Căng thẳng Mỹ-Iran đang biến thành một cuộc 'xung đột mở'?

Theo giới phân tích, căng thẳng hiện nay giữa Mỹ và Iran sẽ khó leo thang thành xung đột quân sự quy mô lớn, nhưng có thể biến thành cuộc xung đột mở.

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran hiện nay đang biến thành một cuộc “xung đột mở”. Ảnh minh họa: News Daily.

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran hiện nay đang biến thành một cuộc “xung đột mở”. Ảnh minh họa: News Daily.

Khu vực vùng Vịnh những ngày qua đang trở thành tâm điểm của thế giới khi căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang, với các vũ khí hiện đại của Mỹ được triển khai đến khu vực. Mặc dù giới chuyên gia cho rằng sẽ khó có khả năng xảy ra một cuộc xung đột quân sự qui mô lớn giữa Mỹ và Iran, nhưng căng thẳng này đang có nguy cơ tạo ra một cuộc “xung đột mở”, với hành động leo thang quân sự của Mỹ tại Vùng Vịnh hay các lực lượng được cho là ủy nhiệm của Iran tại Iraq, cùng các vụ tấn công nhằm vào nguồn cung dầu khu vực.

Hai trạm bơm dầu của Saudi Arabia đã bị máy bay không người lái tấn công trong tuần này, khiến tập đoàn năng lượng của nước này phải dừng bơm dầu qua đường ống dẫn chính. Vụ tấn công diễn ra sau khi hai tàu chở dầu của Saudi Arabia bị hư hại bởi các vụ tấn công “bí ẩn” ngoài khơi. Các tiểu vương quốc Arab thống nhất cũng cho biết 4 tàu chở dầu của nước này bị tấn công ngoài khơi.

Nhóm Houthi tại Yemen đã lên tiếng nhận thực hiện vụ tấn công nhằm vào “các mục tiêu chủ chốt” của Saudi Arabia, để phản đối sự can thiệp của nước này trong cuộc chiến tại Yemen.

Dư luận thế giới ngay lập tức bày tỏ lo ngại trước những diễn biến này tại Vùng Vịnh. Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric lên án các vụ tấn công và kêu gọi một cuộc điều tra để buộc những người đứng đằng sau phải chịu trách nhiệm.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Anh cũng cảnh báo về “nguy cơ xung đột ngẫu nhiên” tại một khu vực vốn đã nhiều bất ổn này, trong khi EU kêu gọi các bên kiềm chế tránh có bước đi làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Cao Ủy Liên minh châu Âu phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini khẳng định: “Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định lập trường đó là chúng ta đang trong giai đoạn nhạy cảm và quan trọng. Các bên phải chịu trách nhiệm với hành động và thái độ của mình có thể ảnh hưởng đến bối cảnh khu vực. EU kêu gọi các bên cần kiềm chế và tránh bất cứ leo thang quân sự nào trong khu vực”.

Việc nhóm Houthi lên tiếng nhận thực hiện vụ tấn công được cho là một thông điệp trực tiếp gửi tới Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất - 2 quốc gia đi đầu trong cuộc chiến chống nhóm này tại Yemen. Các vụ tấn công mới nhất này có thể tạo ra lợi thế cho Houthi trong bất cứ cuộc đàm phán tương lai nào tại Yemen, nếu họ chứng minh được có thể làm tổn hại đến Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất không chỉ bằng sức mạnh quân sự, mà còn cả vào lợi ích kinh tế của hai quốc gia này.

Các vụ tấn công cũng diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran, với việc Mỹ triển khai các khí tài quân sự hiện đại tới khu vực. Các tiểu vương quốc Arab thống nhất cho biết đang điều tra vụ việc, nhưng Mỹ và Saudi Arabia đã ngay lập tức "chỉ tay" về phía Iran, nhóm Houthi và các lực lượng ủy nhiệm của Iran mặc dù chưa đưa ra bất cứ bằng chứng cụ thể nào. Iran ngay lập tức phủ nhận mọi sự liên quan.

Bất chấp căng thẳng giữa Mỹ và Iran đang tạo ra nguy cơ của một cuộc xung đột mở lớn hơn trong khu vực, các chuyên gia phân tích nhận định sẽ khó có nguy cơ xảy ra xung đột quân sự qui mô lớn giữa hai nước. Tuy nhiên, khu vực vốn đã rất nhạy cảm này cũng tiếp tục đối mặt với sức nóng quân sự gia tăng từ Mỹ hay các lực lượng ủy nhiệm của Iran tại Iraq và có thể là thêm các vụ tấn công khác nhằm vào các cơ sở dầu trong khu vực.

Mỹ ngày 15/5 qua đã yêu cầu các nhân viên chính phủ không làm nhiệm vụ khẩn cấp rời khỏi Iraq trong khi Đức, Hà Lan cũng tuyên bố tạm ngừng sứ mệnh huấn luyện binh sỹ ở Iraq vì lý do an ninh.

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang cũng chứng minh mức độ rủi ro của nguồn cung dầu thế giới trong thời gian tới. Giá dầu mỏ đã tăng vọt do lo ngại nguồn cung tại Trung Đông bị gián đoạn sau khi tàu chở dầu của Saudi Arabia bị tấn công ở vùng Vịnh.

Không chỉ là cảnh báo của Iran có thể đóng cửa eo biển Hormuz, mà việc những quốc gia xuất khẩu dầu lớn khu vực như Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và Saudi Arabia cũng đối mặt với nguy cơ bị tấn công khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại.

(Vov.vn)

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/cang-thang-my-iran-dang-bien-thanh-mot-cuoc-xung-dot-mo-104913.html