Căng thẳng ngoại giao Nga-Anh

Căng thẳng ngoại giao giữa Nga và Anh liên quan đến vụ cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal và con gái Yulia Skripal bị đầu độc tại Anh tiếp tục chìm sâu vào khủng hoảng

Theo Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW), sẽ phải mất 3 tuần để nghiên cứu các mẫu vật liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal. (Ảnh AFP)

Theo Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW), sẽ phải mất 3 tuần để nghiên cứu các mẫu vật liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal. (Ảnh AFP)

" Lý do Nga không liên quan "

Ngày 21/3/2018, phát biểu tại buổi họp báo sau cuộc gặp các đại sứ nước ngoài tại Bộ Ngoại giao Nga về vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal và con gái ông này tại thành phố Salisbury, Tây Nam nước Anh... Theo ông Ermakov, London đã từ chối cho phép Moskva tiếp cận với hồ sơ của cơ quan điều tra về vụ việc Skripal, mà không nêu lý do. Ông Ermakov khẳng định Nga không liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal "đơn giản là Nga không thể chấp nhận hành động phiêu lưu như vậy vì về mọi mặt nó đều không có lợi cho Nga”.

Ông Ermakov cũng bác bỏ cáo buộc của Anh nói rằng chất kịch độc "Novichok" được sử dụng trong vụ đầu độc nêu trên. Ông Ermakov nói rằng chất độc này, nếu đúng được sử dụng để đầu độc cha con cựu điệp viên Skripal, có lẽ đã lập tức gây chết người hàng loạt tại hiện trường.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga đã mời đại sứ các nước tại Moksva tới trụ sở bộ này gặp lãnh đạo và chuyên gia Vụ các vấn đề giải trừ và kiểm soát vũ khí để thảo luận làm rõ vụ đầu độc diễn ra tại Anh, liên quan đến cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, cho biết, nội dung thảo luận chính trong cuộc gặp là tình hình xung quanh tuyên bố của Anh về việc sử dụng chất độc trên lãnh thổ nước này. Theo bà Zakharova, mặc dù Anh liên tục cáo buộc Nga trong vụ việc, trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng xuất hiện nhiều ý kiến, đánh giá của các chuyên gia, song cho tới nay không ai biết chính xác loại chất độc nào đã được sử dụng, cũng không rõ tình hình của cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái. Đại diện Nga khẳng định phía Anh không hề đưa ra các chứng cứ xác thực nào ngoài những cáo buộc "lỗ mãng" nhằm vào Nga.

Tuy nhiên, Đại sứ quán Anh tại Nga cho biết Đại sứ Anh Laure Bristow sẽ không tham dự cuộc họp trên tại Bộ Ngoại giao Nga. Đại sứ quán Mỹ tại Nga cũng cho biết Đại sứ Mỹ tại Nga Jon Huntsman cũng không tham dự cuộc gặp. Đại sứ quán một số nước phương Tây như Đức, Pháp... cử đại diện. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert, cho rằng, Moskva phải chịu trách nhiệm về vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang người Nga Sergey Skripal tại Anh coi đây là "những hành động bất hợp pháp”.

Phản ứng trước các phát biểu trên, Đại sứ quán Nga tại Mỹ ngày 22/3 bày tỏ ngạc nhiên trước "đánh giá vô căn cứ" của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert đồng thời yêu cầu Washington cung cấp bằng chứng về cái gọi là "những hành động bất hợp pháp" của Nga trong vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal và con gái...

Căng thẳng bị đẩy lên cao khi ngày 23/3, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã quyết định triệu hồi đại sứ của khối tại Nga sau khi ủng hộ quan điểm của Anh cho rằng Moskva liên quan tới vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal và con gái tại Anh.

Phát biểu với các phóng viên sau ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu tại Brussels, một quan chức cấp cao Liên minh châu Âu cho biết một số nước thành viên Liên minh châu Âu đang xem xét khả năng trục xuất các nhà ngoại giao Nga hoặc triệu hồi các nhà ngoại giao của mình tại Nga. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã nhất trí triệu hồi đại sứ Liên minh châu Âu tại Moskva về tham vấn. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã xác nhận quyết định triệu hồi này.

Theo một nhà ngoại giao phương Tây, trong số các nước Liên minh châu Âu đang cân nhắc triệu hồi nhà ngoại giao hoặc trục xuất nhà ngoại giao Nga có Ba Lan, Pháp và 3 nước Baltic (Lithuania, Latvia và Estonia).

Cần tìm một tiếng nói chung

Ông Skripal, 66 tuổi, bị Cơ quan An ninh Liên bang Nga bắt giữ năm 2004 và sau đó bị kết án 13 năm tù giam vì tội phản bội Tổ quốc (làm gián điệp cho Anh), bị tước bỏ mọi chức vụ và danh hiệu. Năm 2010, điệp viên hai mang này được trao cho phía Mỹ trong một cuộc trao đổi điệp viên. Ông Skripal hợp tác với Cơ quan Tình báo nước ngoài của Anh (MI6) kể từ khi ông được Anh cho tị nạn.

Ngày 4/3 vừa qua, cựu điệp viên hai mang Skripal và con gái Yulia được tìm thấy bất tỉnh trên một chiếc ghế ở một trung tâm thương mại ở thành phố Salisbury, Anh. Phía Anh cho rằng hai cha con ông Skripal bị đầu độc bằng một chất độc thần kinh được phát triển tại Nga và cáo buộc Moskva có liên quan song không đưa ra bất cứ bằng chứng xác thực nào. Phía Nga đã kiên quyết bác bỏ cáo buộc này và khẳng định chương trình phát triển chất độc thần kinh này không tồn tại ở Liên Xô cũ. Moskva cho rằng các cáo buộc của Anh là không có căn cứ và mang động cơ chính trị nhằm đưa thông tin sai lệch cho cộng đồng quốc tế, điều mà Nga không thể chấp nhận đồng thời yêu cầu Anh phải đưa ra bằng chứng hoặc xin lỗi Moskva.

Cuộc tranh cãi giữa Nga và Anh liên quan đến vụ việc đầu độc cựu điệp viên hai mang người Nga Skripal và con gái Yulia tại Anh đã khiến quan hệ ngoại giao giữa hai nước “rơi tự do” với việc Thủ tướng Anh May tuyên bố London đình chỉ hoạt động tiếp xúc ngoại giao cấp cao với Nga, rút lại lời mời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tới thăm Anh, đồng thời trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga tại Anh và siết chặt kiểm soát đường biên giới. Để đáp trả, Nga cũng trục xuất 23 nhà ngoại giao Anh, yêu cầu đóng cửa Văn phòng Hội đồng Anh tại Nga cũng như Tổng lãnh sự quán Anh tại St. Petersburg.

Giới phân tích nhận định nếu Nga và Anh không thể giải quyết vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal và con gái tại Anh một cách thỏa đáng, vụ việc này không chỉ đẩy quan hệ hai nước rơi xuống một giai đoạn xấu chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh mà còn có nguy cơ biến thành khủng hoảng quốc tế. Bởi thực tế cho thấy bên cạnh việc bày tỏ lo ngại sâu sắc về vụ điệp viên Skripal gây căng thẳng giữa Anh và Nga, kêu gọi Nga hợp tác đầy đủ với phía Anh trong tiến trình điều tra xoay quanh vụ việc gây chấn động này và cho rằng Anh nên tiếp tục duy trì liên lạc, đối thoại với Nga để giải quyết những bất đồng giữa hai bên, các đồng minh của Anh vẫn luôn đứng về phía Anh trong cuộc khủng hoảng ngoại giao với Nga này.

Rõ ràng, khi sự thật chưa được làm sáng tỏ, Nga và Anh cần tìm kiếm tiếng nói chung trước khi đưa ra các hành động nhằm tránh bị lún sâu vào khủng hoảng ngoại giao, tránh để tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát./.

Tấn Vũ (tổng hợp)

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/the-gioi/tin-tuc/cang-thang-ngoai-giao-nga-anh-477786.html