Căng thẳng phủ bóng đàm phán thương mại Mỹ - Trung

Bất chấp những phát biểu lạc quan của các quan chức hai nước, triển vọng của cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung Quốc kéo dài hai ngày tại Washington đang đứng trước trở ngại lớn do sự bất đồng quan điểm giữa hai nước, cũng như những động thái cứng rắn của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với các doanh nghiệp Trung Quốc.

Theo Reuters, ngày 30-1, Mỹ và Trung Quốc bắt đầu cuộc đàm phán cấp cao nhất về vấn đề thương mại kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đạt được “thỏa thuận đình chiến 90 ngày” trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở thủ đô Buenos Aires (Argentina) ngày 1-12-2018. Được biết, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer sẽ dẫn đầu phái đoàn thương mại Mỹ, trong khi Phó thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu đoàn Trung Quốc trong cuộc đàm phán ở Washington.

Phát biểu trên kênh Fox Business Network, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin bày tỏ hy vọng về những tiến triển quan trọng trong những cuộc đàm phán thương mại lần này với các quan chức Trung Quốc. Mặc dù vậy, hãng tin Reuters cho rằng đến nay phía Trung Quốc chưa cho thấy dấu hiệu rõ ràng rằng nước này sẽ sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của Mỹ về nhiều vấn đề khác nhau.

 Bên trong một nhà máy sản xuất sợi quang ở Nantong, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Bên trong một nhà máy sản xuất sợi quang ở Nantong, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Một trong những nội dung dễ dự đoán nhất tại cuộc đàm phán lần này là hai bên sẽ thảo luận về cam kết của Trung Quốc liên quan tới giải pháp nhằm giảm thâm hụt thương mại giữa hai nước, theo đó Bắc Kinh sẽ mua một khối lượng đáng kể hàng hóa và dịch vụ của Wahsington.

Cuộc đàm phán tại Wahsington diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc vẫn bất đồng sâu sắc về những đòi hỏi của Washington trong quan hệ thương mại với Trung Quốc. Một ngày trước cuộc đàm phán này, quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới tiếp tục bị phủ màu u ám khi Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cho biết cơ quan này đang tiến hành điều tra nghi vấn hoạt động gián điệp kinh tế của Trung Quốc tại hầu hết trong tổng số 56 văn phòng của FBI trên toàn nước Mỹ. Theo Giám đốc FBI Christopher Wray, số vụ điều tra của FBI về hoạt động gián điệp kinh tế đã tăng gấp đôi trong vòng 3 hoặc 4 năm qua, và đáng chú ý là hầu hết các vụ việc đều có liên quan tới Trung Quốc. Ông Christopher Wray còn nói thẳng rằng Trung Quốc là “mối đe dọa gián điệp đáng kể nhất" đối với Mỹ.

Gần như cùng thời điểm đó, Bộ Tư pháp Mỹ cũng công bố hai bản cáo trạng với tổng cộng 23 cáo buộc đối với Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc và các công ty con của tập đoàn này, cũng như với bà Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou), Giám đốc Tài chính của Huawei-người bị giới chức Canada bắt giữ vào tháng 12-2018 theo yêu cầu của phía Mỹ. Trong số các cáo buộc nhằm vào Huawei có đánh cắp bí mật thương mại từ công ty viễn thông T-Mobile của Mỹ. Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng tập đoàn viễn thông nổi tiếng của Trung Quốc này thậm chí còn có chính sách thưởng nhân viên của mình căn cứ vào giá trị những thông tin mà họ đánh cắp được từ các công ty khác trên thế giới.

Tuy nhiên, trong một tuyên bố, Huawei bác bỏ cáo trạng của Chính phủ Mỹ và khẳng định tập đoàn này cũng như bà Mạnh Vãn Chu không làm bất kỳ điều gì vi phạm luật pháp của Mỹ. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu Wahshington chấm dứt việc "đàn áp vô lý" các công ty của nước này, trong đó có Tập đoàn công nghệ Huawei.

Khi được hỏi liệu có mối liên hệ nào giữa vụ Huawei và các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói rằng đây là "hai vấn đề khác nhau".

Nếu Mỹ và Trung Quốc không thể đạt được một thỏa thuận trong thời gian “đình chiến thương mại”, từ ngày 2-3 tới, Washington sẽ tăng thuế từ mức 10% hiện nay lên 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc.

ANH VŨ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/cang-thang-phu-bong-dam-phan-thuong-mai-my-trung-565689