Căng thẳng gia tăng - Kịch bản nào cho chính trường Hàn Quốc?
Chính trường Hàn Quốc đang trải qua những thời khắc 'dậy sóng' với hàng loạt diễn biến căng thẳng liên tục khó lường - bắt đầu từ 3/12.
Tổng thống Yoon Suk Yeol ngay trong đêm 3/12 bất ngờ ban bố tình trạng thiết quân luật gây tranh cãi sau 44 năm; nhưng chỉ vài giờ sau đã được dỡ bỏ do Quốc hội tiến hành bỏ phiếu bác bỏ. Chưa dừng lại, phe đối lập ngay sau đó đã đệ trình dự luật luận tội Tổng thống, khiến chính trường Hàn Quốc càng trở nên phức tạp, khó lường.
Phản ứng trong nước
Đã có nhiều giả thuyết, bình luận về ngọn nguồn dẫn tới quyết định bất ngờ của Tổng thống Yoon Suk Yeol vừa qua khi ban bố tình trạng thiết quân luật, kéo theo loạt diễn biến “nóng” sau đó.
Nếu nhìn từ góc độ những phát ngôn của bản thân Tổng thống Yoon Suk Yeol, lý do lớn nhất dẫn tới quyết định bất ngờ, bất thường này là để đối phó với Triều Tiên. Trong bài phát biểu không hề báo trước trên truyền hình vào đêm 3/12, ông Yoon Suk Yeol đã nói về "các lực lượng chống nhà nước" và cho rằng, thiết quân luật là điều cần thiết để loại bỏ nhanh chóng các lực lượng này nhằm ổn định đất nước.
Tổng thống Yoon cũng cáo buộc phe đối lập biến quốc gia thành "thiên đường ma túy" và tạo ra tình trạng hỗn loạn gây bất lợi cho an toàn và sinh kế của người dân; cho rằng Đảng Dân chủ đang cố gắng lật đổ hệ thống dân chủ tự do. Đặc biệt là ngôn từ, thái độ của ông Yoon Suk Yeol cho thấy một sự quyết liệt đến tận cùng.
Tuy nhiên, các nhà phân tích chính trị của Nhật Bản và Hàn Quốc lại nhìn nhận vấn đề từ 2 góc độ. Góc độ thứ nhất là động thái chính trị, góc độ thứ 2 là tâm lý yếm thế trước phe đối lập đang chiếm giữ vị thế đa số trong quốc hội.
Ở góc độ thứ nhất, ông Yoon Suk Yeol định áp đảo đối thủ bằng quyền lực chính trị của cá nhân và viện dẫn ra hàng loạt lý do mà tôi vừa nêu trên, nhưng báo chí Nhật Bản nói một cách thẳng thừng và ngắn gọn rằng quyết định này là nhằm trả đũa việc đảng Dân chủ đối lập - chính đảng đang chiếm đa số trong quốc hội Hàn Quốc, đã bác bỏ đề xuất ngân sách của chính phủ, bỏ phiếu cắt giảm gần 3 tỷ USD trong ngân sách năm 2025 mà Tổng thống Yoon Suk Yeol đưa ra, làm suy yếu các kế hoạch của chính phủ.
Từ góc độ này sẽ dẫn sang góc độ thứ 2 về tâm lý yếm thế của ông Yoon. Điều này cũng dễ hiểu, vì hiện nay, phe đối lập đang ở thế “thượng phong”, đe dọa một cách trực tiếp đến quyền lực của Tổng thống. Bên cạnh đó là những áp lực từ dư luận về việc tỷ lệ ủng hộ đối với Tổng thống sa sút nghiêm trọng, cùng những cáo buộc Đệ nhất phu nhân nhận quà có giá trị cao trái phép...
Cả hai góc độ này có một điểm chung. Đó là quyền lực chính trị. Ông Yoon mong muốn thể hiện quyền lực Tổng thống đề “dằn mặt” phe đối lập, nhưng không cân nhắc đầy đủ những yếu tố khác, dẫn tới diễn biến của tình hình vuột khỏi tầm kiểm soát. Mặc dù, chỉ sau vẻn vẹn 6 tiếng đồng hồ, ông Yoon đã quyết định dỡ bỏ thiết quân luật. Hành động này được coi là sự “quay đầu” có tính phục thiện giống như câu “hồi đầu thị ngạn” tức là “quay đầu là bờ” trong kinh Phật. Tuy nhiên, thật đáng tiếc, là mặc dù đã quay đầu rất sớm, nhưng ông Yoon vẫn chưa thấy bến bờ như mong đợi.
“Từ chức hoặc bị luận tội”
Sau khi phe đối lập thông qua và đệ trình dự luật luận tội Tổng thống, theo quy định, Quốc hội Hàn Quốc sáng nay (5/12) dự kiến sẽ có phiên họp toàn thể, bàn bạc có thông qua hay không trong vòng 72 giờ. Phe đối lập cho rằng, chỉ có 2 kịch bản với ông Yoon Suk Yeol là “từ chức hoặc luận tội”.
Hai kịch bản này thực ra chỉ là một. Bởi phe đối lập đã công khai yêu cầu Tổng thống từ chức ngay lập tức để tạ tội với quốc dân đồng bào, đồng thời nhấn mạnh, sẽ tiến hành các thủ tục để luận tội Tổng thống ngay sau khi ông Yool Suk-yeol từ chức.
Trên thực tế, ngày 4/12, 6 đảng đối lập của Hàn Quốc liên kết soạn thảo Bản luận tội Tổng thống Yoon Suk-yeol và đã đệ trình ngay lên Quốc hội nước này. Bản luận tội nêu rõ, việc Tổng thống Yoon Suk-yeol ban bố thiết quân luật đã làm tê liệt mọi hoạt động chính trị của Hàn Quốc, là hành động vượt quá thẩm quyền và vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp cùng các nguyên tắc dân chủ. Phe đối lập cũng yêu cầu cá nhân Tổng thống cùng toàn bộ thành viên chính phủ từ chức, cách chức bộ trưởng quốc phòng... Với vị thế đa số trong quốc hội của phe đối lập, Bản luận tội này là một thách thức lớn với ông Yoon Suk-yeol và chính phủ thiểu số hiện nay của Hàn Quốc.
Hiện nay, ông Yoon đang rất nỗ lực để hóa giải tình hình, đả thông bế tắc, tuy nhiên, tất cả mọi thứ không còn nằm trong tầm tay của Tổng thống như dự tính, mà đã trở thành một sự cố có tầm ảnh hưởng quốc tế. Thậm chí, ngay cả trong nội bộ đảng cầm quyền cũng có nhiều ý kiến phản đối quyết định của Tổng thống Yoon Suk-yeol khi ban bố thiết quân luật, dẫn tới việc các cố vấn của Tổng thống đồng loạt bày tỏ ý định từ chức.
Trong khi đó, làn sóng phản đối trước quyết định bất ngờ, bất thường của Tổng thống từ phía người dân Hàn Quốc tiếp tục lan rộng từ thủ đô Seoul ra các địa phương khác, với các vụ tụ tập đông người quy mô lớn, xung đột với lực lượng vũ trang đang được triển khai tại những địa điểm trọng yếu, khiến tình hình trở nên có nguy cơ phát triển thành một khủng hoảng nghiêm trọng hơn.
Từ thực trạng này có thể thấy, Tổng thống Yoon Suk-yeol chưa từ chức đã bị luận tội, chứ đừng nói gì tới sự lựa chọn “từ chức hoặc luận tội”. Mà luận tội ở đây, không chỉ dừng ở Quốc hội, mà còn là sự luận tội dưới “búa rìu” của dư luận từ các tầng lớp nhân dân Hàn Quốc. Cho dù ông Yoon không từ chức, hoặc may mắn không bị luận tội trước quốc hội, thì với tỷ lệ ủng hộ vẻn vẹn 25% trước khi ban bố thiết quân luật, chặng đường tới đây của cá nhân Tổng thống và phe cầm quyền sẽ trở nên vô cùng chông gai. Và hiện nay, ông Yoon đang ở trong tình trạng “vô kế khả thi”, tức là không còn bất cứ giải pháp nào hữu hiệu.
Giọt nước tràn ly
Những đấu đá nội bộ chính trị, mâu thuẫn sâu sắc giữa lợi ích đảng phái và lợi ích quốc gia được cho là “giọt nước tràn ly” và diễn biến lần này sẽ không chỉ làm kinh tế-xã hội bất ổn mà còn làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Hàn Quốc trên trường quốc tế.
“Giọt nước” này không chỉ làm “tràn ly”, mà con gây đổ vỡ nghiêm trọng. Lệnh thiết quân luật ngay lập tức mang lại những thiệt hại kinh tế cho Hàn Quốc. Sau khi lệnh này được ban bố, đồng Won Hàn Quốc đã rớt xuống mức 1.430 Won/USD trong phiên giao dịch đêm 03/12. Đây là mức thấp nhất kể từ ngày 26/10/2022, khi đồng Won giảm xuống còn 1.432,4 won/USD trong phiên giao dịch nội bộ. Sự biến động đầy rủi ro của tỷ giá này sẽ mang lại thiệt hại khổng lồ cho cả nền kinh tế, đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, công nghệ, giải pháp kỹ thuật... của Hàn Quốc.
Hàng loạt các công ty du lịch nước ngoài đã tuyên bố hủy bỏ các tour du lịch đến Hàn Quốc từ hôm qua và những ngày tiếp theo cho đến khi tình hình ổn định. Giới phân tích chính trị cho rằng đây có khả năng là khởi điểm của một cuộc khủng hoảng chính trị - kinh tế và gây sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Hàn Quốc.
Về mặt ngoại giao, lãnh đạo các nước đều bày tỏ sự quan ngại sâu sắc đối với tình hình chính trường Hàn Quốc hiện nay, đặc biệt là Nhật Bản. Bởi vì, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình cải thiện quan hệ Nhật – Hàn, hướng tới tăng cường hợp tác mọi mặt, nhất là hợp tác về an ninh – quốc phòng, trong bối cảnh hai nước đều đang phải đối mặt với một môi trường an ninh khắc nghiệt nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2 đến nay, cùng những áp lực từ các hoạt động phát triển hạt nhân – tên lửa với những vụ phóng thử rầm rộ, bao gồm cả tên lửa liên lục địa của CHDCND Triều Tiên.
Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru bày tỏ “sự quan tâm đặc biệt” đối với những diễn biến tại chính trường Hàn Quốc, đồng thời kêu gọi người Nhật Bản đang có mặt tại Hàn Quốc theo dõi sát tình hình, để không bị cuốn vào những tình huống không mong muốn. Sau khi có thông tin về tình hình căng thẳng tại Hàn Quốc, phó chủ tịch đảng cầm quyền Tự do Dân chủ Nhật Bản (LDP), nguyên thủ tướng Suga Yoshihide cũng quyết định tạm dừng chuyến công du Hàn Quốc đã được thu xếp vào ngày 15 tháng 12 này để theo dõi tình hình.
Còn Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đưa ra một thông cáo, trong đó nhấn mạnh, nước Mỹ theo dõi sát tình hình Hàn Quốc trong suốt 24h, đồng thời mong muốn các bên liên quan giải quyết vấn đề một cách hòa bình trên tinh thần “thượng tôn pháp luật”. Tôi nghĩ rằng, Hàn Quốc sẽ phải tốn nhiều thời gian và công sức mới có thể hàn gắn được những đổ vỡ hiện nay.