Cảng biển TPHCM lại bị 'bao vây'

Gần 20 năm trước, một trong những lý do di dời hệ thống cảng biển trên sông Sài Gòn ra khu vực Cát Lái là do cảng bị bao vây bởi các khu dân cư trong nội thành.

Khu dân cư mới gần bên cảng Cát Lái Ảnh: CAO THĂNG

Khu dân cư mới gần bên cảng Cát Lái Ảnh: CAO THĂNG

Hệ thống cảng biển muốn mở rộng để phát triển, vì thế, không thể. Còn người dân sống xung quanh khốn khổ vì tiếng ồn của xe container, xe tải, mệt mỏi với nguy cơ mất an toàn giao thông và ùn tắc giao thông. Vậy mà, hiện nay sau khi hệ thống cảng biển di dời ra Cát Lái lại tiếp tục bị khu dân cư “lan ra”, “bao vây”.

Mở cửa là thấy… cảng biển

Đường Đồng Văn Cống, quận 2 - tuyến đường kết nối trực tiếp với Tân Cảng Cát Lái, một buổi trưa cuối tháng 3-2018, chật cứng xe container và xe tải. Trò chuyện với chúng tôi, một người dân sinh sống gần đó cho biết, đấy là chuyện thường ngày. Cũng phải thôi, bởi theo thống kê của Sở Giao thông - Vận tải TPHCM, trung bình mỗi ngày có gần 20.000 lượt xe tải, xe container vận chuyển hàng hóa ra vào Tân Cảng Cát Lái. Tân Cảng Cát Lái là khu cảng container lớn nhất Việt Nam với khoảng 50% lượng container trong cả nước được thông quan ở đây.

Chỉ về hướng cầu vượt nút giao thông Mỹ Thủy (điểm giao giữa các đường vào Tân Cảng Cát Lái - nút thắt lớn về giao thông của khu vực trong thời gian qua) trị giá 837 tỷ đồng (giai đoạn 1) vừa được Sở Giao thông Vận tải TPHCM thông xe, chúng tôi hỏi tiếp, có cầu vượt, chắc tình hình giao thông được cải thiện? “Có. Nhưng không biết được bao lâu vì đang có thêm rất nhiều khu dân cư mới mọc lên gần đây”. Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi đi qua cầu Mỹ Thủy khoảng 1km, nằm gần như “sát vách” với Tân Cảng Cát Lái là khu dân cư mới Citihome với nhiều bloc nhà cao tầng, nhà phố… đang hình thành. Giá bán nhà, căn hộ ở đây không hề rẻ, khoảng 20 triệu đồng/m2. Hiện ở vài khu vực đã xây xong nhà và có người dân vào ở.

Cách đó không xa, Tân Cảng Phú Hữu, cảng container quốc tế SP-ITC, Nhà máy Xi măng Hà Tiên (quận 9) cũng rơi vào tình huống tương tự. Đối diện (chỉ cách một con đường) của cảng container quốc tế SP-ITC là một khu dự án Dragon Village. Dự án mới trong giai đoạn san lấp mặt bằng và làm đường (nội bộ) nhưng theo quảng cáo trên các báo, dự án có 605 căn nhà bao gồm cả biệt thự và nhà phố. Gần đó là khu dân cư mới. Nhiều công trình trong khu dân cư này đã hoàn thành. Chưa hết, còn có nhiều khu dân cư mới do người dân tự xây. Trao đổi với chúng tôi, nhiều người ở đây cho biết “mở cửa là thấy rõ hoạt động của các cảng”.

Đáng nói, hầu hết hệ thống giao thông kết nối tới khu cảng này, rất nhỏ. Trong đó, đường Nguyễn Duy Trinh - tuyến đường huyết mạch, kết nối thẳng vào Tân Cảng Phú Hữu và Cảng container SP-ITC chỉ có 2 làn xe xuôi ngược. Ở nhiều đoạn, cứ mỗi lần có 2 xe container tránh nhau là tuyến đường như bị thắt nút lại; các phương tiện giao thông khác phải dạt sát vào lề đường. Nhiều người dân trong khu vực cho biết, họ rất bất an trước tình hình giao thông như vậy.

Lỗ hổng pháp lý và hậu quả không hề nhỏ

Trong các trang web giới thiệu dự án với khách hàng, các chủ đầu tư đều dùng “những lời có cánh” để giới thiệu về dự án. Nào là nằm gần sông (tất nhiên gần cảng thì phải gần sông), chỉ cách đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây vài chục phút đi xe…

Chẳng có trang web nào nói rõ, dự án nằm gần một trong những tuyến đường đông đúc xe container và nguy hiểm nhất TPHCM. Quá tải về giao thông còn làm cho không khí trong khu vực bị ô nhiễm khói bụi nặng nề… Theo ông Hoàng Minh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch TPHCM nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, Luật Quy hoạch và một số văn bản pháp luật liên quan mới quy định khá chung chung về việc sắp xếp, bố trí các khu công nghiệp, khu chế xuất…với các khu dân cư. Tùy tính chất của các khu công nghiệp, khu chế xuất… khoảng cách tối thiểu tính từ hàng rào khu công nghiệp, khu chế xuất tới nhà dân phải đảm bảo 50m.

Nhà dân sát bên cảng Cát Lái Ảnh: CAO THĂNG

Như vậy, căn cứ vào các quy định này, việc xây dựng các khu dân cư sát cảng biển, không sai. Thế nhưng, dù không sai, chúng cũng đang để lại những hậu quả vô cùng lớn cho người dân TPHCM và hệ thống cảng biển ở đây. Khu vực cảng Cát Lái là một trong những khu vực được đánh giá là “điểm đen” lớn về giao thông ở TPHCM cả về số vụ tai nạn giao thông và số lần ùn tắc giao thông. TPHCM đã chi hàng trăm ngàn tỷ đồng để mở rộng đường, xây cầu vượt nhằm cải thiện tình trạng tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông nhưng vừa giải quyết được bất cập này, bất cập khác xuất hiện.

Với việc mở rộng Liên tỉnh lộ 25B và xây cầu vượt nút giao Mỹ Thủy… giao thông cho khu vực Tân Cảng Cát Lái vừa tạm được thông thoáng thì yêu cầu phải mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh lại cấp bách hơn bao giờ hết. Theo ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM, lãnh đạo thành phố đã đích thân đi thị sát tuyến đường này và chỉ đạo làm ngay dự án. Thế nhưng với tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng, không dễ có thể thực hiện sớm dự án. Hiện Sở Giao thông - Vận tải TPHCM đã chuẩn bị sẵn thiết kế và Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM đã đưa dự án này vào danh mục cần kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công tư) gấp. Cũng phải nói thêm, kinh phí 1.000 tỷ đồng trong đó 600 tỷ đồng phục vụ giải tỏa, chỉ đủ để mở rộng khoảng 1,5km đường Nguyễn Duy Trinh đoạn từ đường Vành đai 2 tới cảng container quốc tế SP-ITC và Tân Cảng Phú Hữu.

Còn đối với hệ thống cảng biển, quá khứ đang lập lại, bị “bao vây” bởi các khu dân cư, hoạt động giao nhận hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn. Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM - đơn vị có nhiều hợp đồng vận chuyển hàng hóa lớn cho Tân Cảng Cát Lái, Tân Cảng Phú Hữu, cảng container quốc tế SP-ITC... cho biết, việc ùn tắc giao thông không những làm chi phí vận tải tăng mà còn làm cho hiệu suất hoạt động của đội xe giảm mạnh. Nếu như ngày trước, các xe có thể “xoay vòng” 2 chuyến/ngày thì nay chỉ 1 chuyến/ngày. Thậm chí, gặp ùn tắc giao thông kéo dài, nhiều đơn vị vận tải phải mất hơn 1 ngày mới chở được 1 chuyến hàng, tốn thêm thời gian và nhiên liệu, làm cho giá cả hàng hóa tăng. Hiện chi phí logistics của Việt Nam đã cao hơn khoảng 20% so với nhiều nước trong khu vực.

NGUYỄN KHOA

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/cang-bien-tphcm-lai-bi-bao-vay-509069.html