Cảng biển 257 tỷ hoang vắng: Có sai nguyên lý?

Chuyên gia cho rằng cảng Bến Đình xây dựng sai nguyên lý, cần được đối thoại để sửa đổi.

Sau một năm hoàn thành, cảng Bến Đình ở huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) vẫn hoang vắng, đìu hiu. Sau hai trận bão lớn vào cuối năm 2020, cảng xuất hiện các vết nứt kéo dài, nhiều mảng gạch lót bị bong tróc.

Nhà ga của cảng cũng bị sóng cuốn lớp thảm nhựa, trần la phông bị lột, nhiều tấm cửa kính bị vỡ. Nhà thầu đang huy động nhân lực, phương tiện để khắc phục các hạng mục hư hỏng của công trình này.

Chia sẻ trước sự việc này, KS Doãn Mạnh Dũng cho rằng những người xây dựng cảng đã không hiểu nên xây dựng cảng Bến Đình hoàn toàn sai nguyên lý.

Ở Quảng Ngãi ta nên ưu tiên và khôi phục cảng Sa Huỳnh, Đức Phổ. Việc xây cảng ngoài đảo là hoàn toàn cần thiết vì bờ biển miền Trung rất khắc nghiệt. Khi sóng to gió lớn tàu thuyền không vào đất liền được, đất liền không ra biển được nên cần chỗ trú.

Việc xây cảng ở Lý Sơn là hoàn toàn đúng nhưng làm thì nên đối thoại, lắng nghe ý kiến của những chuyên gia. Theo nguyên lý, những nguyên tắc của tự nhiên là không thể chống lại được nên phải lựa theo tự nhiên để sống, đó là nguyên tắc cơ bản.

Theo KS Doãn Mạnh Dũng, miền trung biến đổi theo thời tiết nên nếu xây dựng đê chắn sóng thì góc độ của đê cũng sẽ khác nhau.

"Cái chưa chuẩn ở đây chính là từ chủ trương 3 lợi ích. Phải xác định rõ rằng chúng ta chỉ có lợi ích dân tộc chứ không có lợi ích từ ai khác, còn mọi người khác phải làm việc, trao đổi lao động để kiếm sống chứ không phải 3 lợi ích.

Để tránh trường hợp xây dựng sai thì những người đứng đầu nên lắng nghe giới trí thức. Phải chọn lựa người nào đủ tầm để lắng nghe, nghe họ giải thích nên làm thế nào" -KS Doãn Mạnh Dũng nhấn mạnh.

Toàn cảnh cảng Bến Đình, huyện đảo Lý Sơn.

Toàn cảnh cảng Bến Đình, huyện đảo Lý Sơn.

KS Doãn Mạnh Dũng cũng bày tỏ quan điểm nếu được mời sẽ sẵn sàng đến đối thoại về cảng Bến Đình, giúp sửa sai và thay đổi nhận thức của nhiều người.

Trước đó, trả lời báo chí về việc cảng Bến Đình xảy ra hiện tượng trên, ông Đỗ Vũ Bảo, Phó giám đốc Ban quản lý công trình đầu tư giao thông tỉnh Quảng Ngãi (đại diện chủ đầu tư dự án), cho hay cảng Bến Đình là công trình ở đầu sóng, ngọn gió nên thường xuyên chịu tác động của thiên tai. Tuy nhiên, sóng biển chỉ cuốn đi lớp thảm nhựa bảo vệ bề mặt, còn công trình vẫn đảm bảo an toàn theo thiết kế.

"Cầu cảng bị nứt toác kéo dài là do sóng lớn làm mất tấm cao su ở các khe co giãn nên mới trống hoác như vậy. Công trình chưa được bàn giao nên các hạng mục hư hỏng, nhà thầu có trách nhiệm xử lý dứt điểm trong tháng 3", Phó giám đốc Ban quản lý công trình đầu tư giao thông tỉnh Quảng Ngãi giải thích.

Còn ông Đặng Tấn Thành, Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho rằng, cầu cảng được thiết kế theo chữ L, ở vị trí thường xuyên hứng chịu sóng lớn nên mỗi khi thời tiết gió cấp 5, cấp 6 thì tàu thuyền không thể vào neo đậu được.

Ở góc nhìn chuyên môn, ông Lê Kế Lâm, Phó chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Biển Việt Nam, cho biết về nguyên tắc, khi xây dựng cảng biển phải tuân thủ theo quy luật tự nhiên. Cảng biển xây dựng ở khu vực bãi ngang, gò cạn san hô cảng Bến Đình là bất hợp lý. Khi gò san hô càng bị khoét sâu, dao động sóng đẩy vào bờ càng lớn, gây phá hỏng công trình

Phó chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Biển Việt Nam cho rằng cần làm kè chắn sóng, gió ở bên ngoài để tiêu sóng. Có như vậy, tàu thuyền mới có thể ra vào cảng Bến Đình an toàn.

Thu Minh

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/cang-bien-257-ty-hoang-vang-co-sai-nguyen-ly-3429530/