Căng thẳng giải quyết vấn đề Iran: Lựa chọn nào có lợi cho Mỹ?

Tổng thống Trump nhiều lần lên tiếng khả năng sẽ xem xét lại các lựa chọn tấn công quân sự với Iran.

Các báo cáo gợi ý Tổng thống Donald Trump cũng đã tham khảo nhiều ý kiến từ các cố vấn đứng đầu liên quan đến lựa chọn tấn công quân sự đối với Iran. Đây từng là tín hiệu lo ngại về cuộc xung đột bất ổn mới có thể diễn ra vào thời kỳ "hoàng hôn" ở nhiệm kỳ Tổng thống Trump.

Tổng thống Trump. Ảnh: Asia Times

Tổng thống Trump. Ảnh: Asia Times

Theo Asia Times, Tổng thống Trump đã đưa ra các lựa chọn tấn công Iran vào ngày 12/11 tại Phòng họp Bầu dục với các thành viên nội các cao nhất của ông, bao gồm Phó Tổng thống Mike Pence, Ngoại trưởng Mike Pompeo, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Christopher C Miller và Tổng tham mưu trưởng Mark Milley.

Trong khi đó, Iran vẫn hỗ trợ hoặc duy trì các lực lượng ủy nhiệm ở Iraq, Syria, Yemen và Lebanon cùng với nhiều khả năng sẽ tiến hành tấn công trả đũa nhằm vào các mục tiêu của Mỹ cũng như đồng minh tại các quốc gia này.

Giới chuyên gia bình luận cũng đưa ra các kịch bản khác nhau về cách thức tiến hành một cuộc chiến có thể xảy ra và làm thế nào có khả năng đối mặt với kịch bản như vậy.

Ông Kori Schake – Giám đốc chính sách đối ngoại và quốc phòng tại Viện Doanh nghiệp Mỹ đã viết trong một bài báo gần đây cho rằng Mỹ có thể lựa chọn phá hủy ngành công nghiệp hạt nhân của Iran thông qua các cuộc tấn công liên tục vào lò phản ứng hạt nhân và nhà máy làm giàu uranium trong vài tuần. Để phát động một cuộc tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran, Mỹ có thể mở một chiến dịch "tên lửa từ tàu ngầm hoặc từ trên không" nhằm vào các mục tiêu quân sự của Iran mà không khiến các căn cứ của đồng minh gần Iran bị ảnh hưởng.

Ông David Andelman – Giám đốc điều hành của dự án Redlines viết, việc Mỹ chuẩn bị rút quân khỏi Iraq trong hai tháng tới sẽ khiến cho Washington dễ bị ảnh hưởng nhiều hơn. Bất kỳ hành động quân sự nào của Mỹ cũng sẽ khiến cho quân đội Mỹ ở lại dễ gặp rủi ro nghiêm trọng hơn.

Theo Asia Times, các tín hiệu gần đây cho thấy Tổng thống Trump dường như đang muốn giảm leo thang căng thẳng quân sự với Iran.

Đầu tiên, Tổng thống Trump đã lên tiếng phản đối "các cuộc chiến bất tận của Mỹ" mà những lãnh đạo tiền nhiệm của ông đã khởi xướng và tìm cách giảm đi vai trò cảnh sát điều tra do Washington tự nhận trong thời gian qua.

Hồi tháng 6/2019, lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đã bắn rơi máy bay trinh sát không người lái của Mỹ trên eo biển Hormuz của vịnh Ba Tư sau khi phát hiện nằm trong không phận Iran. Tổng thống Trump từng lên tiếng cuộc tấn công tên lửa trả đũa nhưng sau đó đã hủy bỏ quyết định này. Giải thích lý do này, Tổng thống Trump đã cho biết ông đã tham khảo các ý kiến của cố vấn quân sự và đưa ra khả năng một cuộc tấn công quân sự có thể khiến ít nhất 150 người thiệt mạng. Vì vậy, ông không hề muốn gây thêm quân số tử vong trong các xung đột nữa.

Thứ hai, Tổng thống Trump luôn có nhiều cố vấn dày dạn kinh nghiệm, bao gồm cả chuyên gia về Iran. Các chuyên gia sẽ có các giải thích chi tiết về tác động mạnh mẽ sau hành động quân sự đối với Iran, bao gồm cả Mỹ và các đồng minh đều phải chịu đòn đáp trả.

Kịch bản tồi tệ có thể phải kể đến việc phong tỏa eo biển Hormuz – tuyến đường quan trọng cho các chuyến hàng chở dầu, điểm mấu chốt quan trọng cho các vụ tấn công mà Iran có thể thực hiện nhằm vào Israel hay căn cứ quân sự Mỹ tại Iraq. Iran có thể thúc đẩy phiến quân Houthi ở Yemen tấn công đồng minh của Mỹ là Saudi Arabia bằng máy bay không người lái.

Chắc chắn, thách thức của Mỹ về cuộc tấn công quân sự "sắp xảy ra" vào các mục tiêu hạt nhân của Iran hoặc một cuộc tấn công chiến tranh quy mô lớn hơn có thể đã được "cân nhắc" gần 20 năm nay.

Kể từ khi tranh cãi về hạt nhân Iran vào năm 2002, Mỹ đã đe dọa tấn công Iran bằng các cuộc tấn công hủy diệt nhằm ngăn chặn nước này sản xuất vũ khí hạt nhân. Đáp lại, Iran đã hứa sẽ trả đũa khiến Washington phải hối hận về cuộc tấn công này. Hai nước vốn dĩ đã tồn tại từ lâu các căng thẳng.

Cựu Tổng thống George Bush, Obama và Tổng thống Trump cũng từng bày tỏ căng thẳng với Iran. Chính quyền cựu Tổng thống Obama cũng nhiều lần đe dọa Iran trong 2 nhiệm kỳ ở Nhà Trắng. Mặc dù ông Obama được cho là người tiên phong trong chính sách ngoại giao với Iran nhưng ông không bao giờ từ bỏ năng lực quân sự đối phó với nước này cùng với các tuyên bố đe dọa có thể sử dụng sức mạnh quân sự.

Trong khi đó, cựu Tổng thống Bush – nhà lãnh đạo tiền nhiệm cũng từng đưa Iran vào danh sách đen sau vụ khủng bố ngày 11/9 nhằm vào nước Mỹ. Tổng thống Mỹ đã nhiều lần cân nhắc tấn công Iran. Trong cuộc hồi ký xuất bản năm 2010, cựu tổng thống Mỹ đã tiết lộ ông đã chỉ đạo Lầu Năm Góc nghiên cứu những gì là cần thiết cho cuộc tấn công nhằm vào Iran "ngăn chặn năng lực hạt nhân của nước này.

Các đánh giá cho thấy Lầu Năm Góc công nhận Iran là một quốc gia có khoảng 85 triệu dân cùng với đó là quân đội được trang bị tốt cũng như lực lượng ủy nhiệm có trụ sở ở khắp Trung Đông.

Tổng thống Trump ắt hẳn nhận ra trách nhiệm đối với tình hình không hề có chiến thắng sau khi rút khỏi thảo thuận Iran. Vì vậy, nếu Tổng thống Mỹ vẫn tiếp tục tạo ra căng thẳng hoặc xung đột trong những ngày cuối cùng ở Nhà Trắng thì chính sách của ông có thể làm suy yếu kinh tế Iran nhưng lại không thể giải quyết được vấn đề Iran.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cang-thang-giai-quyet-van-de-iran-lua-chon-nao-co-loi-cho-my-20201123152811416.htm