Căng thẳng ở Trung Đông: Israel và chiêu bài nhằm vào Iran

Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Iran gia tăng, Israel cung cấp cho Washington thông tin tình báo chứng minh khả năng Iran tấn công. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã biến tham vọng chiến lược của Iran thành nỗi ám ảnh, thậm chí từng nêu ý tưởng về một cuộc chiến với Iran.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong buổi thuyết trình về việc Iran phát triển hạt nhân bất chấp thỏa thuận. (Nguồn: EPA).

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong buổi thuyết trình về việc Iran phát triển hạt nhân bất chấp thỏa thuận. (Nguồn: EPA).

Sức ép cực đại nhằm vào Iran

Tuy nhiên, giới phân tích, các cựu quan chức quốc phòng và tình báo của Israel cho rằng Chính phủ nước này không dại gì mà khuấy động một cuộc chiến tổng lực giữa Mỹ và Iran. Cuộc chiến như vậy, theo giới chức Israel, có thể đẩy Israel vào một cuộc đối đầu hủy diệt với đồng minh của Iran ở Lebanon - Hezbollah.

Thay vào đó, theo giới phân tích, việc Israel liên tục gây sức ép là nhằm buộc Iran chấp nhận một thỏa thuận hạt nhân hà khắc hơn thỏa thuận hiện tại, hoặc tạo ra các điều kiện khắc nghiệt đủ để khuấy động phong trào biểu tình chống Chính phủ ở Iran. Amoss Yadlin- cựu Giám đốc tình báo quân sự Israel nhận định: “Mục tiêu ở đây không phải là sử dụng sức mạnh quân sự để thay đổi chế độ, mà là làm suy yếu chế độ, làm suy yếu kinh tế Iran, và khiến người dân Iran muốn thay đổi chế độ, hoặc đạt được một thỏa thuận hạt nhân khác”.

Israel chính là bên đóng vai trò chủ yếu khiến tình trạng căng thẳng gia tăng ở Trung Đông thời gian qua.

Trong các cuộc họp ở Washington và Tel Aviv trong những tuần gần đây, cơ quan tình báo Israel đã cảnh báo Mỹ rằng Iran đang lên kế hoạch tấn công các mục tiêu Mỹ ở Iraq. Israel cũng cảnh báo về các đòn tấn công của Iran nhằm vào Arab Saudi và UAE - các đồng minh của Mỹ.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó đã phản ứng với các mối đe dọa này, bằng cách di chuyển nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm, các máy bay ném bom B-52 và tên lửa phòng thủ Patriot tới vịnh Ba Tư, đồng thời nâng cấp kế hoạch ứng phó với Iran.

Kế hoạch của chính quyền Netanyahu dường như đang có hiệu quả. Ông Netanyahu gần như đã đẩy Israel vào một cuộc chiến với Iran vào năm 2010, khi ông cân nhắc không kích các cơ sở hạt nhân Iran. Ông đã liên tục thúc đẩy các nước gia tăng sức ép nhằm vào Iran kể từ trước khi có thỏa thuận hạt nhân - một thỏa thuận mà ông cho rằng quá nhu nhược. Thêm vào đó, chính quyền Israel cũng chung tay với chính quyền Trump áp đòn trừng phạt nhằm vào Iran, ép nước này trở lại bàn đàm phán.

Không bên nào mong muốn chiến tranh

Tuy nhiên, nếu cuộc đối đầu Mỹ - Iran biến thành một cuộc chiến toàn diện, Israel sẽ tự đặt mình vào chỗ nguy hiểm. Theo giới phân tích, khi chính quyền Iran tin rằng sự tồn tại của họ đang bị đe dọa, hoặc nếu tình trạng căng thẳng với Mỹ gia tăng, họ chắc chắn sẽ kéo Israel vào cuộc.

Một số quan chức của Israel còn cho rằng các cuộc đối đầu giữa quân đội nước họ và các nhóm vũ trang trên dải Gaza trong tháng này chính là do “bàn cờ” xung đột Iran - Mỹ. Theo các quan chức này, Iran có tầm ảnh hưởng lớn tới tổ chức Hồi giáo Jihad người Palestine. Các tay súng bắn tỉa của nhóm này đã làm 2 binh sĩ Israel bị thương.

Ngoài ra, Israel cũng có khả năng đối diện với đòn công kích từ phía Syria, nơi mà họ thường xuyên tổ chức không kích nhằm vào các mục tiêu Iran vài năm qua với mục tiêu ngăn chặn Iran vận chuyển tên lửa tới Lebanon thông qua Syria. Tuy nhiên, các đòn không kích của Israel cũng khiến họ trả giá: Khi Israel bắn hạ cái mà họ cho là 1 máy bay không người lái của Iran xâm phạm lãnh thổ của họ vào tháng 2/2018, 1 chiếc phi cơ chiến đấu F-16 của họ cũng bị bắn hạ bởi tên lửa của Syria.

Một mối đe dọa tiềm tàng khác mà giới chức Israel lo ngại xuất phát từ phía Tây Iraq, nơi mà Iran được cho là đã chuyển tới nhiều tên lửa. Số tên lửa này có sau đó có thể được chuyển tới các lực lượng mà Iran hậu thuẫn ở khu vực hồ Razazah, thuộc lãnh thổ Israel. Hồi cuối tuần trước, Bộ trưởng Năng lượng Israel Yuval Steinitz trong một buổi phỏng vấn trên truyền hình còn nói rằng, Iran sẽ trực tiếp phóng tên lửa vào lãnh thổ Israel. Văn phòng của Thủ tướng Netanyahu từ chối bình luận về vấn đề này.

Đương nhiên, Israel hoàn toàn có đủ khả năng chống lại các đòn tấn công bằng tên lửa, nhờ vào hệ thống phòng thủ trên không Vòm Sắt của họ cùng với hệ thống phòng thủ tầm trung David’ Sling và hệ thống phòng thủ từ xa Arrow. Nhưng điều mà Israel lo ngại nhất từ xung đột với Iran chính là việc Tehran tung ra lực lượng Hezbollah - nhóm vũ trang mà Iran hậu thuẫn đang thống trị nhiều vùng của Lebanon. Israel nói rằng Hezbollah có khoảng 130.000 quả rocket, đủ để áp đảo các hệ thống phòng thủ của họ. Iran cũng coi lượng rocket này như đòn công kích chiến lược nhằm vào Israel. Yaakov Amidror - cựu Cố vấn An ninh quốc gia của ông Netanyahu nhận định: “Nếu họ sử dụng tới Hezbollah, hậu quả sẽ rất nguy hiểm. Tôi không biết sẽ có bao nhiêu tòa nhà ở Tel Aviv bị phá hủy”.

Israel từng có kinh nghiệm đau đớn về ảnh hưởng từ cuộc chiến của Mỹ ở khu vực Trung Đông: Vào năm 1991, Iraq đã phóng hàng chục tên lửa Scud vào Israel sau khi Baghdad hứng chịu đòn không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu, dù Israel không tham gia. Bởi vậy mà ngày nay, Israel luôn cố gắng tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa. Israel cũng cảnh báo sẽ giúp Lebanon tăng cường cơ sở phòng thủ để đáp trả các đòn tấn công tên lửa của Hezbollah.

Chờ đợi và quan sát

Đương nhiên, không có bên nào mong muốn một cuộc chiến xảy ra. Hôm thứ Ba tuần này, lãnh đạo tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei nói rằng: “Chúng ta không mong muốn một cuộc chiến, và họ cũng vậy”. Đến hôm sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nói với quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan rằng ông không muốn lao vào một cuộc chiến với Iran.

Nhưng dù vậy, giới chuyên gia cho rằng Iran sẽ không chịu ngồi yên để các đòn trừng phạt của Mỹ hủy hoại nền kinh tế của họ. Và Mỹ cũng sẽ không chịu nhượng bộ trước các động thái khiêu khích của Iran.

Trong bối cảnh đó, giới chuyên gia phân tích Israel ngờ rằng Iran chính là bên đứng đằng sau một số vụ tấn công xảy ra trong thời gian qua - dù không đưa ra được bằng chứng.

Hôm Chủ nhật tuần trước, UAE nói rằng 4 tàu chở dầu của họ đã bị tấn công ngoài khơi cảng Jubairah, phía Nam eo biển Hormuz. Thứ Ba tuần này, nhóm vũ trang Houthi ở Yemen - được Iran hậu thuẫn - tuyên bố nhận trách nhiệm các đòn tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào một đường ống dẫn dầu của Arab Saudi trên Biển Đỏ.

Nếu Iran thực sự đứng đằng sau 2 vụ tấn công này, giới phân tích Israel cho rằng điều đó cũng dễ hiểu: Trước khi Iran bị ép phải đàm phán một thỏa thuận hạt nhân mới, hoặc suy sụp vì các đòn cấm vận kinh tế, họ chắc chắn sẽ cố gây ra hậu quả cho các bên liên quan.

“Quan điểm của Iran là, nếu anh cấm chúng tôi xuất khẩu dầu mỏ, giảm sản lượng dầu của chúng tôi xuống 500 triệu thùng/ngày hoặc ít hơn - thảm họa đối với nền kinh tế Iran - chúng tôi sẽ can thiệp vào hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của các nước khác - Ehud Yaari, chuyên gia phân tích thuộc Viện Chính sách Cận Đông, trụ sở tịa Washington, nhận định. Và điều duy nhất mà Israel có thể làm hiện tại là chờ đợi và quan sát xem liệu Mỹ sẽ xử lý ra sao đối với các hành động khiêu khích của Iran, và trong trường hợp tình hình căng thẳng hiện nay tăng đột biến, Israel tin rằng Mỹ sẽ không bỏ rơi các đồng minh của họ.

Linh Chi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/cang-thang-o-trung-dong-israel-va-chieu-bai-nham-vao-iran-tintuc437244