Căng thẳng Mỹ-Iran làm giàu cho Nga như thế nào?

Căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Iran trở thành động lực chính thúc đẩy giá dầu tăng vọt và Nga có thể hài lòng với mức giá hiện tại.

Chốt phiên ngày thứ Sáu (28/6) tại New York, giá dầu thô WTI giao tháng 8 giảm 0,96 USD/thùng, tương đương giảm 16%, còn 58,47 USD/thùng. Tuy nhiên, tính chung trong cả tháng 6, giá dầu WTI tăng 9,3%.

Tại thị trường London, giá dầu Brent giao tháng 8 giữ nguyên ở mức 66,55 USD/thùng, cao nhất trong khoảng 1 tháng. Trong tháng 6, giá dầu Brent tăng khoảng 3,2%.

Căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Iran được xác định là động lực chính thúc đẩy giá dầu tăng vọt thời gian qua. Ngày 24/6 vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh điều hành áp các biện pháp trừng phạt mới lên Iran để đáp trả việc Tehran vào tuần trước bắn hạ một thiết bị không người lái của Mỹ.

Tại một cuộc trả lời phỏng vấn kênh Fox trong tuần, Tổng thống Trump bày tỏ hy vọng không xảy ra chiến tranh với Iran, nhưng "điều này sẽ không kéo dài lâu".

Giá dầu tăng như ở mức hiện tại khiến Nga hài lòng

Giá dầu tăng như ở mức hiện tại khiến Nga hài lòng

Một động lực tăng giá khác của "vàng đen" là thị trường đang đặt kỳ vọng Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đạt bước tiến nào đó trong việc giải quyết cuộc chiến thương mại đã kéo dài hơn 1 năm giữa hai nước. Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung hiện đang là nhân tố đe dọa triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đồng nghĩa đe dọa nhu cầu tiêu thụ năng lượng.

Tuần tới, tâm điểm chú ý sẽ là cuộc họp vào ngày 1-2/7 của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đối tác gồm Nga, tức nhóm OPEC+ để bàn về vấn đề sản lượng. Ngoài ra, thị trường sẽ tiếp tục theo dõi căng thẳng giữa Mỹ và Iran - vấn đề đặt ra nguy cơ đối với việc sản xuất và vận chuyển dầu ở Trung Đông, "giếng dầu" của thế giới.

Ngoài kỳ vọng Mỹ-Trung có thể xuống thang chiến tranh thương mại, giá dầu trong tháng 6 còn được hỗ trợ bởi khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm cắt giảm lãi suất, có thể ngay trong tháng 7, để duy trì tăng trưởng kinh tế. Giá các tài sản cả an toàn và rủi ro trên toàn cầu đã tăng bùng nổ sau cuộc họp ngày 18-19/6 của FED.

Giá dầu tăng mạnh, xấp xỉ ở mức gần 60 USD/thùng giúp kinh tế Nga được hưởng lợi bởi ngân sách của Nga dựa trên giá dầu thô Brent ở ngưỡng 40 USD/thùng. Chính vì thế, với mức giá như hiện nay, Nga có thể thoải mái, làm việc một cách bình tĩnh, ổn định, đạt được những kết quả tốt có ảnh hưởng đến các chỉ số kinh tế vĩ mô, bổ sung cho lượng dự trữ vàng và ngoại tệ quốc gia.

Hiện Nga đang cắt giảm sản lượng dầu trong tháng 6/2019 nhiều hơn so với thỏa thuận giữa OPEC và các nhà xuất khẩu không thuộc tổ chức.

Theo Bộ trưởng Năng lượng Nga, sản lượng dầu Nga hiện đã giảm 228.000 thùng/ngày, theo đúng như thỏa thuận. Tuy nhiên, con số này đã giảm đi so với yêu cầu vào đầu tháng này.

Trong cuộc họp với một số hãng thông tấn hàng đầu quốc tế vào đầu tháng 6 vừa qua, Tổng thống Putin cho biết Nga đã dự tính tất cả các tình huống trên thị trường dầu mỏ để có biện pháp đối phó, bao gồm sự suy giảm sản xuất ở Iran và Venezuela, các vấn đề ở Libya và Nigeria, cũng như mức độ tiêu thụ dầu và các sản phẩm từ dầu trong mùa hè.

"Bây giờ chúng tôi đã có một số thỏa thuận nhất định. Vì vậy, tôi không cần phải đón đầu bất cứ điều gì và sẽ không thể nói chúng ta cần làm gì trong nửa cuối năm nay. Chúng tôi sẽ đưa ra các giải pháp hợp lý nhất trong mọi tình huống", Tổng thống Nga nói.

An Nhiên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/cang-thang-my-iran-lam-giau-cho-nga-nhu-the-nao-3382851/