Căng thẳng tại trạm BOT Quốc lộ 5: Chờ Chính phủ cho ý kiến

Tình hình mất trật tự ATGT do lái xe dùng tiền lẻ trả phí qua trạm BOT Quốc lộ 5 (QL5) tiếp tục tái diễn. Trong khi đó, đơn vị thu phí và Bộ GTVT vẫn đang chờ chỉ đạo từ Chính phủ.

Tình trạng ùn ứ giao thông trước trạm thu phí số 1 - Quốc lộ 5 do lái xe dùng tiền lẻ thanh toán, phản đối việc thu phí - Ảnh: Thành Thái

QL5 được đầu tư xây dựng từ vốn ngân sách Nhà nước nhưng năm 2009 đã được chuyển giao cho Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) thu phí để hoàn vốn cho Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Sau sự việc xảy ra tại trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang), từ ngày 4-9, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ Quốc khánh năm nay, hàng chục lái xe qua trạm BOT QL5 đã sử dụng tiền lẻ mệnh giá 200 đồng, 500 đồng để trả phí qua trạm. Từ đó đến nay, ngày nào tình trạng này cũng tái diễn với những mức độ khác nhau. Có thời điểm, Vidifi đã phải xả trạm để giảm tình trạng ùn tắc.

Sẽ thu phí 28 năm 8 tháng?

QL5 cũ chuyển giao cho Vidifi quản lý và thu phí vào năm 2009, mức phí tại thời điểm này thấp nhất là 10.000 đồng/lượt. Tuy nhiên, từ 1-4-2016, Vidifi đã chính thức tăng phí tại 2 trạm BOT trên QL5, với mức thấp nhất cho xe dưới 12 chỗ là 45.000 đồng/lượt; cao nhất là xe tải trên 18 tấn, xe container có vé lượt 200.000 đồng/lượt.

Theo giải thích của lãnh đạo Vidifi tại thời điểm đó, việc điều chỉnh mức thu phí theo lộ trình tăng phí sử dụng đường bộ trên QL5 do Bộ Tài chính quy định để duy tu, sửa chữa đảm bảo ATGT trên QL5 và phần còn lại để hoàn vốn theo phương án tài chính cả dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được đầu tư theo hình thức BOT.

Song, từ 1-11-2016, Vidifi lại giảm một phần mức phí tại 2 trạm này và được duy trì từ đó đến nay. Theo phương án tài chính mới nhất sau khi được Kiểm toán Nhà nước kết luận thì thời gian thu phí (cả đường cao tốc và QL5) là 28 năm 8 tháng 27 ngày, sau đó sẽ bàn giao công trình cho Nhà nước.

Việc tiếp tục thu phí trên tuyến đường được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước, trong khi người dân vẫn phải đóng phí bảo trì đường bộ hàng tháng đã khiến không ít lái xe bức xúc và cho rằng, việc thu phí tại 2 trạm BOT QL5 là không đúng. Hơn nữa, mức phí hiện quá cao so với chất lượng đường bị hằn lún.

Đơn vị thu phí và Tổng cục Đường bộ đều đang chờ chỉ đạo của Chính phủ về trạm thu phí QL5

Thu hộ tiền Nhà nước

Trước phản ứng của lái xe đối với trạm BOT QL5, ông Phạm Văn Bổn, Phó Tổng giám đốc Vidifi cho rằng, năm 2007, Thủ tướng Chính phủ quyết định giao Ngân hàng Phát triển Việt Nam chủ trì đầu tư xây dựng Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng theo hình thức BOT không vì mục tiêu lợi nhuận. Theo đó, Vidifi được giao làm chủ đầu tư dự án và được giao quyền thu phí QL5 từ năm 2009 cho đến hết thời gian BOT.

“Việc giao Vidifi quyền quản lý thu phí 2 trạm QL5 thực chất là một khoản vốn góp của Nhà nước vào dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, thực hiện theo hình thức hợp tác công tư (PPP). Hiện nay, Vidifi chỉ là thu hộ Chính phủ, vì đây được xem như khoản tiền đối ứng của Nhà nước bỏ ra để làm dự án cao tốc”, ông Phạm Văn Bổn cho biết.

Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Vidifi, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định, Nhà nước hỗ trợ trực tiếp vào dự án khoảng 29% tổng mức đầu tư, trong đó hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng trên 4.000 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020.

“Việc đầu tư xây dựng dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng bao gồm hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp (thu phí QL5, chi phí GPMB…) và hình thức BOT (thu phí cao tốc, quảng cáo, dịch vụ trên cao tốc…). Việc dư luận cho rằng, “BOT một đường nhưng thu phí một đường khác” là chưa chính xác”, ông Phạm Văn Bổn nói.

Theo Vidifi, nguồn thu phí QL5 từ năm 2009 đến nay chủ yếu để thực hiện quản lý, duy tu và sửa chữa QL5, chưa hỗ trợ được cho dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng theo quy định. QL5 hiện đã xuống cấp nặng nề và đều đã quá thời hạn đại tu. Dự kiến, cần phải đầu tư từ 2.500 - 3.000 tỷ đồng thì mới sửa chữa căn bản những hư hỏng hiện hữu. Với mức thu phí như hiện nay thì doanh thu thu phí QL5 cơ bản đáp ứng được việc sửa chữa QL5 trong thời gian tới.

Liên quan đến giải pháp xử lý tại trạm BOT QL5 trong thời gian tới, đại diện Vidifi cho hay, đơn vị đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và chờ ý kiến chỉ đạo. Tương tự, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cũng cho biết, phương án xử lý đã được Vidifi gửi tới Chính phủ. Sau khi Chính phủ chỉ đạo, Tổng cục và Vidifi sẽ triển khai.

Trong phương án xử lý có nội dung, sẽ xem xét việc giảm phí tại trạm này cùng với toàn bộ các trạm thu phí trên toàn quốc theo chủ trương của Chính phủ. “Hình thức thu phí hở không thể đảm bảo công bằng đối với 100% đối tượng tham gia. Bởi vậy, rất mong người dân chia sẻ và ủng hộ, việc thu phí trên QL5 của nhà đầu tư hiện tại chính là thu hộ tiền đối ứng của Chính phủ vào dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng”, ông Nguyễn Văn Huyện bày tỏ.

Ngày 8-9, phát biểu tại tọa đàm "Dự án BOT - Chính sách và giải pháp" do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Viện nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển tổ chức, TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, đang tồn tại tình trạng “thu phí BOT như kiểu trấn lột”.

Nhấn mạnh các trạm BOT đang là vấn đề nóng, nếu không sớm xử lý thì những bất ổn xã hội có thể xảy ra, TS Nguyễn Sỹ Dũng đề nghị nên xem xét các nhà đầu tư BOT như một thương quyền; chỉ có những doanh nghiệp nào đảm bảo chất lượng tốt, giá rẻ nhất mới được cho quyền khai thác.

Hải Thanh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/oto-xe-may/cang-thang-tai-tram-bot-quoc-lo-5-cho-chinh-phu-cho-y-kien/740738.antd