Cảng Beirut - 'gót chân Achilles' của Lebanon

Nền kinh tế của Lebanon, vốn đã chìm nghỉm trước khi vụ nổ đánh sập cảng Beirut xảy ra, giờ đây có thể suy giảm gấp đôi so với mức dự báo trong năm nay, khiến việc đảm bảo nguồn tài chính càng trở nên khó khăn hơn.

Các nhà kinh tế cho biết vụ nổ hôm thứ Ba có thể khiến GDP của Lebanon tụt giảm khoảng 20-25% trong năm nay, vượt xa dự báo mức 12% mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra vào đầu năm nay.

Các quan chức Lebanon ước tính thiệt hại do vụ nổ, khiến 150 người thiệt mạng, hàng chục nghìn người bị thương và mất nhà cửa, có thể lên tới 15 tỷ USD.

Vào tháng 5, cuộc khủng hoảng tài chính đã khiến Lebanon phải đàm phán với IMF sau khi nước này lâm vào cảnh vỡ nợ, nhưng các cuộc đàm phán đó đã bị đình trệ do không có cải cách nào được đưa ra.

Các nhà phân tích cho rằng vụ nổ đã cho thấy sự yếu kém của chính phủ Lebanon và gây thêm áp lực lên chính quyền Beirut trong việc tăng tốc cải cách nhằm tiếp cận viện trợ nước ngoài để tái thiết nền kinh tế.

Mặc dù đã có một làn sóng hỗ trợ dành cho đất nước Trung Đông trong tuần này, nhưng cho đến nay ngoài viện trợ nhân đạo khẩn cấp, chưa có quốc gia nào cam kết hỗ trợ tài chính cho Lebanon.

“Nếu cải cách không được thực hiện, Lebanon sẽ tiếp tục chìm nghỉm”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết hôm thứ Năm sau khi thị sát hiện trường vụ nổ tại Beirut.

“Rất ít khả năng Lebanon có thể tiếp cận được một nguồn tài chính cần thiết để khắc phục các vấn đề kinh tế cơ bản của mình. Một số đối tác Vùng Vịnh có thể không muốn hỗ trợ nước này do sức ảnh hưởng của phiến quân Hezbollah, vốn được Iran hậu thuẫn, trong chính phủ Lebanon", ông Jason Tuvey - chuyên gia của viện nghiên cứu Capital Economics, cho biết.

Cuộc khủng hoảng tài chính của Lebanon xảy ra vào tháng 10 năm ngoái khi dòng vốn chảy vào chậm lại do năng lực quản lý yếu kém của chính phủ, với tình trạng khó khăn về thanh khoản khiến các ngân hàng áp đặt các biện pháp hạn chế chặt chẽ đối với việc rút tiền và chuyển tiền ra nước ngoài.

Vụ nổ hôm thứ Ba đã gây áp lực mới lên đồng bảng Lebanon, hiện được giao dịch ở mức khoảng 8.300 bảng/USD trên thị trường chợ đen sau vụ nổ, so với mức 8.000 bảng/USD trước đó.

Các nhà kinh tế dự đoán sức mua của đồng bảng Lebanon bị suy giảm nhiều hơn, vốn đã mất gần 80% giá trị kể từ tháng 10 do tình trạng lạm phát tăng vọt lên tới 56%, làm gia tăng căng thẳng xã hội.

Các nhà kinh tế cho biết những cải cách cấp bách nhất cần được thực hiện để tái khởi động các cuộc đàm phán với IMF bao gồm giải quyết tình trạng thất thu ngân sách, nợ nần chồng chất và nạn tham nhũng hoành hành trong bộ máy công quyền.

Patrick Curran, nhà kinh tế cấp cao tại công ty nghiên cứu tài chính Tellimer, cho biết rằng vụ nổ có thể làm trì hoãn quá trình cải cách vì chính phủ Lebanon đang phải phân bổ lại các khoản ngân sách để tái thiết thủ đô và khắc phục hậu quả vụ nổ.

Cảng Beirut là một trong những cảng lớn nhất ở phía đông Địa Trung Hải và là nơi hơn 40% lượng hàng trung chuyển đến Syria hay Trung Đông. Vụ nổ đã khiến các tàu hàng phải tìm tới các cảng khác tại Lebanon hoặc các nước khác, khiến cảng Beirut rơi vào cảnh mất doanh thu.

Jawad Anani, một nhà tư vấn kinh tế và cựu Bộ trưởng Jordan, cho biết: “Cảng Beirut hóa ra là điểm yếu của Lebanon. Có quá nhiều sự phụ thuộc vào nó, vì vậy khi vụ nổ xảy ra, nó trở thành gót chân Achilles của Lebanon".

Bắc Hiệp

Theo Reuters

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/the-gioi/cang-beirut-got-chan-achilles-cua-lebanon-178254.html