Căng thẳng Nhật-Hàn bắt nguồn từ đâu?

Căng thẳng thương mại Nhật-Hàn đã ngày càng gia tăng, lan sang các lĩnh vực khác như an ninh-quốc phòng, du lịch, giao lưu dân sự, văn hóa, thể thao…

Bộ trưởng Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng Hàn Quốc Sung Yun-mo trong cuộc họp báo tại Seoul, thảo luận về biện pháp đối phó với việc Nhật Bản hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc, ngày 24/7/2019. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Bộ trưởng Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng Hàn Quốc Sung Yun-mo trong cuộc họp báo tại Seoul, thảo luận về biện pháp đối phó với việc Nhật Bản hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc, ngày 24/7/2019. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Quan hệ Nhật-Hàn đã rơi xuống mức tồi tệ sau quyết định ngày 4/7 của Tokyo áp dụng các hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc ba nguyên liệu dùng để sản xuất chip và màn hình – hai sản phẩm xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á.

Nhật Bản thì tuyên bố rằng quyết định này là để đối phó với việc Seoul để các nguyên liệu công nghiệp quan trọng này lọt vào Triều Tiên giúp nước này chế tạo vũ khí.

Sau quyết định của Nhật Bản, hai bên đã tiến hành một số hoạt động ngoại giao nhằm cứu vãn tình hình, trong đó có việc tìm kiếm sự trung gian hòa giải của Mỹ, song không đạt được kết quả mong muốn.
Và căng thẳng thương mại đã ngày càng gia tăng, lan sang các lĩnh vực khác như an ninh-quốc phòng, du lịch, giao lưu dân sự, văn hóa, thể thao… Đỉnh điểm, Chính phủ Nhật Bản đã loại Hàn Quốc khỏi "Danh sách Trắng" các nước được hưởng ưu đãi về thủ tục nhập khẩu khiến kinh tế Hàn Quốc lao đao.
*Lý lẽ của Nhật Bản

Cả Chính phủ và đảng Dân chủ Tự do cầm quyền ở Nhật Bản đều cho rằng các phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc về bồi thường thiệt hại cho các cá nhân người Hàn Quốc bị ép buộc lao động trong thời kỳ Nhật chiếm đóng Bán đảo Triều Tiên (1938-1945) là vi phạm Hiệp định Giải quyết Yêu sách Hàn-Nhật, gắn liền với Hiệp ước năm 1965 bình thường hóa quan hệ hai nước, trong đó có điều khoản chấm dứt quyền nộp đơn kiện của nhà nước cũng như người dân hai nước.
Do đó, theo phía Nhật Bản, Hàn Quốc không được đòi bồi thường nữa. Thủ tướng Nhật Bản còn đề cập đến việc Nhật Bản đã viện trợ tài chính và vật chất cho Hàn Quốc để bồi thường theo Hiệp ước năm 1965.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Abe cũng tái khẳng định các biện pháp hạn chế xuất khẩu sang Hàn không phải là sự trả đũa và rằng Nhật Bản chỉ đang quản lý việc "mua bán các mặt hàng liên quan tới an ninh”.
Thủ tướng Nhật còn cho rằng Seoul đã bác bỏ những lời kêu gọi của Tokyo tiến hành đàm phán các vấn đề liên quan trong 3 năm qua. Ông Abe còn ngụ ý rằng Hàn Quốc đã phá vỡ lòng tin giữa hai bên.

Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko phát biểu tại cuộc họp báo ở Tokyo ngày 8/8/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

*Phản ứng mạnh mẽ của Hàn Quốc Về phần mình, Hàn Quốc xem quyết định của Nhật Bản là sự trả đũa phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc yêu cầu một số công ty Nhật Bản phải bồi thường cho các nạn nhân Hàn Quốc bị ép buộc lao động.

Thậm chí, một số người Hàn Quốc còn xem động thái của Nhật Bản là nhằm củng cố sự ủng hộ đối với đảng cầm quyền của Thủ tướng Abe trước cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản ngày 21/7. Các quan chức Hàn Quốc trong đó có Tổng thống Moon Jae-in đã bóng gió rằng những hành động của Nhật Bản là nhằm mục đích cản trở sự tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc.
Đảng Dân chủ cầm quyền ở Hàn Quốc thậm chí coi các hành động của Nhật Bản là một "cuộc xâm lược kinh tế" và tìm kiếm một sự thay đổi chính quyền ở Hàn Quốc, gây mất ổn định, trật tự an ninh khu vực.

Một quan chức đảng này đã trích dẫn bài báo trên tờ Asahi Shimbun của Nhật trong đó có lời một quan chức Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết các biện pháp hạn chế thương mại sẽ được duy trì chừng nào ông Moon Jae-in vẫn nắm quyền ở Hàn Quốc để minh chứng cho nhận định của đảng này.
Để bàn cách đối phó với Tokyo sau khi Nhật Bản loại Hàn Quốc khỏi "Danh sách Trắng", Tổng thống Moon Jae-in đã triệu tập họp nội các gấp. Tại cuộc họp, ông Moon Jae-in khẳng định quyết định của Nhật Bản là rất liều lĩnh, đẩy lui các nỗ lực ngoại giao giải quyết vấn đề và làm trầm trọng thêm tình hình. Ông tuyên bố Chính phủ Nhật Bản phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc làm cho tình hình tồi tệ hơn khi bỏ qua những nỗ lực của Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế giải quyết vấn đề bằng phương thức ngoại giao.
Nhà lãnh đạo Hàn Quốc còn cho rằng hành động của Nhật Bản vi phạm các giá trị phổ quát của nhân loại như cấm ép buộc lao động và thúc đẩy dân chủ dựa trên sự phân chia quyền lực cũng như các nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế; đồng thời đánh giá đây là một hành động ích kỷ, phá hoại, làm tê liệt chuỗi cung ứng toàn cầu và tàn phá nền kinh tế toàn cầu.
Sau khi căng thẳng với Nhật Bản gia tăng, Chính phủ, chính giới, doanh nghiệp và nhân dân Hàn Quốc đã thể hiện sự đoàn kết, quyết tâm, đồng lòng vượt qua khó khăn trước mắt. Người Hàn Quốc muốn biến nghịch cảnh thành cơ hội để tiến nhanh về phía trước.

Chính phủ thì tuyên bố sẽ hỗ trợ bằng mọi cách có thể để giảm thiểu thiệt hại cho các doanh nghiệp, bao gồm việc đảm bảo các nguồn nhập khẩu nguyên liệu và linh kiện thay thế, xây dựng kho, tiếp nhận công nghệ gốc, phát triển công nghệ cho sản xuất trong nước, hỗ trợ tài chính để xây dựng các nhà máy mới và mở rộng các nhà máy hiện có.
Mặt khác, Chính phủ Hàn Quốc dường như sẽ kiên quyết thực hiện các biện pháp tương tự để đáp trả các quyết định của Nhật Bản, trong đó có việc cũng loại Nhật Bản khỏi Danh sách Trắng của Hàn Quốc.

Nhiều địa phương, doanh nghiệp, tổ chức và người dân Hàn Quốc đã phát động phong trào “tẩy chay Nhật Bản” khiến tình hình thêm căng thẳng, lan sang các lĩnh vực khác. Khí thế “chống Nhật” sục sôi ở Hàn Quốc trong tất cả các tầng lớp, thậm chí một vài người Hàn đã tự thiêu để bày tỏ sự phản đối Nhật Bản.

Chính phủ Hàn Quốc còn kết luận động thái của Nhật Bản đã vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về thương mại tự do, quyết định sẽ khởi kiện lên WTO trong thời gian sớm nhất và xem xét việc hủy bỏ Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung (GSOMIA) Hàn-Nhật.
Chính phủ Hàn Quốc lập nhiều đối sách để giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp và một trong số đó là giảm tối đa 40% thuế cho doanh nghiệp phải nhập khẩu hàng hóa từ quốc gia khác thay thế Nhật Bản. Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc còn lập đối sách tổng hợp để giúp nâng cao sức cạnh tranh cho ngành công nghiệp nguyên liệu, linh kiện, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghệ.
Trong một động thái mới nhất ngày 14/8, Bộ Công nghiệp, Thương mại và Tài nguyên Hàn Quốc đã khởi động tiến trình loại Nhật Bản khỏi danh sách các đối tác thương mại được tin cậy.

Trước đó, hôm 12/8, Bộ Công nghiệp, Thương mại và Tài nguyên Hàn Quốc đã công bố "Dự thảo sửa đổi Hướng dẫn xuất nhập khẩu vật tư chiến lược", theo đó điều chỉnh hệ thống phân loại các đối tác thương mại của nước này. Nhật Bản vốn nằm trong nhóm được gọi là "Danh sách Trắng" các nước đối tác được ưu đãi về thủ tục xuất khẩu, gồm những nước tham gia 4 thỏa thuận kiểm soát xuất khẩu hàng đầu của thế giới.

Dự thảo sửa đổi của Hàn Quốc xếp Nhật Bản vào một nhóm mới - nhóm tham gia 4 thỏa thuận này nhưng được cho là "có chế độ kiểm soát xuất khẩu vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế".
Hãng tin Yonhap dẫn thông báo của Bộ trên cho biết việc sửa đổi phân loại các đối tác thương mại sẽ có hiệu lực sau 20 ngày tiến hành thu thập ý kiến của dư luận và đánh giá của giới chuyên gia.
*Căn nguyên của vấn đề
Lý lẽ trên của Nhật Bản theo thỏa thuận mà hai bên ký kết là đúng. Tuy nhiên, phía Hàn Quốc cũng có lý của mình với giải thích rằng vào năm 1991, Chính phủ Nhật Bản khi đó đã thừa nhận hai lần tại Nghị viện Nhật Bản rằng cá nhân vẫn có quyền nộp đơn kiện cho dù hai bên đã ký các thỏa thuận song phương như Hiệp ước năm 1965.

Vào thời điểm đó, Yanai Shunji, Vụ trưởng Vụ Điều ước Bộ Ngoại giao Nhật Bản, khi được hỏi tại Nghị viện Nhật Bản rằng công dân Nhật Bản có thể nộp đơn đòi tài sản mà người này để lại tại một khu vực ở nước ngoài là thuộc địa của Nhật Bản trước đây hay không, quan chức này đã trả lời là có.

Quan chức này còn nói thêm rằng những gì đã chấm dứt là quyền của quốc gia bảo vệ công dân của mình và ông ủng hộ quyền của người dân Nhật Bản đòi tài sản mà họ để lại ở nước ngoài trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ.

Trên cơ sở đó, phía Hàn Quốc cho rằng phán quyết của Tòa án Tối cao nước này là phù hợp vì một người Hàn Quốc vẫn có quyền nộp đơn kiện đòi bồi thường.
*Những hệ lụy
Theo các chuyên gia kinh tế, cả hai nước Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ đều là "kẻ thua cuộc" trong cuộc đối đầu này và cùng chịu thiệt hại. Có 1.194 mặt hàng chiến lược của Seoul có liên quan tới quyết định trên của Tokyo, trong đó 159 mặt hàng bị ảnh hưởng lớn. Nhập khẩu từ Nhật Bản chiếm 9,6% tổng nhập khẩu của Hàn Quốc.

Ngược lại, nhập khẩu từ Hàn Quốc chỉ chiếm 4,1% tổng nhập khẩu của Nhật Bản. Mặc dù tỷ lệ nhập khẩu từ Hàn Quốc của Nhật Bản thấp hơn, song nếu Seoul siết chặt quy chế xuất khẩu đối với những mặt hàng có tỷ trọng nhập khẩu lớn thì cũng có thể gây ra cú sốc lớn với ngành công nghiệp nước này, chưa kể các ngành khác cũng bị ảnh hưởng lớn như hàng không, du lịch và thương mại.
Và không chỉ có Nhật Bản và Hàn Quốc, nhiều nước khác trong khu vực và trên thế giới như Mỹ hay Trung Quốc cũng đều ít nhiều gặp khó khăn bởi căng thẳng Nhật-Hàn do hai nước này đều là những nước xuất khẩu lớn trong chuỗi cung ứng hàng hóa trên toàn cầu.

Có lẽ bởi vậy nên Chính phủ Nhật Bản ngày 8/8 đã tái cấp phép xuất khẩu chất cản tia cực tím (EUV photoresist), nguyên liệu dùng trong sản xuất chíp bán dẫn, sang Hàn Quốc.

Nhiều ý kiến nhận định việc này là do Tokyo lo ngại biện pháp hạn chế xuất khẩu sẽ làm tổn hại mạng lưới cung ứng chíp bán dẫn trên toàn cầu, đặc biệt với ngành công nghệ thông tin của Mỹ, đồng minh lớn của Nhật Bản./.

Nhật Bản sắp cấp phép xuất khẩu lô hàng nguyên liệu công nghệ cao đầu tiên sang Hàn Quốc

Mạnh Hùng (Trưởng CQTT TTXVN tại Hàn Quốc)

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/cang-thang-nhat-han-bat-nguon-tu-dau-/131050.html