Căng thẳng Nga-Ukraine: Đức nói cần một chính sách thống nhất đối với Nga

Phát biểu tại Diễn đàn Chính sách đối ngoại ở Berlin do Quỹ Korber tổ chức, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết, châu Âu cần các nguyên tắc rõ ràng và đối thoại thực sự về các vấn đề an ninh với Nga.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas

"Chúng ta cần đạt được một chính sách chung đối với các nước láng giềng của chúng ta bên ngoài EU. Điều này chủ yếu áp dụng cho Nga. Mục đích chính là để Nga tuân thủ luật pháp quốc tế và không vi phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước láng giềng. Để đạt được điều này, chúng ta cần các nguyên tắc rõ ràng, cũng như một cuộc đối thoại thực sự về an ninh chung ở châu Âu", ông Maas nói.

Ông Heiko Maas đưa ra phát biểu trên sau khi Nga bắt giữ 3 tàu hải quân của Ukraine và giam giữ thủy thủ đoàn của những tàu này hồi cuối tuần qua.

Trước đó, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã cảnh báo về mối đe dọa "cực kỳ nghiêm trọng" về một cuộc xâm lược lãnh thổ sau vụ bắt giữ này. Hôm 26/11, Ngoại trưởng Heiko Maas đã đề xuất Đức và Pháp sẽ làm trung gian cho cuộc khủng hoảng lớn giữa Moscow và Kiev sau vụ việc trên.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine Pavel Klimkin tuyên bố nước này không cần có quan hệ ngoại giao với Nga, nhưng Kiev vẫn chưa sẵn sàng để cắt đứt mối quan hệ này.

Phát biểu tại Quốc hội, ông Klimkin nói: "Chúng ta không cần mối quan hệ với Nga, và thực sự chúng ta không có mối quan hệ như vậy, nhưng vẫn cần tìm cách giúp đỡ, chăm sóc và làm công tác lãnh sự đối với khoảng 2,5 triệu kiều bào Ukraine đang sinh sống ở Liên bang Nga".

Trước đó, Bộ Ngoại giao Ukraine ra tuyên bố không ủng hộ ý tưởng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Liên bang Nga, vì điều này có thể ảnh hưởng bất lợi đến người dân Ukraine.

Quan hệ giữa Liên bang Nga và các nước phương Tây đã xấu đi do tình hình ở Ukraine và xung quanh việc nước này sáp nhập bán đảo Crimea. Các nước phương Tây cáo buộc Liên bang Nga can thiệp vào các vấn đề của Ukraine và áp đặt các biện pháp trừng phạt. Moscow nhiều lần bác bỏ các cáo buộc, và nói rằng nói chuyện với nước này bằng ngôn ngữ cấm vận là phản tác dụng.

Gần đây, ở các nước EU, các ý kiến về sự cần thiết phải dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt chống lại Liên bang Nga ngày càng trở nên rõ rệt hơn.

Trí Đức (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/cang-thang-ngaukraie-duc-noi-can-mot-chinh-sach-thong-nhat-doi-voi-nga-post283182.info