Căng thẳng phủ bóng thượng đỉnh Mỹ - Nga

Nhà Trắng hôm 25-5 xác nhận cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin sẽ diễn ra vào tháng tới tại Geneva.

Hồi tháng 3-2011, ông Biden (trái) với tư cách Phó Tổng thống Mỹ gặp ông Putin khi đó là Thủ tướng Nga tại Mát-xcơ-va. Ảnh: AP

Hồi tháng 3-2011, ông Biden (trái) với tư cách Phó Tổng thống Mỹ gặp ông Putin khi đó là Thủ tướng Nga tại Mát-xcơ-va. Ảnh: AP

Geneva với khung cảnh hùng vĩ của đỉnh Mont Blanc cao nhất Tây Âu và danh tiếng vừa là trung tâm cho các tổ chức quốc tế vừa là biểu tượng cho sự trung lập của Thụy Sĩ mang đến một phông nền hấp dẫn cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga. Cuộc gặp Biden - Putin gợi nhớ cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan năm 1985. Cuộc gặp Liên Xô - Mỹ năm đó vốn tập trung vào vấn đề chạy đua vũ khí hạt nhân đã góp phần làm giảm căng thẳng trong cao trào Chiến tranh lạnh.

Thảo luận nhiều vấn đề cấp bách

“Tổng thống Biden sẽ gặp Tổng thống Putin tại thành phố Geneva của Thụy Sĩ vào ngày 16-6. Nhà lãnh đạo 2 nước sẽ thảo luận một loạt vấn đề cấp bách, trong bối cảnh chúng tôi tìm cách khôi phục sự ổn định cho mối quan hệ Mỹ - Nga” - Nhà Trắng trong một tuyên bố cho biết.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho hay, Tổng thống Biden dự định đề cập tới tình hình Ukraine và Belarus trong cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với Tổng thống Putin kể từ khi nhậm chức. “Chúng tôi hy vọng sẽ dành một khoảng thời gian hợp lý để nói về sự ổn định chiến lược, về hoạt động của Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) sau khi được gia hạn. Tổng thống Biden cũng sẽ đề cập tới Ukraine, nhấn mạnh sự ủng hộ của Mỹ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, cũng như nói về Belarus, qua đó bày tỏ mối lo ngại nghiêm trọng của chúng tôi” - bà Psaki nói trong cuộc họp báo hôm 25-5.

Diễn ra trong căng thẳng

Thượng đỉnh Mỹ - Nga diễn ra gần 3 năm sau khi Tổng thống Putin có cuộc gặp với cựu Tổng thống Donald Trump tại thủ đô Helsinki (Phần Lan). Nhà Trắng cho rằng cuộc gặp lần này với ông Biden khác hẳn với cuộc gặp năm 2018 của ông Trump, người đã đứng về phía ông Putin và công khai bác bỏ báo cáo của tình báo Mỹ cáo buộc Nga can thiệp bầu cử năm 2016. Tuy nhiên, ông Biden được cho là đối tác tin cậy và dễ đoán định hơn ông Trump.

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình hồi tháng 3, ông Biden gây sốc khi cho rằng Tổng thống Putin có thể là “kẻ sát nhân”, đồng thời cảnh báo nhà lãnh đạo xứ bạch dương “sẽ phải trả giá” cho nỗ lực phá hoại cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Hành động này của ông Biden khiến ông chủ Ðiện Kremlin “nổi đóa”, gửi “lời chúc sức khỏe” tới nhà lãnh đạo xứ cờ hoa và đề nghị tổ chức cuộc tranh luận trực tuyến.

Không những vậy, Nhà Trắng nhiều lần khẳng định Ðiện Kremlin đứng đằng sau vụ tấn công mạng quy mô lớn SolarWinds mà theo đó tin tặc Nga đã cho phát tán mã độc, cho phép chúng truy cập vào hệ thống của ít nhất 9 cơ quan Mỹ. Ðể trả đũa, Washington tuyên bố trục xuất 10 nhà ngoại giao Nga, xử phạt hàng chục công ty và cá nhân Nga.

Chính quyền Tổng thống Biden cũng chỉ trích Nga xung quanh vụ bắt giữ và bỏ tù thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny, qua đó đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với một số quan chức Nga, cùng với hơn một chục doanh nghiệp và nhiều tổ chức khác liên quan đến vụ bắt giam và cáo buộc đầu độc ông Navalny. Phía Mỹ còn tố các điệp viên Nga cung cấp tiền thưởng cho Taliban tấn công quân đội Mỹ ở Afghanistan.

Thật ra, ông Biden đã đề xuất cuộc gặp thượng đỉnh với ông Putin trong cuộc điện đàm hồi tháng 4. Và mới đây, quyết định nới lỏng trừng phạt Nga liên quan đến dự án đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 đã thúc đẩy cuộc gặp Biden - Putin. Vì thế, Thượng nghị sĩ Ben Sasse thuộc đảng Cộng hòa chỉ trích quyết định gặp Tổng thống Putin của ông Biden là “yếu kém”, cho rằng cuộc gặp là một “phần thưởng” mà Washington dành cho Mát-xcơ-va.

Ðáp lại, Thư ký báo chí Nhà Trắng Psaki cho rằng cuộc gặp là “một phần quan trọng” trong việc bảo vệ các lợi ích của Mỹ chứ không phải là “phần thưởng” dành cho Nga. Theo bà, cuộc gặp sẽ là cơ hội để nêu ra những mối lo ngại của 2 bên cũng như một lần nữa thúc đẩy mối quan hệ ổn định và dễ đoán định hơn với Nga. “Ðây là một hoạt động ngoại giao. Chúng tôi không chỉ gặp những người mà chúng tôi có cùng quan điểm mà còn cả những nhà lãnh đạo chúng tôi bất đồng quan điểm, bởi việc này thực sự quan trọng” - bà Psaki nhấn mạnh.

TRÍ VĂN (Theo CNN, AP)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/cang-thang-phu-bong-thuong-dinh-my-nga-a133637.html