Càng được đầu tư học sinh càng áp lực?

Nguyên nhân hàng đầu khiến học sinh căng thẳng đến từ việc học tập và thi cử. Các em có nhu cầu được chia sẻ, tâm sự về những vấn đề đang gặp phải.

Trong hai ngày 1-2/8, Hội thảo Tâm lý Học đường Quốc tế lần thứ VI được tổ chức tại Hà Nội với chủ đề: “Vai trò của tâm lý học đường trong việc đảm bảo sức khỏe tâm lý cho học sinh và gia đình”.

Hội thảo do Liên hiệp Phát triển Tâm lý Học đường quốc tế và Đại học Sư Phạm Hà Nội tổ chức nhằm trao đổi, công bố các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực tâm lý học đường, phát triển tâm lý học trường học…

Chia sẻ tại hội thảo, thầy Đỗ Văn Đoạt (Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội) cho biết kết quả khảo sát trên 290 học sinh có độ tuổi trung bình 16 cho thấy, hầu hết các em gặp phải những căng thẳng tâm lý do học và thi.

Hầu hết học sinh đều cảm thấy căng thẳng trong quá trình học thi chuyển cấp. (Ảnh minh họa)

Cụ thể, có hơn 90% các em khẳng định có các giai đoạn căng thẳng trong quá trình học để thi chuyển cấp ở một hoặc nhiều thời điểm.

Học sinh ngoại thành cảm thấy căng thẳng nhiều hơn một chút so với học sinh nội thành. Những học sinh được hỗ trợ tài chính nhiều căng thẳng hơn so với những học sinh được hỗ trợ tài chính ít hơn. Điều này thể hiện sự kiểm soát về tài chính, những cam kết được thiết lập trong gia đình cũng là yếu tố làm gia tăng mức độ căng thẳng ở học sinh.

Các biểu hiện căng thẳng thường thấy ở học sinh như tâm trạng kém, không có khả năng tập trung, ưu phiền, thay đổi giấc ngủ thường xuyên và cô đơn chiếm tỷ lệ cao hơn so với các vấn đề khác.

Trả lời câu hỏi “Yếu tố nào ảnh hưởng đến căng thẳng của học sinh?”, qua khảo sát, có đến 65,5% học sinh được hỏi chia sẻ nguyên nhân từ học hành và 78,5% từ việc thi cử. Một số học sinh (6,8%) không nhận diện được lý do nào khiến mình căng thẳng…

Theo thầy Đỗ Văn Đoạt, thực tế cho thấy, phần lớn học sinh cho rằng căng thẳng bắt nguồn từ những áp lực bên ngoài tác động đến công việc học hành, sức ép tâm lí, sự bất lực, không có khả năng ứng phó, khối lượng bài vở gia tăng và có kì vọng cao. Số học sinh khác ví căng thẳng như là sự phá vỡ các thói quen thông thường, sự thiếu tập trung, nỗi thất vọng, phản ứng với môi trường nhiều áp lực, mất hứng thú, tự ti, trầm cảm

Chiến lược của học sinh ứng phó với căng thẳng

Thầy Đỗ Văn Đoạt cho biết, mỗi học sinh sẽ có những cách ứng phó, để tự vượt qua những áp lực tâm lý từ học hành, thi cử khác nhau. Có em dành thời gian cho bạn bè, ngủ, nghe nhạc, chơi thể thao, tự cô lập bản thân, lao vào học tập…

Bên cạnh đó, một số học sinh chọn việc cầu nguyện, thiền định, thăm người thân, thay đổi thói quen ăn uống, xem phim và trò chuyện trực tuyến để giảm căng thẳng.

Tuy nhiên, cũng có những học sinh hút thuốc lá như một cách để ứng phó với những áp lực tâm lý từ học tập.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng có trên 70% học sinh muốn nói chuyện với ai đó khi căng thẳng. 80% học sinh lớp 9 được khảo sát thể hiện sự háo hức muốn nói chuyện với ai đó, trong khi học sinh lớp 12 chỉ có 67%.

Dưới góc độ nhà nghiên cứu, thầy Đỗ Văn Đoạt cho biết, căng thẳng là hiện tượng phổ biến, đương nhiên xuất hiện trong cuộc sống của bất cứ lứa tuổi nào. Xã hội càng phát triển càng đòi hỏi cao ở người học, tạo sức cạnh tranh lớn. Do đó, yêu cầu giáo dục một mặt định hướng tốt cho sự phát triển của học sinh, mặt khác, học sinh có thể có căng thẳng nếu không có những chiến lược ứng phó phù hợp.

Căng thẳng có nhiều trường hợp tạo động lực phấn đấu và phát triển cho cá nhân. Tuy nhiên, căng thẳng kéo dài, liên tục, đột ngột và không thể quản lý được sẽ gây tổn hại. Do đó, để ứng phó tốt, học sinh cần sẵn sàng đối diện với những thay đổi và giải quyết vấn đề gây căng thẳng.

“Cuộc sống của học sinh có nhiều yếu tố cấu thành, trong đó có những yếu tố gây căng thẳng. Những học sinh phải đối mặt với các vấn đề xã hội, tình cảm, thể chất và gia đình, những điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng học tập và thành tích học tập. Do đó, nhận thức rõ biểu hiện căng thẳng của bản thân và tìm cách ứng phó phù hợp có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm căng thẳng, tạo lập cuộc sống khỏe mạnh cả thể chất và tinh thần. Đặc biệt, đối với các kỳ thi chuyển cấp - kỳ thi có tính cạnh tranh cao và thường là yếu tố tạo áp lực, căng thẳng cho học sinh.

Nhà trường và gia đình cần thường xuyên tương tác với học sinh để giúp các em cải thiện thói quen học tập, quản lý thời gian hiệu quả, cách tự học, cách thư giãn nhằm đạt hiệu quả của kỳ thi chuyển cấp”, thầy Đỗ Văn Đoạt cho hay.

Còn theo Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD-ĐT) Bùi Văn Linh, đối với ngành giáo dục, từ cấp mầm non đến tiểu học, THCS, THPT, công tác tư vấn tâm lý học đường có một vị trí quan trọng.

Chăm sóc tốt nhất cho sức khỏe tinh thần của học sinh khi đảm bảo 100% học sinh phổ thông sẽ được tham gia các chương trình tư vấn tâm lý học đường chất lượng, hiệu quả, bài bản. Ông Linh đề xuất, các cơ sở đào tạo sư phạm cần kết nối với nhiều chuyên gia tâm lý học đường quốc tế để ngành giáo dục có thể tiếp thu kinh nghiệm hiện đại triển khai công tác này. Tuy nhiên, các chương trình phải Việt hóa cho phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Ngành giáo dục phải có một bộ tài liệu chuẩn về lĩnh vực tâm lý học đường và khi đó những chính sách được đưa ra, các chỉ đạo được đưa ra trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế sẽ tiệm cận được nhanh nhất, gần nhất với các mục tiêu đảm bảo phát triển hài hòa sức khỏe tinh thần và thể chất cho học sinh, đáp ứng phát triển năng lực, phẩm chất người học./.

Nguyễn Trang/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/cang-duoc-dau-tu-hoc-sinh-cang-ap-luc-795252.vov