Căng thẳng thương mại EU – Indonesia lên bàn nóng WTO

Liên minh châu Âu hôm thứ Sáu đã khiếu nại Indonesia lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), phản đối việc nước này hạn chế về xuất khẩu niken và các nguyên liệu thô khác.

Theo EU, động thái này là nhằm mang lại lợi ích cho ngành công nghiệp luyện thép và thép không gỉ của riêng Indonesia.

Ủy ban châu Âu, nơi điều phối chính sách thương mại của EU, cho biết các hạn chế không công bằng của Indonesia đã hạn chế quyền tiếp cận với quặng niken, phế liệu, than đá và than cốc, quặng sắt và crôm của các nhà sản xuất EU.

EU cho rằng, Indonesia đang thực thi các biện pháp thương mại không công bằng. Ảnh: Reuters.

EU cho rằng, Indonesia đang thực thi các biện pháp thương mại không công bằng. Ảnh: Reuters.

Khiếu nại của Ủy ban châu Âu viết rằng, các biện pháp này là một phần trong kế hoạch phát triển ngành công nghiệp thép không gỉ của Indonesia. Indonesia là quốc gia khai thác quặng niken lớn nhất thế giới và chuẩn bị cấm xuất khẩu nguyên liệu này trong hai năm kể từ năm 2020.

Indonesia đã trở thành nhà xuất khẩu thép không gỉ lớn thứ hai và thị phần của họ tại thị trường EU đã tăng từ gần 0 trong năm 2017 lên 18% trong quý hai năm nay, hiệp hội thép châu Âu Eurofer cho biết.

Châu Âu cũng nói rằng, các phương pháp sản xuất được sử dụng ở Indonesia tạo ra lượng carbon dioxide nhiều hơn gấp bảy lần so với các quy trình được sử dụng ở châu Âu.

Rủi ro đến từ việc tự sản xuất thép giá rẻ, gây ô nhiễm cao thay cho thép sạch hơn từ các nhà sản xuất thuộc EU và các đối tác thương mại truyền thống, theo Eurofer.

Trung Quốc, nhà sản xuất thép không gỉ lớn nhất thế giới, đã dự trữ quặng niken trước lệnh cấm từ Indonesia.

Ủy viên Thương mại EU, bà Cecilia Malmstrom, cho biết, “bất chấp những nỗ lực phối hợp của chúng tôi, Indonesia vẫn duy trì các biện pháp này và thậm chí tuyên bố lệnh cấm xuất khẩu mới vào tháng 1/2020”.

EU cũng phản đối kế hoạch của Indonesia miễn thuế cho các nhà sản xuất nước này đối với một số mặt hàng nhập khẩu phục vụ việc nâng cấp hoặc xây dựng một nhà máy mới miễn là máy móc và thiết bị địa phương chiếm 30% nguyên vật liệu. EU coi đây là một khoản trợ cấp bất hợp pháp.

Các quan chức chính phủ Indonesia chưa đưa ra ngay bình luận.

Khiếu nại tại WTO bắt đầu với thời hạn 60 ngày để tham khảo ý kiến giữa các bên nhằm giải quyết tranh chấp. Bên khiếu nại sau đó có thể yêu cầu một hội đồng ba người đưa ra phán quyết. Phán quyết đó thường sẽ có sau ít nhất một năm nữa.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cang-thang-thuong-mai-eu-indonesia-len-ban-nong-wto-20191123073857531.htm