Căng thẳng Ấn Độ-Pakistan tái bùng phát: Chuẩn bị cho điều tệ nhất?

Bước đi mới nhất của Ấn Độ là quyết định chính trị có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với khu vực tranh chấp với Pakistan trong gần 7 thập kỷ qua.

Chính phủ Ấn Độ trong tuần qua tuyên bố bãi bỏ quy chế đặc biệt đối với khu vực Kashmir do nước này kiểm soát, đồng thời đưa ra dự luật tách bang này thành 2 vùng lãnh thổ liên bang. Đây là quyết định chính trị có ảnh hưởng sâu rộng nhất tại khu vực tranh chấp với Pakistan trong gần 7 thập kỷ qua và có nguy cơ làm thổi bùng căng thẳng với quốc gia láng giềng khi Pakistan tuyên bố sẽ áp dụng mọi biện pháp có thể để đối phó với Ấn Độ.

Bước đi mới nhất của Ấn Độ là quyết định chính trị có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với khu vực tranh chấp với Pakistan trong gần 7 thập kỷ qua. Ảnh: Reuters

Bước đi mới nhất của Ấn Độ là quyết định chính trị có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với khu vực tranh chấp với Pakistan trong gần 7 thập kỷ qua. Ảnh: Reuters

Bất chấp sự phản đối của Pakistan, Ấn Độ khẳng định vẫn duy trì hành động này tại Kashmir vì cho đây là hành động hợp pháp cả trong nước và quốc tế. Hạ viện Ấn Độ hôm qua (6/8) cũng thông qua dự luật chia tách bang Jammu và Kashmir, chấp thuận sắc lệnh bãi bỏ quy chế đặc biệt của khu vực này. Trước đó Thượng viện cũng đã thông qua và dự luật sẽ được trình lên Tổng thống ký ban hành.

Kashmir là vùng lãnh thổ có đa số người theo đạo Hồi sinh sống. Hiện Kashmir được chia thành hai phần do quản lý, song hai nước đều nhận chủ quyền đối với toàn bộ vùng lãnh thổ này. Với quyết định của Ấn Độ, Pakistan tuyên bố, không một bước đi đơn phương nào của Ấn Độ có thể thay đổi hiện trạng tranh chấp này. Với tư cách là một bên trong tranh chấp quốc tế, Pakistan sẽ áp dụng mọi phương án khả thi nhằm đối phó với những bước đi này của Ấn Độ.

Thủ tướng Pakistan Imran Khan hôm 6/8 cảnh báo đang cân nhắc các bước đi ngoại giao và quân sự để đối phó với Ấn Độ: “Tôi đang đặt câu hỏi: Nếu chúng ta sẵn sàng chiến đấu cho đến giọt máu cuối cùng, một cuộc chiến sẽ như thế nào? Đó sẽ là cuộc chiến mà không ai chiến thắng. Mọi người sẽ thua cuộc. Vì vậy, câu hỏi tiếp theo là: Tôi có sử dụng tối hậu thư hạt nhân không? Tôi sẽ không sử dụng, nhưng tôi cũng khẳng định nên hy vọng vào điều tốt nhất, và cũng chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất?".

Các nguồn tin địa phương cho biết Pakistan đang lên kế hoạch đối với các chuyến bay của Ấn Độ như một phần biện pháp trả đũa. Pakistan cũng cân nhắc hạ cấp quan hệ ngoại giao với Ấn Độ, nâng mức báo động và cân nhắc thêm các biện pháp đáp trả. Hiện có nhiều lo ngại khi các hoạt động tại khu vực biên giới đang được tăng cường. Theo một số nguồn tin, chính phủ Ấn Độ thông báo cho du khách lập tức rời khỏi khu vực Kashmir và điều động thêm hàng nghìn binh sĩ đến khu vực.

Mối quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng này luôn nổi sóng liên quan đến khu vực tranh chấp Kashmir. Tuy nhiên bước đi mới nhất của Ấn Độ là quyết định chính trị có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với khu tranh chấp với Pakistan trong gần 7 thập kỷ qua. Cộng đồng quốc tế đang dõi theo từng diễn biến trong cuộc đối đầu Ấn Độ - Pakistan tại khu vực tranh chấp, với nỗi lo bất kỳ tính toán sai lầm nào cũng đẩy hai quốc gia láng giềng đều sở hữu vũ khí hạt nhân này đến một cuộc chiến tranh toàn diện.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm 6/8 bày tỏ lo ngại về căng thẳng giữa hai nước, hối thúc Ấn Độ và Pakistan kiềm chế: “Liên Hợp Quốc đang theo dõi diễn biến với lo ngại đặc biệt về căng thẳng trong khu vực. Chúng tôi cũng biết về các giới hạn từ phía Ấn Độ tại Kashmir và hối thúc các bên kiềm chế. Các quan sát viên của Liên Hợp Quốc cũng nhận thấy các hoạt đồng quân sự tăng cường dọc đường biên giới”.

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua cũng cho biết đang theo dõi diễn biến chặt chẽ, hối thúc các bên cần kiềm chế, duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực dọc đường kiểm soát biên giới./.

Phạm Hà/VOV1
Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/cang-thang-an-dopakistan-tai-bung-phat-chuan-bi-cho-dieu-te-nhat-941703.vov