Càng cấm vận, Nga càng hút vốn đầu tư châu Âu

Lượng doanh nghiệp châu Âu đổ tiền đầu tư trực tiếp vào Nga tăng vọt tới 70% trong năm 2019.

Mới đây, ông Kirill Dmitriev, người đứng đầu Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) cho biết, các công ty châu Âu đã đầu tư vào nền kinh tế Nga với số lượng ngày càng tăng.

Nga thu hút vốn FDI cực lớn từ châu Âu. Ảnh minh họa: Global Look Press

Nga thu hút vốn FDI cực lớn từ châu Âu. Ảnh minh họa: Global Look Press

Các doanh nghiệp tới từ nhiều quốc gia EU đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Nga, vốn cũng đã tăng đáng kể trong năm nay.

"Đầu năm nay, tôi đã dự báo rằng đầu tư trực tiếp nước ngoài [FDI] vào Nga sẽ tăng hơn 50% [trong năm 2019-ND]. Đã nhiều câu hỏi được đặt ra về con số này. Bây giờ chúng ta thấy rằng vào cuối năm nay vốn đầu tư nước ngoài sẽ tăng khoảng 70%. Đây là mức tăng trưởng rất đáng kể" - ông Dmitriev nói với hãng tin Sputnik.

Quan chức Nga chỉ ra rằng mức tăng trưởng đầu tư như vậy chứng tỏ rằng, các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga vào năm 2014 sau hậu quả của cuộc xung đột Ukraine không có tác dụng.

"Các biện pháp trừng phạt kinh tế là một công cụ lỗi thời mâu thuẫn với logic phát triển của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, vốn toàn cầu vẫn cần cơ hội đầu tư, và dòng vốn toàn cầu là không thể dừng lại" - ông Dmitriev nêu quan điểm.

Dẫu tiếp tục thu hút nguồn đầu tư lớn từ châu Âu, ông Dmitriev cảnh báo, các lãnh đạo EU có thể sẽ tìm cách để ngăn các công ty châu Âu rót tiền vào Nga. Điều này sẽ khiến các công ty châu Âu mất đi thị trường Nga và thiệt hại nhiều tỷ USD.

Châu Âu đã tiếp tục gia hạn trừng phạt Nga thêm 6 tháng theo quyết định hồi tháng 11. Việc không ngừng trừng phạt Nga có thể khiến kinh tế châu Âu chịu thiệt hại nặng.

Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto cho biết, nước này đã chịu thiệt hại kể từ khi châu Âu công bố các lệnh trừng phạt Nga, nước này đã "mất" 8,5 tỷ USD.

Không chỉ Hungary, hồi tháng 6 vừa qua, cựu Tổng thống Croatia Stepan Mesic cho biết, trừng phạt Nga đã gây ra thiệt hại thảm khốc cho kinh tế Croatia.

"Ngay từ ngày đầu tiên, việc Croatia áp đặt các biện pháp trừng phạt hạn chế đối với Moscow gây ra thảm họa đối với nền kinh tế của chúng tôi. GDP của đất nước năm 2014 lên tới 57 tỷ USD, và năm 2015 nó đã giảm xuống còn 49 tỷ USD. Không có công ty nào trong Croatia không chịu các lệnh trừng phạt chống Nga” - cựu tổng thống Croatia nói.

Tờ Izvestia thông tin rằng, xuất khẩu Croatia sang Nga trước đây lên tới hơn 400 triệu USD, và bây giờ là khoảng 200 triệu.

Ngay cả Đức cũng từng phải "đếm thiệt hại" vì trừng phạt Nga theo từng tháng. Một nghiên cứu được công bố bởi Đảng "Sự lựa chọn cho nước Đức" hồi tháng 11/2017 cho thấy, các lệnh trừng phạt có ảnh hưởng đáng kể đối với nền kinh tế Đức và đời sống người dân nước này. Giới doanh nghiệp Đức ước tính có khoảng 42.000 người thất nghiệp, trong khi đó nhiều công ty phá sản. Đức cũng đã tính thiệt hại theo từng tháng để làm rõ tác động của lệnh trừng phạt đối với chính họ. Quả thực là con số này khá lớn.

Tháng 11/2018, các chuyên gia từ Viện Kiel về kinh tế thế giới đã ước tính mỗi tháng nền kinh tế Đức chịu lỗ 727 triệu USD, tương đương khoảng 0,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của Đức.

Pháp, Anh cũng phải nếm trải quả đắng vì trừng phạt kinh tế Nga. Cuối năm 2017, báo cáo của Viện Kinh tế Thế giới đã chỉ ra xuất khẩu của Anh sang Nga giảm 7,9%, Pháp giảm 4,1%, trong khi Mỹ chỉ giảm 0,6% thiệt hại về xuất khẩu.

Giới chuyên gia nhận định, Mỹ không chịu thiệt hại nặng từ trừng phạt Nga bởi ít có sự hợp tác, kinh doanh và cũng không khép chúng vào trừng phạt. Tuy nhiên, giới chức Mỹ lại luôn hối thúc đồng minh châu Âu trừng phạt Moscow vì đã làm sứt mẻ các mối quan hệ kinh tế của cả hai, giúp Mỹ có cơ hội nhảy vào thị trường giàu có này.

Với các nỗ lực trừng phạt Nga mới nhất, châu Âu cũng đã thể hiện quan điểm khá ổn định trong việc hiện thực hóa các mưu đồ của Washington.

Huy Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/cang-cam-van-nga-cang-hut-von-dau-tu-chau-au-3394306/