Căng thẳng thương mại Mỹ-EU: Rủi ro và giải pháp của châu Âu (Phần 2)

Thuế quan của Mỹ đe dọa hệ thống thương mại thế giới và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), vốn dựa trên ý tưởng rằng xung đột thương mại giữa các quốc gia sẽ được đưa ra phân xử trước tổ chức này.

Tổng giám đốc WTO cảnh báo về kế hoạch áp thuế của Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng giám đốc WTO cảnh báo về kế hoạch áp thuế của Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trường hợp đặc biệt của Trung Quốc

Những cú sốc trên có thể được chuyển sang các thị trường châu Âu do mức độ hội nhập cao của các thị trường tài chính ở bên kia Đại Tây Dương. Cuối cùng, Trung Quốc cũng sẽ chịu áp lực buộc phải nới lỏng các chính sách kinh tế vĩ mô của mình khi phải đối mặt với sức ép thương mại từ Mỹ.

Nhưng nước này không thể dễ dàng phá giá đồng Nhân dân tệ vì họ đang phải đối mặt với thế tiến thoái lưỡng nan là phải tăng cường nền kinh tế xuất khẩu của mình trong khi đồng thời muốn duy trì ổn định đồng tiền của mình ít nhất so với một số đồng tiền khác.

Chính phủ Trung Quốc lo sợ rằng dòng vốn đầu tư chảy ra nước ngoài, mà gần đây họ đã hạn chế được thông qua các biện pháp kiểm soát vốn, sẽ được phục hồi thông qua cách thức kinh điển là phá giá đồng nhân dân tệ.

Thêm vào đó, là một phần trong báo cáo tiền tệ 6 tháng của Bộ Tài chính Mỹ, Chính phủ Mỹ đang hướng sự chú ý đặc biệt đến tỷ giá hối đoái giữa đồng USD và đồng nhân dân tệ, và đang để mắt đến các biện pháp trừng phạt nhằm vào Trung Quốc nếu có sự thao túng tiền tệ.

Mối đe dọa bán trái phiếu của Bộ Tài chính Mỹ, mà Trung Quốc nắm giữ rất nhiều với tư cách là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, không quá nghiêm trọng do Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào những khoản dự trữ này mà do đó sẽ bị mất giá.

Vì những lý do đó, ban lãnh đạo Trung Quốc sẽ tránh sử dụng chính sách tiền tệ như là một vũ khí chính sách thương mại và sẽ muốn giải quyết vấn đề tiền tệ một cách kín đáo và tinh vi hơn.

Mức độ ảnh hưởng có thể đã có của một cơ chế điều chỉnh tiền tệ tinh vi như vậy đối với châu Âu được thể hiện rõ ở quyết định của Ngân hàng trung ương Trung Quốc là đình chỉ một công cụ ổn định không theo chu kỳ, mà thường được sử dụng để nâng giá đồng nhân dân tệ.

Nền kinh tế xuất khẩu của Trung Quốc mới chỉ trải nghiệm phần nào các tác động của việc nâng giá trị tiền tệ này diễn ra đồng thời so với đồng USD, vì nó được bù đắp nhờ sự phá giá đồng nhân dân tệ so với đồng yen Nhật Bản và đồng euro.

Dưới sức ép to lớn của thiệt hại về thương mại thông qua các mức thuế lớn mang tính trừng phạt theo Điều 301, Chính quyền Bắc Kinh có thể muốn phá giá hơn nữa đồng nhân dân tệ so với đồng euro để tăng cường nền kinh tế xuất khẩu của họ chống lại một đối thủ cạnh tranh lớn về kinh tế nếu điều này là không thể so với đồng USD vì những lý do kinh tế và chính trị.

Việc Ngân hàng trung ương Trung Quốc tích lũy các khoản dự trữ bằng đồng euro sẽ đẩy giá đồng euro vốn đã mạnh và khiến các nhà xuất khẩu châu Âu trở nên ít có tính cạnh tranh hơn.

Những tác động đối với hệ thống thương mại đa phương toàn cầu

Thuế quan của Mỹ đe dọa hệ thống thương mại thế giới và WTO, vốn dựa trên ý tưởng rằng xung đột thương mại giữa các quốc gia sẽ được đưa ra phân xử trước WTO và các nước có thể áp đặt các biện pháp trả đũa ở mức vừa phải.

Nếu câu hỏi liệu thuế thép và nhôm có vai trò then chốt đối với an ninh quốc gia của Mỹ hay không được đưa ra trước WTO, thì quyết định nào của các thẩm phán cũng sẽ gây ra những rủi ro rất lớn. Chẳng hạn, một phán quyết chống lại thuế quan của Mỹ với mục đích là đưa ra một sự giải thích chính thức từ WTO có thể làm tê liệt vĩnh viễn thể chế này và phá vỡ hệ thống thương mại tự do.

Một mặt, nếu Trung Quốc khởi kiện Mỹ lên WTO vì áp đặt thuế quan và giành chiến thắng, thì Mỹ sẽ bị buộc phải dỡ bỏ thuế quan vì là thành viên của WTO. Đối với Mỹ, điều này sẽ đồng nghĩa với việc không được phép thực hiện các biện pháp để bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ.

Trong một tình huống như vậy, có một nguy cơ lớn là ông Donald Trump, với sự ủng hộ từ nhóm cử tri của ông và các đảng viên Cộng hòa theo đường lối bảo thủ hơn, sẽ chấm dứt tư cách thành viên của Mỹ trong WTO. Nếu nền kinh tế lớn nhất thế giới rời khỏi WTO, thì sự tồn tại của tổ chức này sẽ gặp nguy hiểm và tương lai của thương mại thế giới sẽ trở nên khó dự đoán.

Tuy nhiên, nếu Mỹ khởi kiện lên WTO và giành chiến thắng, thì tổ chức thương mại này hẳn sẽ tạo ra một tiền lệ đặc biệt rủi ro mà cũng sẽ hợp thức hóa hành động áp dụng các biện pháp bảo hộ của Mỹ đối với các nước khác.

Điều này có thể dẫn tới một cuộc suy thoái toàn cầu, mà hậu quả có thể là các cuộc chiến thương mại. Giải pháp thay thế cho cả hai lựa chọn khởi kiện lên WTO là mỗi nước nhận thức được tình thế "hai bên đều thua" khi chính thức khởi kiện và không quốc gia nào sẽ làm như vậy.

Triển vọng cho châu Âu

Chính quyền Mỹ gần đây đã đưa ra 5 tiêu chuẩn để cho phép miễn thuế: Thứ nhất, quốc gia có liên quan phải hạn chế xuất khẩu thép và nhôm sang Mỹ từ năm 2017. Thứ hai, nước này phải áp dụng các biện pháp trả đũa nhằm vào các thông lệ bóp méo thị trường của Trung Quốc.

Thứ ba, nước này cần sẵn lòng hợp tác hơn với Mỹ và đối đầu hơn với Trung Quốc tại Diễn đàn thép toàn cầu của G20. Thứ tư, Mỹ yêu cầu tăng cường hợp tác trong các vụ kiện chống Trung Quốc tại WTO. Thứ năm, quốc gia này cần mở rộng hợp tác trong chính sách quốc phòng với Mỹ. Các điều kiện này phải được đáp ứng ở mức độ nào vẫn là điều còn chưa rõ.

Nhưng ngay cả khi xem xét các tiêu chuẩn này, EU nên hiểu rõ rằng họ có thể sẽ không được miễn trừ thuế lâu dài nếu không thích ứng với Mỹ trong một lĩnh vực lớn hơn. Trong khi nhiều nhà quan sát chỉ ra rằng mục tiêu thực sự của thuế thép và nhôm là Trung Quốc, thì thực tế rằng Mỹ đã áp mức thuế rất lớn đối với thép của Trung Quốc cho thấy EU không phải vô tình bị ông Donald Trump nhắm tới.

Nhà Trắng muốn các nước châu Âu đáp ứng mục tiêu chi 2% GDP cho hệ thống phòng thủ của NATO và giảm thâm hụt thương mại của Mỹ. Mục tiêu thứ hai cũng bao gồm yêu cầu của Tổng thống Trump là điều chỉnh mức thuế của châu Âu đối với ô tô, hiện ở mức 10%, cao hơn nhiều so với ở Mỹ (2,5%).

Tổng thống Trump nhắc lại chỉ trích của ông về thặng dư thương mại song phương của Đức và châu Âu với Mỹ và đổ lỗi một cách sai lầm cho các chính sách thương mại. Một năm trước, ông đề xuất áp thuế nhập khẩu ở mức 35% đối với xe ô tô từ châu Âu.

Tuy nhiên, đề xuất này đã không được thực thi. Mỹ là thị trường quan trọng nhất đối với ô tô xuất khẩu từ EU. Các nhà sản xuất của Đức, mà đã bán được 1,35 triệu xe mới tại Mỹ trong năm 2017, sẽ phải chịu tác động rất lớn từ thuế ô tô.

Phụ thuộc vào việc các nhà sản xuất châu Âu tiến hành những điều chỉnh nào đối với hoạt động sản xuất, các loại thuế này có thể khiến lượng ô tô xuất khẩu sang Mỹ giảm 500.000 chiếc và gây thiệt hại kinh tế từ 5 đến 17 tỷ euro cho châu Âu.

Sự leo thang thành một cuộc chiến thương mại dường như có thể xảy ra. Tổng thống Trump và ê kíp theo đường lối cứng rắn của ông, bao gồm Ngoại trưởng Mike Pompeo, Cố vấn thương mại Peter Navarro, Bộ trưởng Thương mại Ross, Đại diện thương mại Lighthizer và Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, sẽ cố gắng giảm thâm hụt thương mại song phương không liên quan về kinh tế với Trung Quốc, EU và các nước khác.

Với hệ tư tưởng "Nước Mỹ trước tiên" của chính quyền Trump, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump hóa ra lại chính là điều mà châu Âu đã lo sợ từ sự trỗi dậy của Trung Quốc: một cường quốc tự cho mình là đúng, không đếm xỉa tới các quy định quốc tế và các thiệt hại trong công cuộc làm giàu cho bản thân.

TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/cang-thang-thuong-mai-my-eu-rui-ro-va-giai-phap-cua-chau-au-phan-2-/87872.html