Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung định hình thương mại toàn cầu

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đã khiến tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2019 giảm tốc dù một số quốc gia và ngành nghề đã được hưởng lợi đôi chút.

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung là nguyên nhân chủ yếu khiến kinh tế thế giới giảm tốc năm 2019.

Số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy tăng trưởng thương mại toàn cầu đã hạ xuống mức 1% trong năm 2019, thấp hơn nhiều so với mức 4% của năm 2018 và 6% năm 2017, đồng thời đây cũng là con số thấp thứ tư tính trong khoảng thời gian 40 năm qua. Có thể coi đây là mức tăng trưởng yếu kém nhất nếu không tính thời kỳ suy thoái kinh tế.

Có nhiều yếu tố là nguyên nhân gây ra tình trạng giảm tốc này, nhưng các nhà kinh tế đều đồng tình rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là nguyên nhân lớn nhất, bởi Mỹ và Trung Quốc đều là các "cỗ máy" tiêu dùng khổng lồ, mỗi năm mua tới 2.000 tỷ USD hàng hóa. Khi thương mại giữa hai nước giảm xuống do áp dụng các biện pháp thuế quan của cả hai bên thì dù tất cả các nước khác có mua tăng lượng hàng hóa thì vẫn không bù đắp được lượng hàng bị giảm đó.

Hàng hóa nông sản, máy bay, máy móc Mỹ bán cho Trung Quốc đã giảm mạnh đồng thời lượng hàng điện tử và hàng công nghiệp Trung Quốc bán cho thị trường Mỹ cũng giảm. Theo số liệu của Cơ quan Theo dõi Dữ liệu Thương mại (Trade Data Monitor), riêng trong năm 2019, nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm 59 tỷ USD trong khi nhập khẩu của Mỹ cũng giảm 42 tỷ USD.

Thế nhưng, tăng trưởng kinh tế của thế giới đáng lẽ sẽ còn giảm mạnh hơn, nếu Mỹ và Trung Quốc không nhập thêm hàng hóa từ các nước khác. Trong năm 2019, Mỹ đã nhập thêm hàng hóa của 11 nước và giảm nhập hàng hóa của 4 nước còn Trung Quốc nhập thêm hàng của 7 nước và giảm bớt nhập hàng của 8 nước khác.

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đang tạm chững lại và IMF dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu trong năm 2020 sẽ đạt khoảng 3%, cao hơn mức 1% của năm 2019. Dự báo cũng cho thấy Mỹ tạm "ngừng chiến" với các đối tác thương mại lớn và rằng các thị trường lớn mới nổi như Brazil, Mexico, Ấn Độ và Nga sẽ có những tín hiệu tích cực về kinh tế.

Tuy nhiên, viễn cảnh tươi sáng đó được dự báo trước khi xảy ra dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc. Dịch bệnh chắc chắn sẽ khiến một số chuỗi cung ứng bị đứt gãy và một số hoạt động thương mại bị gián đoạn bởi cả thế giới giờ đây đều đang nỗ lực dập dịch. Và với tình hình Mỹ vẫn đang áp thuế lên gần 370 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc thì có lẽ còn quá sớm để có thể lạc quan rằng tình hình thương mại toàn cầu sẽ sớm cải thiện.

T. Hằng

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/cang-thang-thuong-mai-my-trung-dinh-hinh-thuong-mai-toan-cau-120173.html