'Căng mình' giảm nợ đọng bảo hiểm xã hội

Làm sao vừa kiểm soát số tiền nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) để đảm bảo quyền lợi người tham gia nhưng vẫn hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVID-19 đang là nhiệm vụ kép với ngành BHXH.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

BHXH TP. Hà Nội vừa công khai danh sách 500 đơn vị nợ đóng BHXH trên địa bàn thành phố với số tiền gần 202 tỷ đồng, thời gian nợ từ 6-24 tháng tính đến ngày 31/7/2020.

Đôn đốc thu nợ khó khăn vì dịch bệnh

Theo đại diện BHXH TP. Hà Nội, công tác thanh tra là một trong những giải pháp hiệu quả góp phần giảm thiểu tình trạng nợ đọng BHXH. Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Hà Nội đã phải tạm dừng thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế tại các doanh nghiệp. Công tác đôn đốc thu nợ chủ yếu bằng hình thức gián tiếp như: gọi điện thoại, gửi văn bản đôn đốc, gửi thư điện tử (email)...

BHXH Việt Nam triển khai nhiều giải pháp giảm nợ đọng nhưng vẫn đảm bảo hỗ trợ doanh nghiệp vượt dịch COVID-19

Theo đó, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Hà Nội đã tập trung rà soát danh sách các đơn vị sử dụng lao động, số người lao động tham gia BHXH, số thu, số nợ của từng đơn vị. Trên cơ sở đó, cơ quan BHXH đã gọi điện và gửi văn bản đôn đốc thu để các đơn vị đối chiếu…

Tuy nhiên, tình trạng nợ BHXH trong những tháng đầu năm tiếp tục gia tăng. Nguyên nhân do dịch COVID-19 làm đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh của không ít doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp không cân đối được nguồn tiền để đóng BHXH cho người lao động.

Bên cạnh đó, cũng có trường hợp đơn vị, doanh nghiệp tuy không bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, nhưng lấy cớ dịch bệnh cố tình nợ đóng, trốn đóng hoặc đóng BHXH không đúng mức quy định.

Tương tự, ở TP. Hồ Chí Minh, ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP. Hồ Chí Minh, cho biết tính đến ngày 31/7, số tiền nợ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động trên địa bàn hơn 5.245 tỷ đồng.

"Sau khi trừ số tiền nợ dưới 1 tháng thì tổng số tiền nợ còn lại là 2.592 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ nợ là 3,5% so với kế hoạch thu của BHXH Việt Nam giao. Nếu trừ nợ khó thu 542 tỷ đồng thì số tiền nợ còn lại là 2.050 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 2,8%, tăng so với cùng kỳ năm trước là 0,9% và giảm so với tháng trước là 0,36%", ông Mến chia sẻ.

Theo BHXH TP. Hồ Chí Minh, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc đôn đốc thu nợ bảo hiểm gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, TP. Hồ Chí Minh đã áp dụng nhiều phương pháp nhằm thu hồi nợ, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn của đại dịch.

Nâng cao chất lượng công tác thanh, kiểm tra

BHXH Việt Nam cho biết, ước đến hết tháng 7/2020, tổng số tiền nợ BHXH phải tính lãi (từ 1 tháng trở lên) khoảng 20.682 tỷ đồng, chiếm 5,1% số phải thu.

Ước đến tháng 7/2020, toàn ngành đã tiến hành thanh tra kiểm tra tại 3.465 đơn vị (trong đó, thanh tra chuyên ngành đóng tại 1.478 đơn vị, kiểm tra tại 1.796 đơn vị, thanh tra kiểm tra liên ngành tại 191 đơn vị), phát hiện: 3.651 lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng là 31.534,2 triệu đồng; 11.563 lao động tham gia thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng là 53.806,6 triệu đồng.

Số tiền nợ đóng các đơn vị đã nộp là 487.578 triệu đồng (trong đó, đã nộp trong thời gian thanh tra là 112.231,9 triệu đồng). Ban hành 108 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phải thu là 7.576,6 triệu đồng (số tiền xử phạt đã thu là 4.897,3 triệu đồng, đạt 64,6%).

Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu Vụ Thanh tra Kiểm tra chỉ đạo BHXH các tỉnh nghiêm túc triển khai thực hiện quyết định của BHXH Việt Nam về việc điều chỉnh kế hoạch kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và thanh tra, kiểm tra liên ngành năm 2020 (theo tinh thần Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19).

Theo đó, trên cơ sở dữ liệu, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin phục vụ cho việc rà soát, phân tích, kiểm tra để có cảnh báo, đôn đốc, xử lý nếu có vi phạm; đồng thời, tập trung thanh tra chuyên ngành, kiểm tra đột xuất đối với các đơn vị có dấu hiệu lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, bảo hiểm y tế. Trường hợp cần thiết chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền để khởi tố theo quy định pháp luật.

Đồng thời, thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 14/7/2020 của Chính phủ, được sự nhất trí của Bộ LĐ-TB&XH tại Công văn số 2884/LĐTBXH-BHXH ngày 3/8/2020 đối với dự thảo văn bản hướng dẫn tiếp tục tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất của BHXH Việt Nam, ngày 10/8/2020, BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn số 2533/BHXH-BT hướng dẫn BHXH các địa phương về việc tiếp tục thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất đến hết tháng 12/2020.

Theo Thy Lê/thoibaokinhdoanh.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/bao-hiem/cang-minh-giam-no-dong-bao-hiem-xa-hoi-326765.html