Căng thẳng Mexico - Bolivia: Hệ quả của cuộc chuyển giao quyền lực không suôn sẻ

Ngày 26-12, Chính phủ Mexico cho biết, họ sẽ đệ đơn lên Tòa án Công lý Quốc tế để đảm bảo các cơ sở ngoại giao của họ ở Bolivia được tôn trọng. Quan hệ giữa 2 nước châu Mỹ Latinh này đang leo thang căng thẳng kể từ sau khi Tổng thống Bolivia Evo Morales phải từ chức và rời sang tạm trú ở Mexico.

Bên ngoài Đại sứ quán Mexico tại La Paz (Bolivia) thời gian này lúc nào cũng có cảnh sát túc trực

Bên ngoài Đại sứ quán Mexico tại La Paz (Bolivia) thời gian này lúc nào cũng có cảnh sát túc trực

Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard nói trong một cuộc họp báo thường kỳ mới nhất rằng Mexico mong muốn Tòa án Công lý Quốc tế có trụ sở tại The Hague, phân xử vụ tranh chấp giữa 2 nước châu Mỹ Latinh này.

Đại sứ quán Mexico bị “bao vây”

Kể từ đầu tuần vừa rồi, Mexico đã cáo buộc Chính phủ Bolivia tăng cường sự hiện diện của cảnh sát bên ngoài Đại sứ quán Mexico ở La Paz và đe dọa các nhà ngoại giao của họ. Mexico đã phàn nàn rằng 150 sĩ quan và điệp viên của Bolivia đã bao vây khu nhà của Đại sứ Mexico tại La Paz và cố lục soát xe của Đại sứ.

Bộ Ngoại giao Mexico cho biết, việc triển khai lính cùng hành động dừng xe ngoại giao để kiểm tra này vi phạm vào các quy tắc bảo đảm ngoại giao quốc tế. Những người này còn ghi lại sự di chuyển của người ra vào Đại sứ quán, thậm chí cản trở sự “đi lại tự do” của Đại sứ. Ngày 24-12, Mexico tiếp tục tố cáo sự hiện diện ngày càng tăng của lực lượng an ninh Bolivia, bao gồm cả việc sử dụng máy bay không người lái, xung quanh nơi cư trú của Đại sứ Mexico. Phía Mexico mô tả lính tuần tra quanh khu ngoại giao đoàn này là một “cuộc bao vây”.

Trong một Công hàm gửi lên Bộ Ngoại giao Bolivia, Mexico cho biết máy bay không người lái bay qua nơi cư trú của Đại sứ là “sự can thiệp quá mức”. Thông cáo được đưa ra gần như cùng lúc cho biết, họ đã triệu tập đại diện ngoại giao Bolivia ở Mexico để “giải thích hành động của các quan chức Bolivia”.

Lý lẽ của mỗi bên

Quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng kể từ khi Mexico cấp tị nạn chính trị cho cựu Tổng thống Bolivia là ông Evo Morales sau khi ông này từ chức ngày 10-11. Trước đó, Bolivia xảy ra chính biến, phe đối lập tổ chức biểu tình cáo buộc gian lận bầu cử trong khi Tổng thống đương nhiệm Evo Morales tuyên bố thắng cử. Mexico còn cho phép khoảng 30 người ủng hộ ông Morales được phép tị nạn tại các cơ sở của Đại sứ quán ở La Paz.

Hiện ông Morales đang ở Argentina và nói rằng ông dự định tiếp tục tham gia chính trị trong khi một số cựu trợ lý hàng đầu vẫn ẩn náu trong dinh thự của Đại sứ Mexico. Một quan chức liên bang Mexico biết về tình hình này cho hay, những người đang ở Đại sứ quán của Mexico tại La Paz bao gồm 9 quan chức hàng đầu, trong đó có ông Juan Ramón Quintana, Chánh văn phòng và cánh tay phải của ông Morales. Quan chức giấu tên này cho biết thêm, những người khác là cựu Bộ trưởng Quốc phòng; Bộ trưởng Tư pháp; Bộ trưởng Khai thác mỏ... Ngoài ra còn có 2 cựu Thứ trưởng và cựu Giám đốc Cơ quan Điện tử và Truyền thông Chính phủ.

Trong một bức thư ngỏ gửi tới Tổ chức các quốc gia châu Mỹ, Mexico gọi hành động của Chính phủ lâm thời Bolivia là không thể chấp nhận được. Tuy vậy, ông Erick Foronda, Thư ký Tổng thống Bolivia phủ nhận chính quyền đang can thiệp vào các nhà ngoại giao Mexico. Ông này tuyên bố, sự hiện diện của cảnh sát tại cơ sở ngoại giao của Mexico đã được tăng lên vì lý do an ninh sau khi nhận được báo cáo rằng dự kiến sẽ có cuộc biểu tình trong khu vực.

Trong khi đó, Willson Santamaría, Thứ trưởng Bộ An ninh Công cộng của Bolivia, cho biết, những người trung thành với ông Morales sẽ không được phép rời khỏi đất nước. “Chúng tôi đã thực hiện các bước cần thiết để lực lượng an ninh ngay lập tức theo dõi và phát hiện bất kỳ sự trợ giúp hay sự đồng lõa trong việc giúp đỡ những kẻ chạy trốn khỏi đất nước”, ông Willson nói.

Được biết, trong số 9 người đang ẩn náu ở Đại sứ quán Mexico, 4 cựu quan chức Bolivia đã bị chính quyền hiện tại phát lệnh bắt giữ. Bởi thế, việc Tổng thống Evo Morales, người đã nắm quyền một thời gian dài ở Bolivia, buộc phải từ chức do áp lực để lại hậu quả là một cuộc chuyển giao quyền lực không hề suôn sẻ và hệ lụy của nó ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ với Mexico.

Yên Vũ (Theo AP/Reuters)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/cang-thang-mexico-bolivia-he-qua-cua-cuoc-chuyen-giao-quyen-luc-khong-suon-se/837910.antd