Căng thẳng tại phiên xử tranh chấp tác quyền Thần đồng đất Việt

Ngày 24/1, tại Tòa án Nhân dân quận 1, TP.HCM, đã diễn ra phiên xét xử tranh chấp tác quyền truyện Thần đồng đất Việt giữa họa sĩ Lê Linh và Công ty Phan Thị.

Các bên nguyên đơn và bị đơn thực hiện nghi thức tại phiên tòa

Các bên nguyên đơn và bị đơn thực hiện nghi thức tại phiên tòa

Phiên tòa có sự góp mặt của nguyên đơn - họa sĩ Lê Phong Linh (còn gọi là Lê Linh) cùng luật sư, và luật sư Nguyễn Vân Nam - người đại diện bị đơn là bà Phan Thị Mỹ Hạnh (giám đốc công ty Phan Thị).

Thẩm phán Nguyễn Quang Huynh (giữa) chủ tọa phiên tòa

Sau 12 năm tranh chấp và phiên xử vào ngày 28/12 do phía Công ty Phan Thị xin phép tạm hoãn thì sáng ngày 24/1, phiên tòa đã diễn ra với sự có mặt cả 2 bên. Phiên xử thu hút đông đảo giới báo chí cũng như người quan tâm khiến khán phòng không đủ chỗ ngồi cho người đến dự, nhiều người ngồi bên ngoài để quan sát diễn biến của phiên xét xử.

Phiên xét xử diễn ra trong không khí căng thẳng đến từ 2 bên buộc Thẩm phán phiên tòa Nguyễn Quang Huynh nhiều lần nhắc nhở 2 bên trong thái độ tranh luận lẫn cách đặt câu hỏi và trình bày nhiều vấn đề không cần thiết, không đúng trọng tâm đang được đưa ra bàn luận.

Phiên tòa thu hút sự quan tâm của nhiều người

Tại phiên xét xử tranh chấp vấn đề tác quyền duy nhất, ông Lê Linh yêu cầu phía bị đơn về 2 vấn đề: 1. Yêu cầu tòa công nhận Lê Linh là tác giả duy nhất của 4 hình tượng nhân vật Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo trong bộ truyện tranh Thần Đồng Đất Việt từ tập 1 đến tập 78 và không thừa nhận bà Phan Thị Mỹ Hạnh (Giám đốc Công ty Phan Thị) là đồng tác giả. 2. Buộc Phan Thị chấm dứt việc tạo ra và sử dụng biến thể trong các tập Thần đồng đất Việt tiếp theo và ấn phẩm khác. Đồng thời, ông Lê Linh cũng yêu cầu phía Công ty Phan Thị xin lỗi công khai trên các phương tiện truyền thông, báo đài trong 3 kỳ liên tiếp. Bởi vì, Công ty Phan Thị đã sử dụng 4 hình tượng nhân vật mà ông Lê Linh sáng tạo ra để thỏa thuận hợp tác quảng cáo với một công ty sữa của Hà Lan mà không được sự chấp nhận của ông.

Thế nhưng, phía bị đơn, đại diện Công ty Phan Thị, GS. TS Luật sư Nguyễn Vân Nam đã bác bỏ yêu cầu của nguyên đơn là ông Lê Linh với nhiều lí do và cho rằng:

- Từ năm 2002, họa sĩ Lê Linh đến làm việc tại Công ty Phan Thị và tự nguyện ký cam kết bằng văn bản với bà Mỹ Hạnh, xác nhận anh và bà Hạnh là đồng tác giả của bốn hình tượng nhân vật trong truyện, và cũng đã được Cục bản quyền tác giả cấp chứng nhận. Luật sư bị đơn cho biết ông Linh từng ký đơn xin việc để vào làm công ty Phan Thị với công việc là vẽ minh họa, mức lương 1,5 triệu đồng mỗi tháng. Đồng thời, trong quá trình 4 năm làm việc tại Phan Thị, ông Lê Linh, ngoài lương mỗi tháng, ông Lê Linh còn nhận được nhuận bút và các khoản tiền phụ cấp khác. Tổng cộng, ông Lê Linh đã nhận được hơn 3 tỷ đồng.

- Đồng thời, đại diện của Phan Thị, GS.TS Luật sư Nguyễn Vân Nam khẳng định rằng, ông Lê Linh là một kiến trúc sư, chỉ đam mê hội họa, và chỉ có một chứng chỉ photoshop chứ không phải thực sự là một họa sĩ nên khả năng vẽ hạn chế, nét vẽ mảnh, tỷ lệ khuôn mặt không cân xứng, các nhân vật không sinh động nên không phải là tác giả của 4 hình tượng nhân vật này. Vì vậy, để có sự hoàn thiện các hình tượng nhân vật đều có sự tham gia của bà Mỹ Hạnh cũng như đội ngũ các họa sĩ vẽ của công ty. Đồng thời, Luật sư Nguyễn Vân Nam cũng khẳng định ông Lê Linh sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, không có tuổi thơ và kí ức của các vùng miền miền Bắc mà trong khi bối cảnh, nội dung và phác họa nhân vật đều là bối cảnh miền Bắc ngày trước.

- Hơn nữa, để là một tác giả, phải khẳng định được thời gian và địa điểm sáng tác, hình thức và cách thức sáng tạo, dấu ấn sáng tạo cá nhân. Vì thế, ông Lê Linh không phải là tác giả của 4 nhân vật trên mà chỉ là người vẽ tạo hình nhân vật và để hoàn thiện phải có nhiều người tham gia, trong đó có bà Mỹ Hạnh chỉnh sửa từ ý tưởng đến phác họa… Không những vậy, Luật sư Nguyễn Văn Nam còn cho rằng ông Lê Linh đã sử dụng trái phép hình tượng nhân vật Trạng Tí trong Thần đồng đất Việt của Phan Thị để sáng tác nhân vật Long Tinh truyện Long Thánh.

Một số bức tranh do họa sĩ Lê Linh tường thuật tóm tắt vụ kiện trên trang facebook cá nhân của mình

Phản đối lập luận của Luật sư Nguyễn Vân Nam, ông Lê Linh cho rằng không phải ở miền Bắc mới có thể hiểu văn hóa miền Bắc, sử dụng ngôn từ cũng như sáng tác được những vấn đề liên quan đến đặc trưng văn hóa, lối sống của miền Bắc. Tất cả đều được học tập và tích lũy qua thời gian. Hơn nữa, ông cũng khẳng định, ông là người đã sáng tác, tạo ra tác phẩm từ ý tưởng nên ngay từ khởi sinh ông đã là tác giả của 4 hình tượng nhân vật trên.

Theo Thẩm phán Nguyễn Quang Huynh, đây là phiên tòa có nhiều vấn đề cần phải làm rõ vì tác quyền có nhiều vấn đề cần nghiên cứu xử lý, hơn nữa, lại là phiên tòa đầu tiên về tác quyền của bộ truyện tranh nổi tiếng của Việt Nam đang được dư luận theo dõi quan tâm.

Do Hội đồng xét xử cần cân nhắc nhiều tình tiết, phiên tòa tiếp tục mở vào sáng 25/1 tại Tòa án Nhân dân quận 1, TPHCM.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/cang-thang-tai-phien-xu-tranh-chap-tac-quyen-than-dong-dat-viet-3978312-v.html