Căng thẳng ở Biển Đông: Mỹ, Anh, Nhật có trách nhiệm đối với hòa bình

Giáo sư Carl Thayer cho rằng các cường quốc có trách nhiệm phản ứng với những hành động 'bá chủ' của Trung Quốc trên Biển Đông vì đây là vấn đề có ảnh hưởng quốc tế lớn.

Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 19/7 đã lên tiếng phản đối việc tàu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông.

"Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên", bà Hằng tuyên bố. "Việt Nam mong muốn các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này".

Trả lời Zing.vn, giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Australia nói rằng, các nước như Mỹ, Anh, Nhật hay Pháp cũng có lợi ích với trật tự dựa trên luật pháp tại Biển Đông, nơi hơn 1/3 lượng hàng hóa của thế giới đi qua mỗi năm.

Theo ông Thayer, trong lúc Trung Quốc luôn tìm cách biến các nước ngoài ASEAN trở thành "người ngoài" trong tranh chấp trên Biển Đông, các cường quốc phải tìm cách đưa vấn đề này ra thảo luận ở các cơ chế hợp tác đa phương, thậm chí có thể áp đặt trừng phạt cơ quan của Bắc Kinh triển khai tàu xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam.

Trung Quốc muốn biến các cường quốc thành "người ngoài"

Tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 thuộc cơ quan Khảo sát Địa chất Trung Quốc, được triển khai đến vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, mà không có sự cho phép của Việt Nam trong hoạt động vì mục đích thương mại, là vi phạm luật pháp quốc tế.

Hơn nữa, tàu Hải Dương Địa Chất 8 còn có hai tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống, một trong hai tàu đó nặng 12.000 tấn. Tất cả những yếu tố đó biến hành động của Trung Quốc trở thành thách thức nghiêm trọng đối với quyền tài phán và quyền chủ quyền Việt Nam trong EEZ của mình.

Giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Australia.

Giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Australia.

Trung Quốc không hề có căn cứ luật pháp cho hành động của họ. Ba năm trước, Tòa Trọng tài quốc tế PCA đã phán quyết trong vụ kiện của Philippines rằng tuyên bố về quyền lịch sử và đường chín đoạn của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý.

Đến lúc này, chúng ta chỉ có thể phán đoán về động cơ của Trung Quốc trong diễn biến mới này. Chúng ta không biết việc triển khai Hải Dương Địa Chất 8 là quyết định từ cơ quan Khảo sát Địa chất Trung Quốc hay chính quyền trung ương hay một cơ quan nào khác.

Trung Quốc tuyên bố "chủ quyền không thể tranh chấp" trên Biển Đông, bao gồm các thực thể đất và vùng biển bên cạnh, trong khi kêu gọi các bên "tôn trọng chủ quyền Trung Quốc".

Ngoài những tuyên bố giả hiệu này, Trung Quốc đã quân sự hóa 7 hòn đảo nhân tạo trong quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam), biến chúng thành các căn cứ vận hành trong tương lai cho quân đội, hải cảnh, dân quân trên biển và các đội tàu cá Trung Quốc.

Tất cả nhằm đe dọa các quốc gia có đường bờ biển.

Trung Quốc xem tất cả các quốc gia khác là người ngoài cuộc. Họ muốn phát triển năng lực quân sự, chẳng hạn triển khai tên lửa đạn đạo chống hạm và "tên lửa đạn đạo chống tàu sân bay", nhằm cản trở Mỹ hoạt động ở Biển Đông.

Từ bản thảo của Văn bản Thương lượng về Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) do Trung Quốc nộp lên, chúng ta có thể thấy họ muốn việc thăm dò dầu chỉ nên được tiến hành giữa các công ty dầu quốc gia thuộc các nước trong ASEAN và Trung Quốc. Ngoài ra, các cuộc tập trận giữa lực lượng bên ngoài và bên trong khu vực cần được thông báo trước.

Nói cách khác, Bắc Kinh muốn áp đặt bá quyền ở Biển Đông và tuyến đường hàng hải huyết mạch nơi 1/3 lượng hàng hóa của thế giới đi qua.

Căng thẳng gia tăng, tính toán sai lầm sẽ kéo theo thiệt hại

Rõ ràng các hành động của Trung Quốc sẽ làm gia tăng căng thẳng. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tiến hành nhiều chiến dịch Tuần tra Tự do Hàng hải trên Biển Đông (FONOP)

"Mỹ quan ngại về các thông tin Trung Quốc can thiệp vào hoạt động thăm dò dầu khí ở Biển Đông, trong đó có hoạt động thăm dò từ lâu của Việt Nam (ở đây). Các hành động khiêu khích liên tiếp của Trung Quốc nhắm vào hoạt động thăm dò dầu khí của các bên đe dọa tới an ninh năng lượng khu vực và ảnh hưởng tới thị trường năng lượng tự do và mở ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Mỹ kịch liệt phản đối sự ép buộc và đe dọa đến từ bất kỳ bên tranh chấp nào để áp đặt tuyên bố về lãnh thổ và hàng hải của họ. Trung Quốc nên chấm dứt các hành động bắt nạt và kiềm chế tham gia vào các hành động khiêu khích, làm mất ổn định," - tuyên bố cứng rắn ngày 20/7 của Bộ Ngoại giao Mỹ viết.

Trong hai tháng qua, hải cảnh Trung Quốc đã can thiệp vào hoạt động thăm dò dầu ở vùng biển Malaysia, ngư dân Trung Quốc đánh chìm một tàu cá Philippines và không trợ giúp các thuyền viên Philippines bị rơi xuống biển sau đó. Các hành động trên không chỉ làm căng thẳng gia tăng mà tiềm tàng nguy cơ về việc tính toán sai lầm dẫn đến thiệt hại về sinh mạng.

Tàu hải cảnh Trung Quốc chặn tàu tiếp tế Philippines đang lại gần Bãi Cỏ Mây hồi năm 2014. Bãi này thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng đang bị Philippines kiểm soát. Ảnh: AFP.

Các cường quốc có trách nhiệm đối với hòa bình và ổn định trên Biển Đông

Về cách phản ứng của Việt Nam, Hà Nội đã nhất quán trong tuyên bố rằng hòa bình và ổn định trên Biển Đông không chỉ là trách nhiệm của các quốc gia duyên hải mà bao gồm các cường quốc hàng hải, thành viên của cộng đồng quốc tế đang phụ thuộc và tuyến đường biển đi qua khu vực này.

Việt Nam cũng đã lưu ý rằng các cường quốc như Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Anh có lợi ích quốc gia dựa trên hòa bình và ổn định của Biển Đông.

Về phía các nước, Mỹ và các nước có thể nêu vấn đề này tại các cuộc họp liên quan trong khuôn khổ các cơ chế đa phương như đối thoại ASEAN và đối tác, Diễn đàn khu vực ARF, ARF mở rộng, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng, Hội nghị Đông Á...

Giờ là lúc họ phải đi xa hơn, thúc đẩy hợp tác giữa lực lượng cảnh sát biển, cơ quan thực thi pháp luật trên biển giữa các nước có tranh chấp và các cường quốc bên ngoài, phát triển năng lực bảo vệ chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở EEZ của mỗi bên.

Các cường quốc bên ngoài như Mỹ, Pháp, Anh có thể áp đặt trừng phạt về thương mại và các loại trừng phạt khác đối với cơ quan Khảo sát Địa chất Trung Quốc và các tàu đã bị phát hiện xâm nhập trái phép vào EEZ của các nước duyên hải ở Đông Nam Á.

Nếu khởi kiện, Việt Nam sẽ có cơ hội lớn thắng vì vụ việc này có nhiều điểm chung với vụ kiện của Philippines.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ lên án hành động của Trung Quốc tại Biển Đông. Ảnh chụp màn hình.

Nhưng đến cuối cùng, vấn đề là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) không có điều khoản về việc thi hành. Việt Nam sẽ phải làm thêm một việc nữa là thiết lập sự ủng hộ từ các cường quốc bên ngoài, dựa trên nền tảng là họ chia sẻ mục tiêu về một trật tự dựa trên luật pháp, không chỉ ở Biển Đông mà còn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

GS Carl Thayer
Vy Xuân (ghi)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/my-anh-nhat-co-trach-nhiem-doi-voi-hoa-binh-on-dinh-o-bien-dong-post969441.html