Càng ngày càng nhiều công chức tiến sĩ

Nhiều công chức có bằng tiến sĩ, thạc sĩ mừng là vì công chức càng ngày càng 'có học', nhưng lại lo vì đội ngũ công chức xịn sò nhưng vẫn còn những 'tiếng kêu' của người dân và DN.

Những con số thống kê về trình độ học vấn (đo đếm qua bằng cấp) khiến cho người ta không khỏi nửa mừng nửa lo. Mừng là vì công chức càng ngày càng “có học”. Có học có hơn nhưng lại lo vì đội ngũ công chức xịn sò như thế nhưng vẫn còn những “tiếng kêu về thủ tục hành chính rườm rà, gây khó khăn cho người dân và DN” như Thủ tướng lưu ý tại cuộc họp tổng kết cải cách hành chính hôm 18/3.

Thậm chí, Thủ tướng còn phải ra hẳn một chỉ thị để chống “tham nhũng vặt”, Chỉ thị số 10 về việc “tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN trong giải quyết công việc” để đấu tranh với những tệ nạn do chính đội ngũ công chức “có học” này gây ra.

Đã đến lúc cần nhìn nhận nghiêm túc vấn đề bằng cấp của công chức và từ đó xác định lại những định hướng xây dựng đội ngũ công chức cho một nền công vụ liêm chính, vì dân, một tiêu chí quan trọng của một Chính phủ kiến tạo phát triển.

TS Đinh Văn Minh (Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ)

TS Đinh Văn Minh (Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ)

Nhìn vào thực trạng hiện nay có thể nói khái quát rằng công chức của chúng ta đi học để đạt được bằng cấp chứng chỉ là quá nhiều, tốn kém thời gian và tiền bạc mà cái việc học hành này hầu như có rất ít tác dụng để nâng cao trình độ nghề nghiệp cần cho hoạt động công vụ của họ.

Có nhiều nguyên nhân của tình trạng này, ngoài tâm lý sính bằng cấp vốn có của người Việt ta thì điều quan trọng hơn là bằng cấp trở thành một điều kiện để thăng tiến nơi công vụ. Thay vì học để hiểu biết, để làm việc cho tốt và để chung sống thì ở ta học là để có bằng cấp, học để “làm quan”.

Đừng trách cứ nhiều người tìm cách có cái bằng thạc sĩ, tiến sĩ bởi vì học hành là công việc nặng nhọc (và cũng tốn kém). Nhiều khi bằng cấp (và đôi khi là cả chuyện tuổi tác) trở thành những tiêu chí so sánh quan trọng để được lựa chọn và thăng tiến.

Sự yếu kém trong công tác đánh giá công chức đã làm cho chúng ta không thể đánh giá chính xác chất lượng thực thi công vụ của họ, yếu tố lẽ ra phải được lên hàng đầu khi sắp xếp các vị trí lãnh đạo, quản lý.

Chưa nói đến thực chất trình độ của các công chức có được tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ, vốn luôn là dấu hỏi to đùng. Số lượng quá lớn công chức thạc sĩ, tiến sĩ dường như không mang lại nhiều lợi ích cho nền công vụ.

Theo số liệu Bộ Nội vụ vừa công bố, tổng biên chế công chức được giao của 95 bộ ngành và địa phương từ cấp huyện trở lên 318.048 người; hiện có 295.536 người; trong đó hơn 21.000 có trình độ thạc sĩ trở lên.

Tỷ lệ công chức có trình độ cao là đáng mừng nhưng điều bất hợp lý là ở chỗ, rất nhiều công chức chỉ bắt đầu học thạc sĩ, tiến sĩ khi đã là công chức trong khi nền công vụ không cần người có tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ mà cần hơn là những công chức thành thạo, chuyên nghiệp và tận tâm với công vụ. Và để có được điều này thì công chức cần phải được cập nhật kiến thức, đào tạo tay nghề, hướng dẫn các quy tắc ứng xử khi mang trọng trách sử dụng công quyền và niềm tự hào được là một phần của nền công vụ.

Ngay trong chính sách của chúng ta cũng có sự ưu tiên đào tạo cho đội ngũ công chức với những khoản kinh phí và thời gian cho những ai có nguyện vọng đi học để có thêm bằng cấp. Tệ hơn nữa cán bộ có năng lực yếu, không thực hiện được công việc của mình, có xu hướng đi học tiến sĩ những ngành không thích hợp với công chức... là thực tiễn được Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM Nguyễn Việt Dũng nêu ra tại hội nghị UBND TP.HCM phê duyệt kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2021 của Sở Nội vụ sáng 18/3.

"Tôi không biết công chức mình đào tạo tiến sĩ để làm gì vì tiến sĩ là để làm nghiên cứu khoa học. Chúng ta đào tạo quá nhiều tiến sĩ. Ví dụ, công chức phường đăng ký học tiến sĩ công nghệ sinh học, trong khi hệ thống mình cần chính sách công, tài chính công, đầu tư công, hành chính công thì không học", ông Dũng nêu thực tế hoàn toàn đúng.

Công chức của chúng ta được đào tạo quá ít về nghề công chức về nghiệp vụ liên quan đến công việc cụ thể. Các chương trình được coi là để “chuẩn hóa” cho công chức còn quá chung chung, trùng lặp. Trong khi đó sự hiểu biết tối thiểu của một công chức về sự vận hành và các nguyên tắc của một nền công vụ về tính liên tục, công bằng, liêm khiết, phi vụ lợi hay thái độ trách nhiệm mang trên vai hình ảnh công quyền… lại hầu như ít được nhắc đến.

Chính sách đào tạo công chức thành thạc sĩ, tiến sĩ và dành nguồn lực cho nó có lẽ là sự sai lầm từ trong triết lý. Đào tạo, bồi dưỡng công chức là cần thiết nhưng nó phải xuất phát từ yêu cầu và nhu cầu của nền công vụ. Các chương trình và phương thức đào tạo, bồi dưỡng của Trường Hành chính Quốc gia (CH Pháp) hay Trường Hành chính công Lý Quang Diệu (Singapore) là những mô hình tốt đáng để chúng ta suy ngẫm.

Một điều nữa xin nhắc lại rằng học là cần rất cần với ai cũng vậy nhưng học không có nghĩa là phải “đi học”, học không có phải là để đạt được vài cái bằng cấp, chứng chỉ mà phải nhằm mục tiêu đáp ứng yêu cầu của công việc.

Học, học nữa học mãi là học mọi nơi mọi lúc, học qua công việc, học từ thực tiễn. Bác Hồ nói: "Học để hành" và Người chỉ rõ: “Học ở đâu? Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn”.

Vấn đề cốt lõi nhất của việc tự học là để nâng cao hiểu biết và để áp dụng những kiến thức đó vào làm việc, “học phải đi đôi với hành”. Học mà không làm được, học mấy cũng vô ích. Học những điều quá cao xa, không sát thực tế công việc chuyên môn của bản thân trong khi thời gian dành cho tự học quá ít, việc học đó cũng chỉ để “trang trí”, cho “oai” mà thôi.

TS Đinh Văn Minh(Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/cong-chuc-ngay-cang-co-hoc-720844.html