Căng thẳng Mỹ-Trung Quốc: Khi tranh cãi và trả đũa vào ngõ cụt, các nước sẽ chọn hướng đi nào?

Từ thực tế căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng, việc một quốc gia cố gắng áp đặt ý chí kinh tế của mình lên nước khác sẽ chẳng đi đến đâu.

Trong thương chiến Mỹ-Trung Quốc, hai bên đã và sẽ chọn cách mà họ cho là tốt nhất đối với quốc gia của mình. (Nguồn: Shutterstock)

Trong thương chiến Mỹ-Trung Quốc, hai bên đã và sẽ chọn cách mà họ cho là tốt nhất đối với quốc gia của mình. (Nguồn: Shutterstock)

Quan điểm đối lập

Trong bài viết xuất bản ngày 21/2 trên SCMP, tác giả Kandy Wong cho rằng, trước những khoản trợ cấp gây tranh cãi mà Trung Quốc đưa ra để thúc đẩy các lĩnh vực chiến lược của mình, Mỹ đang kiên quyết ủng hộ điều mà họ coi là một môi trường thương mại công bằng.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, không dễ gì để một quốc gia áp đặt ý chí kinh tế của mình lên những quốc gia khác. Và những quan điểm đối lập về thương mại vẫn là rào cản chính cho việc Washington và Bắc Kinh quay trở lại bàn đàm phán nhằm đi đến những giải pháp thương mại khả thi hơn.

Suốt thời gian qua, việc hai nước không đạt được các điều khoản về thương mại có lẽ được minh họa rõ nhất bằng thực tế rằng thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã hết hạn vào cuối năm 2021 mà không có bất cứ dấu hiệu nào từ cả hai bên về việc có thể kết thúc những bế tắc trong đàm phán.

Cựu Bộ trưởng tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ gần đây cũng cáo buộc Mỹ đang áp dụng chính các hành vi mà họ đã từng “vin vào đó” để cáo buộc Trung Quốc.

Ông Lâu đồng thời đề xuất rằng “sự bóp méo thị trường” và “trợ cấp công nghiệp” phải được xác định trong các cuộc đàm phán giữa hai cường quốc kinh tế này.

Nhưng Benjamin Kostrzewa, một nhà tư vấn pháp lý tại công ty luật Hogan Lovells và là cựu Trợ lý tổng cố vấn của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), đưa ra một quan điểm khác.

“Các khoản trợ cấp của Mỹ không có cùng quy mô như của Trung Quốc, và nhiều khoản trợ cấp trong số đó là của (Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO). Ví dụ, các chính sách về phát triển ngành nông nghiệp.

Bên cạnh đó, các chính sách công nghiệp của Trung Quốc có phạm vi rộng hơn nhiều và đã được mở rộng trong vài năm qua để khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước thay vì doanh nghiệp tư nhân”.

Vào ngày 4/2, Hạ viện Mỹ đã thông qua Đạo luật America Competes. Theo đó, chính phủ nước này dành 52 tỷ USD tài trợ cho ngành công nghiệp bán dẫn (mặt hàng hiện chủ yếu được sản xuất ở châu Á), 45 tỷ USD để tăng cường chuỗi cung ứng các mặt hàng quan trọng và 160 tỷ USD cho nghiên cứu khoa học và đổi mới.

Đạo luật được coi là một cách để nâng cao khả năng cạnh tranh của các công ty Mỹ đối với các doanh nghiệp Trung Quốc, vào thời điểm mà cả hai nước vẫn đang trong tình trạng cạnh tranh công nghệ kéo dài. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cho rằng, luật này sẽ giúp Mỹ vượt qua Trung Quốc và các nước khác.

Theo lời Chủ tịch Hạ viên Mỹ Nancy Pelosi, dự luật được thông qua “nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết về kinh tế và an ninh quốc gia, hỗ trợ ngành công nghiệp và người lao động Mỹ”.

Nhà tư vấn Kostrzewa cũng lưu ý rằng việc tạo ra một “sân chơi bình đẳng” vẫn là mục tiêu chính của USTR.

Tiếp tục trả đũa lẫn nhau?

Và để trả đũa các khoản trợ cấp nội địa của Trung Quốc, USTR có thể xem xét khởi xướng một cuộc điều tra khác theo Mục 301 - quy chế được chính quyền Washington áp dụng vào năm 2018 nhằm áp đặt thuế quan rộng rãi đối với hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia châu Á.

Nếu Mỹ thực hiện các bước đi trên thì có thể dẫn đến việc ngày càng nhiều thuế quan được nước này áp đặt đối với hàng hóa Trung Quốc, trong đó, đồ điện tử sẽ là một trong những mặt hàng bị nhắm tới đầu tiên.

Các khả năng khác bao gồm việc áp thuế chống bán phá giá hoặc thuế chống trợ cấp đối với hàng hóa Trung Quốc, hoặc thậm chí nhắm trừng phạt vào một số công ty Trung Quốc.

Ông Kostrzewa nói: “Trung Quốc đã thực hiện nhiều cải cách trong 20 năm qua, nhưng nước này cũng không tiến xa như nhiều người mong đợi sau khi gia nhập WTO - năm 2001.

Trước tình hình biến động, hy vọng cả hai nước có thể tiếp tục tìm cách làm việc cùng nhau và tránh xung đột không cần thiết”.

Liên quan căng thẳng thương mại giữa hai nước, ông Shehzad Qazi, Giám đốc điều hành tại China Beige Book, một công ty nghiên cứu độc lập, cũng lưu ý rằng, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể sử dụng thuế quan trong khi tăng cường thu hút các chuỗi cung ứng quan trọng. Những lựa chọn này nhận được sự ủng hộ của Quốc hội”.

Lãnh đạo China Beige Book nói thêm: “Tất nhiên, chúng không phải là những phản ứng trực tiếp đối với các khoản trợ cấp của Trung Quốc mà có thể là một phần của nỗ lực đa chiều, rộng lớn hơn để đối đầu với Bắc Kinh”.

WTO cấm các khoản trợ cấp nhằm thúc đẩy xuất khẩu, cũng như các khoản trợ cấp có ảnh hưởng xấu đến các thành viên WTO khác. Nếu các khoản trợ cấp như vậy được đưa ra, các quốc gia thành viên bị ảnh hưởng có thể thực hiện hành động trả đũa, thường là thông qua thuế quan.

Ông William Alan Reinsch, một chuyên gia về kinh doanh quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, cho biết: “Mỹ có thể áp đặt thuế quan bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc, nhưng cuối cùng, Bắc Kinh sẽ làm những việc được cho là tốt nhất cho họ. Cũng như Washington sẽ làm những gì họ cho là tốt nhất cho nước Mỹ”.

Chuyên gia Reinsch cũng giải thích, nếu một nhà sản xuất Trung Quốc vi phạm bằng sáng chế của Mỹ, luật pháp Mỹ sẽ cho phép chính phủ chặn các sản phẩm này vào đất nước họ.

Ngoài ra, hệ thống kiểm soát xuất khẩu của Mỹ được thiết kế để ngăn chặn việc xuất khẩu công nghệ quan trọng cho các quốc gia khác, nơi nó có thể sử dụng cho mục đích quân sự, vốn có thể gây ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia của nước này.

(theo SCMP)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cang-thang-my-trung-quoc-khi-tranh-cai-va-tra-dua-vao-ngo-cut-cac-nuoc-se-chon-huong-di-nao-174646.html