Căng thẳng theo dõi cuộc tập trận cực lớn Red Sword 2018 của Không quân Trung Quốc

Những hình ảnh về cuộc tập trận đối kháng mang tên 'Hồng kiếm 2018 - Red Sword 2018' diễn ra hồi tháng 6 vừa được các phương tiện truyền thông Trung Quốc đăng tải.

Cuộc tập trận thường niên tại khu vực sa mạc phía Tây Bắc của nước này, bao gồm các khoa mục dành cho tên lửa phòng không, máy bay chiến đấu, tác chiến điện tử... nhằm tăng cường khả năng chiến đấu. Trong ảnh là một khẩu đội tên lửa HQ-9.

Hàng dài máy bay ném bom JH-7 đang trên khu vực sân đỗ, ở góc trái là một máy bay tiếp dầu Il-78 chạy đà trên đường băng để chuẩn bị cất cánh, góc phải là hai chiếc máy bay ném bom H-6K đang cơ động trên đường lăn, tất cả tạo ra hình ảnh khá hoành tráng.

Hai chiếc tiêm kích J-10B chuẩn bị cất cánh, đây là dòng chiến đấu cơ hạng nhẹ được Trung Quốc đặt rất nhiều kỳ vọng, nó sẽ nhanh chóng thay thế toàn bộ phi đội J-7 trong tương lai gần.

Hiện tại Trung Quốc đang thử nghiệm động cơ có trang bị bộ phận chỉnh hướng phụt 3 chiều (3D TVC) cho J-10B, khiến nó có độ linh hoạt vượt trội các đối thủ.

Tiêm kích chiếm ưu thế trên không J-11 được Trung Quốc sao chép dựa trên nguyên mẫu Su-27SK của Nga, từ phiên bản J-11A ban đầu cho tới J-11D ngày nay là cả một quãng đường dài, Bắc Kinh đã thực sự tạo ra được một nhánh mới của dòng Flanker.

Máy bay tiếp dầu H-6DU (biến thể sửa đổi từ oanh tạc cơ H-6) bung dù hãm sau khi tiếp đất, tính năng của dòng phi cơ này bị đánh giá là kém rất xa khi đặt cạnh những chiếc Il-78 được Trung Quốc mua về từ Nga.

Cường kích JH-7 của Trung Quốc có vai trò và tính năng tương tự như Su-24 của Nga, tuy nhiên theo một số ý kiến đánh giá thì chiếc JH-7 được trang bị hệ thống điện tử hàng không cao cấp hơn Su-24, dẫn tới khả năng mang theo rất đa dạng các loại vũ khí dẫn đường tối tân.

Không quân Hải quân Trung Quốc cũng đưa dòng máy bay chiến đấu đa năng Su-30MKK của mình tới tham dự tập trận Red Sword 2018. Hiện tại Bắc Kinh đã chế tạo dòng J-16 dựa trên Su-30 và dự kiến sẽ sản xuất tới 300 - 400 máy bay loại này.

Tầm bay lý thuyết của Su-30MKK là 1.500 km, tức là nó vươn tới được vùng trời phía Tây Thái Bình Dương, khi được tiếp dầu trên không thì con số này tăng lên 2.000 km, thậm chí với 2 lần tiếp nhiên liệu thì tầm bay chuyển sân sẽ đạt 8.000 km.

Dĩ nhiên con số trên của Su-30MKK khó đạt được trong điều kiện thực tế vì còn vướng phải các yếu tố như tải trọng vũ khí mang theo hay độ bền bỉ của phi công. Hiện tại Trung Quốc đã công bố dự án chế tạo máy bay tiếp dầu dựa trên khung gầm Y-20 để mở rộng phạm vi hoạt động cho chiến đấu cơ.

Các máy bay ném bom JH-7 bay trên sa mạc, cuộc tập trận Hồng Kiếm hàng năm diễn ra ở rất sâu trong nội địa, trên một thao trường rộng lớn ở vùng không có dân cư, giúp phương tiện và vũ khí có điều kiện để phát huy tối đa năng lực theo đúng số liệu thiết kế.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-cang-thang-theo-doi-cuoc-tap-tran-cuc-lon-red-sword-2018-cua-khong-quan-trung-quoc/775702.antd