Căng thẳng Mỹ - Iran: 'Quả bom nổ chậm' tại 'rốn dầu' vùng Vịnh

Căng thẳng không ngừng leo thang giữa Mỹ và Iran đang có nguy cơ biến thành một 'quả bom nổ chậm' đe dọa bùng nổ bất cứ lúc nào tại khu vực vùng Vịnh vốn được xem là một 'rốn dầu' của thế giới.

Quân đội Iran tập trận ở vùng Vịnh nhằm đối phó với điều mà quốc gia này cho là mối đe dọa quân sự của Mỹ

Quân đội Iran tập trận ở vùng Vịnh nhằm đối phó với điều mà quốc gia này cho là mối đe dọa quân sự của Mỹ

Chẳng khác nào một gáo nước lạnh khi Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi ngày 26-5 lên tiếng bác bỏ thông tin cho rằng Tehran đã khởi động đàm phán với Washington để giải quyết bất hòa giữa hai nước. Ông Mousavi đưa ra tuyên bố trên nhằm đáp lại những thông tin được truyền thông Kuwait đăng tải trước đó cho rằng Iran và Mỹ đã bắt đầu đàm phán để hạ nhiệt căng thẳng giữa hai bên.

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran tái phát sau khi Tổng thống Donald Trump từ tháng 52018 quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà nước này cùng với 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (P5 gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp) cùng Đức (P5+1) ký với Iran năm 2015. Washington sau đó áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với Tehran, đặc biệt mới đây tiếp tục gia tăng thêm sức ép bằng cách chấm dứt miễn trừ trừng phạt đối với 8 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu dầu thô từ Iran.

Căng thẳng leo thang đẩy Mỹ và Iran vào nguy cơ đối đầu quân sự khi Lầu Năm góc đã điều động thêm hàng nghìn binh sĩ cùng máy bay ném bom chiến lược, máy bay chiến đấu tàng hình và biên đội tác chiến tàu sân bay tới khu vực vùng Vịnh nhằm đối phó với điều mà Mỹ tuyên bố thẳng thừng là “các mối đe dọa từ Iran”. Tình hình càng nghiêm trọng thêm khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 24-5 tuyên bố sẽ điều thêm khoảng 1.500 binh sĩ Mỹ tới Trung Đông trong khi có thông tin Lầu Năm góc đang lên kế hoạch điều 120.000 binh sĩ tới vùng Vịnh, một số lượng binh sĩ được cho là đủ để thực hiện một cuộc tấn công quân sự quy mô lớn.

Nhìn trực diện, căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran được cho là Washington muốn gây áp lực để tiến hành đàm phán lại nhằm đảm bảo Tehran không thể phát triển chương trình hạt nhân của mình với mức có thể chế tạo được vũ khí hạt nhân. Để đạt được mục tiêu này, các chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Donald Trump đã phải mất tới hàng chục năm đàm phán khó khăn mới đạt được thỏa thuận JCPOA, một hiệp định được cho đảm bảo chương trình phát triển hạt nhân của Iran nhằm phục vụ mục đích hòa bình.

Thế nên, việc chính quyền Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận JCPOA, đồng với các động thái gây áp lực mạnh về kinh tế và quân sự, được cho nhằm tới những mục tiêu khác sâu xa hơn. Theo giới phân tích, đó là kiềm tỏa không để Iran trỗi dậy gia tăng ảnh hưởng và can thiệp vào Trung Đông chiến lược như một cường quốc khu vực.

Không tuyên bố trắng ra, song ai cũng thấy rõ Washington đã “đứng ngồi không yên” và thực tế đã rất vất vả trong việc ngăn chặn việc Tehran hỗ trợ về phương tiện, vật chất và đặc biệt thông quan các lực lượng ủy nhiệm can thiệp sâu rộng vào các cuộc chiến ở Syria, Iraq và Yemen. Washington cho rằng, điều này đang đe dọa ngày càng lớn tới lợi ích của Mỹ và đồng minh tại khu vực chiến lược và “rốn dầu” của thế giới như vùng Vịnh.

Căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Iran đang tích tụ thành một “quả bom nổ chậm” đầy nguy hiểm tại vùng Vịnh. Trong chuyến thăm đang diễn ra của Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tới Iraq, cả Thủ tướng và Ngoại trưởng nước chủ nhà cùng cảnh báo về nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh mới tại vùng Vịnh, đồng thời muốn làm trung gian hóa giải căng thẳng và đối đầu giữa Iran và Mỹ.

Thế nhưng, nếu nhìn vào căn nguyên dẫn tới đối đầu giữa Washington và Tehran hiện nay, thấy thật khó để Baghdad có thể làm nhà trung gian tháo ngòi “quả bom nổ chậm” tại vùng Vịnh.

Hoàng Hà

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/cang-thang-my-iran-qua-bom-no-cham-tai-ron-dau-vung-vinh/812032.antd