Cảng CICT ứng dụng công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh

Trong hệ thống cảng khu vực miền Bắc, Cảng container quốc tế Cái Lân (CICT) là cảng nước sâu, có hạ tầng hiện đại, đồng bộ, điều kiện tốt nhất hiện nay. Những năm qua, Cảng đã đóng vai trò quan trọng trong các kế hoạch phát triển kinh tế cảng biển của Quảng Ninh. Để tiếp tục nâng cao tính cạnh tranh, thu hút nguồn hàng, Cảng CICT đã liên tục đổi mới, ứng dụng hiệu quả các giải pháp công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian cho các chủ tàu khi làm hàng tại cảng.

Cảng CICT Cái Lân. Ảnh chụp tháng 12/2019

Cảng CICT Cái Lân. Ảnh chụp tháng 12/2019

Cảng CICT hiện đang quản lý, khai thác các bến số 2, 3 và 4 của Cảng Cái Lân. Cảng nằm trong vùng vịnh kín, luồng vào cảng ít bị sa bồi, mực nước sâu trước bến -13m, được trang bị hiện đại với 4 cẩu bờ STS loại Panamax tầm với 17 hàng container; cẩu ERTG, độ rộng 7 hàng container; xe khung nâng, xe chở container trong bãi, hệ thống cẩu làm hàng rời và các dịch vụ logistics đồng bộ.

Tuy nhiên, từ khi đưa vào khai thác năm 2012, CICT chưa thực sự phát huy được hiệu quả sau đầu tư. Nguyên nhân được cho là: Thương hiệu cảng biển Quảng Ninh chưa được quảng bá rộng rãi; hạ tầng kết nối còn thiếu; dịch vụ cảng biển còn khiêm tốn, chưa đáp ứng tốt khả năng phục vụ các khách hàng lớn, đặc biệt là các hãng tàu quốc tế…

Để khắc phục những khó khăn này, Cảng CICT đã và đang trong quá trình nâng cấp trên nhiều phương diện. Ông Lê Hồng Quân, Tổng Giám đốc Cảng CICT cho biết: Công ty đã tăng cường quảng bá thương hiệu, chuẩn hóa quy trình khai thác hàng rời, ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ, áp dụng phần mềm Cổng thông tin điện tử CICT Portal kết nối với hệ thống một cửa quốc gia để triển khai các bộ thủ tục hành chính lĩnh vực hàng hải. Bên cạnh đó, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý nhà nước chuyên ngành để thực hiện ký số giấy phép điện tử cho tàu thuyền cập hoặc rời cảng. Theo đó, các tàu làm thủ tục cập hoặc rời cảng, thay vì mang giấy tờ đi từng bộ phận chức năng, nay chỉ phải triển khai tại bộ phận một cửa. Các thủ tục, giấy tờ được khai báo qua mạng ngay trong quá trình đến cảng. Căn cứ thông tin đăng ký do Cảng CICT cung cấp, cơ quan quản lý nhà nước sẽ sử dụng phần mềm để rà soát, đối chiếu, xử lý thông tin về hồ sơ, giấy tờ của tàu thuyền, thuyền viên trên hệ thống dữ liệu quốc tế. Công nghệ này còn cho phép chủ tàu, doanh nghiệp có thể kiểm tra ngay lượng hàng hóa bốc xếp còn bao nhiêu, giúp sớm giải phóng hàng hóa.

Bốc xếp hàng rời tại Cảng CICT. Ảnh chụp tháng 12/2019

Để tăng tính tiện ích, song song với việc tăng cường quảng bá, Cảng CICT đã tập trung phát triển các loại hình dịch vụ logistics như: Vận tải đường bộ, vận tải đường thủy từ Hải Phòng sang Cái Lân và ngược lại; thực hiện giảm tải cho các tàu trọng tải lớn; tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế là một trong những điểm trung chuyển của tuyến hàng hải quốc tế ACS... Năm 2019, ước tính sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt trên 3 triệu tấn hàng rời và hơn 100.000 Teu container.

Bằng sự chủ động, vận dụng linh hoạt các giải pháp trong giải quyết thủ tục cho tàu vào làm hàng, nâng cao năng lực bốc xếp, cung ứng kịp thời các dịch vụ logistics. đến nay, các thủ tục hành chính khi làm hàng tại CICT đã được đơn giản hóa, thời gian thực hiện, thời gian lưu tàu rút ngắn. Nếu trước đây, để làm thủ tục hàng hải, các tàu phải mất từ 6-8h, thì nay thời gian chỉ còn 15-30 phút/tàu; để bốc dỡ tàu hàng rời thường mất 7-10 ngày thì nay chỉ còn 2-3 ngày. Điều này, đã tạo điều kiện thuận lợi, tiện ích, tiết kiệm chi phí cho khách hàng, tăng hiệu quả khai thác tàu, phù hợp với xu thế phát triển giao thông biển quốc tế, được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao, góp phần thu hút các mối hàng, phát huy lợi thế cảng biển của Quảng Ninh.

Đồng hành với doanh nghiệp, có thể thấy, thời gian qua, tỉnh đã dành ưu tiên cho phát triển hạ tầng giao thông kết nối, có nhiều chính sách đặc thù nhằm phát triển cảng biển. Điển hình năm 2018, tỉnh đã chính thức đưa các tuyến cao tốc Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn vào khai thác, thực hiện đầu tư cao tốc Vân Đồn – Móng Cái nhằm kết nối chuỗi các khu công nghiệp, cảng biển và cửa khẩu; xây dựng Đề án phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;... Những chính sách này là đòn bẩy, sẽ tạo đột phá để cảng biển phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2020 và các năm tiếp theo.

Đỗ Phương

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201912/cang-cict-ung-dung-cong-nghe-nang-cao-suc-canh-tranh-2464318/