ đôla thâm hụt mậu dịch của Mỹ so với bạn hàng Trung Quốc.

Đàm phán thương mại Mỹ-Trung Quốc kết thúc trong thất bại ngày 4-6.

Gần 3 tháng sau, tại Washington ngày 19-5-2018, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin thông báo Hoa Kỳ và Trung Quốc "đình chỉ chiến tranh thương mại" sau nhiều thiện chí của Bắc Kinh: Trung Quốc cam kết sẽ mua nhiều hàng của Mỹ hơn (nhưng không nói rõ là bao nhiêu), cải tổ hệ thống thuế quan, để hàng Mỹ dễ thâm nhập vào thị trường châu Á rộng lớn này hơn.

Nhưng đến ngày 4-6-2018, ngày đàm phán thương mại cuối cùng giữa Mỹ với Trung Quốc đã kết thúc trong thất bại tại Bắc Kinh. Và đến ngày 15-6, Tổng thống Donald Trump chính thức công bố quyết định đánh thuế quan 25% trên 50 tỉ đôla hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ.

Cụ thể kể từ ngày 6-7-2018, trên 800 sản phẩm Trung Quốc có trị giá 34 tỉ đôla sẽ bị Hoa Kỳ áp thuế và đợt hai đánh vào 280 mặt hàng khác, nhưng chưa rõ thời hạn. Mỹ chủ yếu nhắm vào các sản phẩm công nghệ, tránh những mặt hàng phổ biến như điện thoại di động, tivi. Mục tiêu là làm giảm số thâm hụt thương mại khổng lồ với Trung Quốc, năm ngoái lên tới 375 tỉ đôla.

Trang mạng NPR dẫn lời Tổng thống Donald Trump tuyên bố hôm 15-6: “Tình bạn lớn giữa tôi với Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc và quan hệ giữa hai nước đều rất quan trọng đối với tôi. Tuy nhiên, thương mại giữa hai nước chúng ta là rất không công bằng, trong một thời gian rất lâu rồi. Tình hình này không còn có thể kéo dài. Ví dụ, Trung Quốc từ lâu đã có những cách hành xử bất công liên quan tới việc thụ đắc tài sản trí tuệ và công nghệ của Mỹ”.

Khi chính thức hóa các sắc thuế mới áp đặt, ông Trump còn cảnh báo: “Nếu Trung Quốc đáp trả bằng các biện pháp trã đũa, như áp thuế mới lên hàng hóa, dịch vụ, hoặc nông sản của Mỹ, chính quyền của tôi sẽ đáp ứng ngay bằng cách áp đặt các sắc thuế mới khác và lần này đánh lên lượng hàng có tổng giá trị 100 tỉ đôla”.

Tuy nhiên, không phải vì lời đe dọa trên của ông Trump mà Trung Quốc lùi bước. Ngay trong ngày 15-6, Trung Quốc thông báo đánh thuế 25% lên hàng hóa Mỹ có trị giá 34 tỉ đôla, cũng từ ngày 6-7 tới, gồm nông sản, xe hơi và hải sản. Có 659 mặt hàng được nhắm đến, và Bắc Kinh nhấn vào những chỗ dễ tổn thương nhất của Mỹ.

Nạn nhân đầu tiên là thịt bò và đậu nành - Trung Quốc là khách hàng lớn nhất mua đậu nành của các nhà nông Mỹ. Sự trả đũa này nhắm vào thành phần trung tâm của giới cử tri của Tổng thống Donald Trump, nhất là ở các tiểu bang nông nghiệp như Iowa, Illinois, Minnesota.

Bên cạnh đó, một thông cáo của Bộ Thương mại Trung Quốc còn nói Bắc Kinh cũng sẽ hủy bỏ thỏa thuận thu hẹp thặng dư thương mại nhiều tỉ đôla của mình với Mỹ bằng việc mua thêm nông sản, khí thiên nhiên và các sản phẩm khác của Mỹ.

Bằng động thái trên, Bắc Kinh vừa đáp trả, vừa tự khoe là người tiên phong khuếch trương tự do mậu dịch, với thông điệp gửi đến các nước cũng bị ông Trump trừng phạt: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các nước có hành động tập thể để chấm dứt cách xử sự lạc hậu, thoái trào này”.

Thực tế mà nói châu Âu đang rất quan tâm theo dõi cuộc đối đầu thương mại Mỹ-Trung. Trước hết, họ phải tìm hiểu xem những sáng kiến nào của Trung Quốc kéo theo những phản ứng nào của Mỹ. Tiếp đến là ủng hộ Bắc Kinh chống Washington, vì Hoa Kỳ bị xem là đang chà đạp lên những quy tắc cơ bản nhất của thương mại thế giới. Cuối cùng là ủng hộ Washington chống Bắc Kinh vì Trung Quốc bị xem là có cái nhìn đơn phương về cân đối công nghiệp và trao đổi mậu dịch.

Các nước châu Âu thừa biết rằng lập trường của Mỹ được thể hiện qua những tin nhắn Twitter của ông Donald Trump, hơn là do các bộ trưởng của ông quyết định. Tuy nhiên, họ muốn biết là Tổng thống Mỹ đón nhận như thế nào những phản ứng của Trung Quốc, vốn không dùng nhiều vũ khí luật pháp như châu Âu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump với bản sắc lệnh liên quan đến các biện pháp tăng thuế với hàng Trung Quốc.

Không chỉ đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới về việc Mỹ đánh thuế vào thép và nhôm nhập khẩu, các nước châu Âu còn kiện Trung Quốc về vấn đề xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp. Đây là một cách để châu Âu chứng tỏ rằng các quy định thương mại phải được áp dụng với tất cả các nước và nếu ai cũng không tuân thủ thì thế giới sẽ trở thành một nơi vô luật lệ giống như miền viễn Tây của Mỹ trước đây.

Trừ khi Washington thật sự có ý định muốn trở lại thời kỳ của những người đi tiên phong khai phá nước Mỹ.

Nông gia Mỹ giơ đầu chịu báng

Việc Trung Quốc nhắm vào các mặt hàng thực phẩm và các nông sản khác để tăng thuế là đánh mạnh những người ủng hộ ông Donald Trump ở vùng nông thôn. Chả vậy mà ngay sau thông báo của Bắc Kinh, các nông gia Mỹ đã tỏ ra thất vọng và phẫn nộ: thu nhập của họ từ năm 2013 đến nay đã bị giảm sút khoảng 50% và nay lại phải giơ đầu chịu báng.

Hãng sản xuất máy bay Boeing, một nạn nhân thường xuyên khác trong các cuộc chiến tranh thương mại, cũng đang ước tính thiệt hại sắp tới trong vụ leo thang này. Lượng máy bay bán sang Trung Quốc của Boeing chiếm 12,8% thu nhập của tập đoàn, với doanh số 93,39 tỉ đôla. Tuy nhiên, trước mắt Boeing chưa bị ảnh hưởng vì lượng đặt hàng của các nước rất lớn.

Chỉ ít tiếng đồng hồ sau khi Mỹ thông báo đánh thuế hải quan trên 800 mặt hàng Trung Quốc, trên các mạng xã hội Trung Quốc đã rộ lên những lời kêu gọi tẩy chay các sản phẩm Mỹ. Biện pháp này đã từng được tiến hành một cách hiệu quả đối với Hàn Quốc, một khi người tiêu dùng bị kích thích bởi chủ nghĩa dân tộc.

Chẳng hạn trên mạng Vi Bác, có người đã đăng tin: “Công dân Trung Quốc phải đoàn kết lại và tẩy chay hàng Mỹ. Về phía báo chí nhà nước, một bài xã luận của Hoàn Cầu thời báo khẳng định: “Nếu chống lại hàng Trung Quốc, Hoa Kỳ sẽ không tìm được nguồn thay thế. Nhưng nếu chúng ta tẩy chay hàng Mỹ, các sản phẩm nội địa có thể dễ dàng lấp được khoảng trống”.

Năm ngoái, tập đoàn Hàn Quốc Lotte Group đã trở thành nạn nhân của Bắc Kinh, do chấp nhận dành một khu đất ở ngoại ô Seoul để bố trí hệ thống lá chắn tên lửa THAAD của Mỹ. Nhiều cửa hàng của Lotte bị đóng, nhiều cuộc biểu tình diễn ra và vô số lời kêu gọi người tiêu dùng tẩy chay. Ước tính chiến dịch tẩy chay do Trung Quốc phát động đã khiến tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc bị giảm 0,4% trong năm 2017.

Tuy nhiên, theo AFP, Bắc Kinh dường như đang cố gắng giảm thiểu tác động đối với nền kinh tế của chính mình bằng cách chọn các sản phẩm của Mỹ mà có thể thay thế bằng hàng nhập khẩu từ các nhà cung cấp khác như Brazil hoặc Úc.

Nếu nói chỉ nông dân Mỹ bị ảnh hưởng bởi sự trả đũa của Trung Quốc là không công bằng. Hãng AFP cho biết thuế mới của ông Trump có nguy cơ làm suy giảm sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc. Cuộc đối đầu giữa hai cường quốc kinh tế thế giới xuất hiện tại thời điểm chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình đang nỗ lực ngăn chặn sự gia tăng nợ công của Trung Quốc (hơn 250% GDP).

Mark Williams, chuyên gia kinh tế tại Capital Economics, cho biết: “Tranh chấp thương mại đang trở nên tồi tệ hơn khi những nghi ngờ về triển vọng kinh tế của Trung Quốc ngày càng rõ nét”.

Tháng 5-2018, sản xuất công nghiệp, đầu tư và tiêu dùng ở Trung Quốc đều giảm do chính quyền Bắc Kinh đang thắt chặt tín dụng. Đây là những dấu hiệu đáng ngại khi Trung Quốc phấn đấu giảm sự phụ thuộc nguồn thu xuất khẩu so với trước đây. Người khổng lồ châu Á sẽ chứng chiến mức tăng trưởng kinh tế giảm còn 6,6% vào năm 2018 và 6,4% vào năm 2019, một sự suy giảm đáng kể so với năm 2017 (+6,9%), theo cảnh báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra trong tháng 4-2018.

"Việc tăng thuế quan và hàng rào phi thuế quan của Mỹ có thể làm rối loạn thị trường, làm gián đoạn các dây chuyền sản xuất(...), làm giảm năng suất và đầu tư toàn cầu", IMF cho biết.

Là động cơ truyền thống của nền kinh tế Trung Quốc, lĩnh vực xuất khẩu của nước này đã tăng 12,6% trong tháng 5-2018, tăng nhẹ so với tháng 4 nhưng tốt hơn so với dự kiến (+11,1%), trong khi nhập khẩu của nước này tăng 26% trong tháng 5. Theo Louis Kuijs, nhà phân tích của Oxford Economics, các biện pháp trừng phạt và trả đũa của Mỹ và Trung Quốc sẽ có tác động đến tăng trưởng ở Trung Quốc, Hoa Kỳ và các nơi khác.

"Sự gia tăng những bất trắc và rủi ro sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của các doanh nghiệp và giới đầu tư", ông nói thêm. Việc Trung Quốc giảm cho vay tín dụng để kiềm chế nợ công đã dẫn đến tình trạng đầu tư giảm và mức tiêu thụ hộ gia đình ở Trung Quốc cũng đang chịu áp lực. Đúng là doanh thu bán lẻ của Trung Quốc đã tăng 8,5% trong tháng 5-2018 nhưng thấp hơn nhiều so với kết quả của tháng 4 (+9,4%) và tháng 3 (+10,1%).

Bàn cờ thương mại thế giới sẽ ra sao?

Với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, tương lai bàn cờ thương mại thế giới đi về đâu? Trong bài viết “Chiến tranh thương mại: sự thảm bại của các biện pháp bảo hộ mậu dịch trước đây của Mỹ” đăng trên website của mình, đài truyền hình Pháp France 24 cho rằng, sự việc này làm nhớ lại đạo luật Hawley-Smoot năm 1930 đã châm ngòi cho cuộc chiến thương mại lớn sau cùng trên thế giới. Vào mùa xuân năm 1929, kinh tế Mỹ dường như phát triển tốt. Tỷ lệ thất nghiệp thấp, tăng trưởng cao như mong đợi và công nghiệp phát triển. Trong bối cảnh đó, một lĩnh vực duy nhất có những dấu hiệu suy yếu: đó là nông nghiệp.

Herbert Hoover, vừa đắc cử tổng thống, đã dùng lại một ý tưởng mà giới vận động hành lang của các nhà sản xuất nông nghiệp đưa ra: các chủ trang trại Mỹ gặp khó khăn do cạnh tranh quốc tế. Ông đã đề nghị đánh thuế các mặt hàng nông sản nhập khẩu. Thế nhưng, Quốc hội Mỹ đã nắm lấy chủ đề này và quyết định mở rộng phạm vi đánh thuế, vượt ra ngoài lĩnh vực nông nghiệp.

Trung Quốc thông báo "không muốn chiến tranh thương mại với Mỹ" nhưng phải "đáp trả mạnh mẽ".

Dưới sự thúc đẩy của 2 nghị sĩ đảng Cộng hòa - Willis Hawley và Reed Smoot - cả Thượng và Hạ viện đều thông qua một danh sách gần 900 mặt hàng phải chịu thuế (trong đó có cả cá vàng). Sau nhiều tháng bàn thảo, đạo luật được gọi là Hawley-Smoot đã được thông qua đầu năm 1930 vào lúc cuộc khủng hoảng chứng khoán năm 1929 bắt đầu có những tác động đầu tiên đối với nền kinh tế Mỹ.

“Chúng tôi tin rằng việc thông qua các biện pháp bảo hộ mậu dịch sẽ là một sai lầm. Các biện pháp này có thể dẫn đến việc tăng giá đối với người tiêu dùng Mỹ [...] và làm giảm mức sống của người dân”. Chính bằng những lời lẽ này, một tập thể gồm 1.028 nhà kinh tế đã bắt đầu lá thư ngỏ gửi đến Tổng thống Mỹ Herbert Hoover năm 1930, nhằm cảnh báo ông về việc áp đặt thuế quan đánh vào nhiều loại sản phẩm.

Giờ đây, 88 năm sau, khoảng 12 kinh tế gia Mỹ đã dùng lại chính bức thư này, chỉ khác nhau vài từ, nhằm báo động Tổng thống Donald Trump về những mối nguy hiểm trong việc đánh thuế nhập khẩu lên các mặt hàng của nhiều nước trên thế giới. Đối với họ, nước Mỹ ngày nay có nguy cơ chịu cùng số phận như năm 1930 chỉ vì các loại thuế quan.

Theo các chuyên gia, từ 25 năm nay, thế giới có nhiều thay đổi mà các cơ chế thành hình từ sau Thế chiến thứ hai không theo kịp và đang dần dần phá sản. Những dàn xếp quốc tế hay các cơ chế đa phương không thỏa mãn sự khát khao hay nguyện vọng, thậm chí cả nạn mị dân, của các khuynh hướng quốc gia dân tộc. Hậu quả là phản ứng đáng sợ: “đèn nhà nào nhà ấy rạng, mạng người nào người ấy giữ”!

Từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2011, Bắc Kinh và Washington đã có hàng chục lần kiện nhau trước định chế trọng tài kinh tế quốc tế này mà không lần nào đi được đến đâu. Nhưng lần này, chủ nhân Nhà Trắng là một người chống toàn cầu hóa với tính khí thất thường, khiến thế giới không biết đâu mà lường.

Trong lúc mà các hoạt động thương mại cần được phát triển trong một môi trường ổn định, cần tránh mọi sự bất ngờ và nhất là không ai muốn trông thấy hai ông khổng lồ Mỹ và Trung Quốc lao vào một cuộc đọ sức trực tiếp, bởi "trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết".

M.T. (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/cang-thang-thuong-mai-my-trung-se-leo-thang-den-dau-496448/