Căng thẳng Mỹ-Thổ và 'quân bài' của Ankara

Mới đây, để đáp trả lệnh trừng phạt của Mỹ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tuyên bố Ankara có thể cấm quân đội Mỹ sử dụng căn cứ không quân Incirlik và Kureggik của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuyên bố này khiến cho quan hệ giữa hai quốc gia đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) càng trở nên căng thẳng, và buộc phía Mỹ phải xem xét lại vấn đề.

Bộ Ngoại giao Mỹ cách đây vài ngày đã lên tiếng phản đối việc áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ bởi lo ngại một động thái như vậy sẽ dẫn đến hành động trả đũa của Ankara và sẽ gây tổn hại cho lợi ích quốc gia của Mỹ. Sau đó, giới truyền thông đưa tin Bộ Quốc phòng Mỹ đã ký hợp đồng với một số Cty Thổ Nhĩ Kỳ về việc xây dựng tại căn cứ không quân Incirlik ở tỉnh Adana. Trong bài viết riêng cho Trung tâm nghiên cứu các vấn đề chính sách đối ngoại Nga, chuyên gia Aaron Stein đã phân tích rõ bối cảnh mâu thuẫn giữa Ankara, Wasington và NATO cũng như những bước đi mà các bên có thực hiện để không đẩy tình hình vượt quá tầm kiểm soát.

Năm 1959, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký thỏa thuận mà theo đó Washington có quyền cất giữ và triển khai vũ khí hạt nhân tại căn cứ không quân Incirlik. Trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, lực lượng phòng thủ của Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ đã hợp tác chặt chẽ với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và thỏa thuận rằng các phi công của không quân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được huấn luyện để sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân của Mỹ nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công từ Liên Xô. Căn cứ không quân Incirlik được coi là yếu tố trung tâm của hệ thống phòng thủ, và căn cứ này là điểm nút quan trọng nhất trong kế hoạch của NATO bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ trong trường hợp có xung đột.

Dù là đồng minh nhưng quan hệ Mỹ-Thổ đang không được “cơm lành canh ngọt”. Ảnh tư liệu

Dù là đồng minh nhưng quan hệ Mỹ-Thổ đang không được “cơm lành canh ngọt”. Ảnh tư liệu

Trong lịch sử, Mỹ từng định trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì đã sử dụng vũ khí của Mỹ trong cuộc xâm chiếm đảo Cyprus vào tháng 7-2017. Tuy nhiên, sau đó Mỹ đã không hành động như vậy bởi lo sợ động thái đó sẽ làm tổn hại mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2019 có nhiều điểm tương đồng với thời kỳ căng thẳng giữa hai nước leo thang do cuộc xâm chiếm đảo Cyprus nói trên. Hiện nay, căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ có liên quan trực tiếp đến việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn ngần ngừ chưa áp dụng "Đạo luật chống lại kẻ thù của Mỹ thông qua trừng phạt" (CAATSA) đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Theo chuyên gia Stein, chính sự "dễ dãi" của Tổng thống Trump đối với người đồng cấp Erdogan và cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào người Kurd ở Syria gần đây khiến Quốc hội Mỹ phê chuẩn một gói các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Ankara, trong đó có lệnh cấm vận vũ khí một phần đối với Thổ Nhĩ Kỳ và áp dụng một số biện pháp chế tài đối với một số quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ.

Để đối phó với mối đe dọa trừng phạt từ Quốc hội Mỹ, Tổng thống Erdogan đã đe dọa sẽ đóng cửa căn cứ không quân Incirlik và một tổ hợp radar của Mỹ ở Kureggik - vốn là một yếu tố quan trọng của hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu. Nếu Mỹ mất quyền kiểm soát các căn cứ quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ thì điều đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chiến lược của Mỹ và NATO. Tất nhiên, Ankara sẽ cố gắng tách biệt sự bất đồng của họ với Washington và mối quan hệ của họ với NATO bởi Thổ Nhĩ Kỳ có thể phải đối mặt với sự phản đối của toàn bộ liên minh quân sự phương Tây này. Trong ngắn hạn, lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mỹ - Thượng nghị sĩ Mitch McConnell có thể sẽ trì hoãn việc thực thi một gói trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ do Thượng viện phê chuẩn để Tổng thống Trump có thời gian suy nghĩ về các biện pháp trừng phạt CAATSA. Tuy nhiên, với việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, Quốc hội Mỹ chắc chắn sẽ gây áp lực đối với Tổng thống Trump để buộc ông chủ Nhà Trắng phải đồng ý áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Nếu điều này xảy ra, nhiều khả năng Ankara sẽ thu hồi căn cứ Incirlik và Kureggik. Đây sẽ là một bước đi mà không bên nào mong muốn. Dư luận hy vọng Ankara sẽ có lựa chọn khác để có thể giảm thiểu thiệt hại cho NATO và tiếp tục đàm phán với Washington để giải quyết nhiều vấn đề cấp bách.

Trong Hội nghị thượng đỉnh tại Nhà Trắng vào ngày 13-11 vừa qua giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, một quyết định đã được đưa ra: Một ủy ban được các nhà ngoại giao của hai nước điều phối sẽ được thành lập để tìm giải pháp cho vấn đề S-400. Tuy nhiên, ông Ozgul nói rằng không thể tìm được giải pháp cho vấn đề này vì đòi hỏi của hai phía là hoàn toàn trái ngược nhau. Ông nói: "Mỹ yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ loại bỏ hoàn toàn các đơn vị chiến đấu S-400 mà không có mặc cả nào. Trái lại, Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng một công thức để không quân Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời sử dụng S-400 và F-35 phải được tìm ra. Thậm chí, nếu một giải pháp không được tìm ra, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tính đến việc từ bỏ S-400."

Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sẽ không tích hợp S-400 vào hệ thống của NATO nhưng việc nước này mua vũ khí Nga đã bị chỉ trích gay gắt tại Hội nghị thượng đỉnh NATO được tổ chức ngày 3 và 4-12 tại thủ đô London (Anh).

Theo giới phân tích, hiện nay, bóng đang nằm ở phần sân của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo những kinh nghiệm lịch sử, có thể Ankara sẽ cố gắng giảm thiểu thiệt hại. Tuy nhiên, câu chuyện không phải lúc nào cũng có thể dự đoán được. Không loại trừ trong tình huống mâu thuẫn Mỹ-Thổ leo thang, Ankara sẽ "hạ bệ" hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO và phá vỡ quan hệ đối tác với Mỹ.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/cang-thang-my-tho-va-quan-bai-cua-ankara-175082.html