Canada và Mỹ cam kết hỗ trợ các ngân hàng trung ương đối phó với lạm phát

Nền kinh tế Canada và Mỹ có rơi vào suy thoái hay không sẽ phụ thuộc phần lớn vào những diễn biến liên quan tới lạm phát.

Khách hàng mua sắm tại một siêu thị ở Ontario, Canada. Ảnh: THX/TTXVN

Khách hàng mua sắm tại một siêu thị ở Ontario, Canada. Ảnh: THX/TTXVN

Trong cuộc gặp ngày 20/6 giữa Bộ trưởng Tài chính Canada Chrystia Freeland và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, hai quan chức cam kết hỗ trợ các ngân hàng trung ương giải quyết lạm phát bằng cách cắt giảm chi tiêu ngân sách.

Giá tiêu dùng ở Canada và Mỹ đã tăng với tốc độ mạnh nhất trong nhiều thập kỷ - nhân tố đang "ăn mòn" tiền lương và buộc cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng trung ương Canada (BoC) phải nhanh chóng tăng lãi suất trong nỗ lực hạ nhiệt nhu cầu của nền kinh tế.

Các chuyên gia phân tích và giới đầu tư ngày càng lo sợ rằng các ngân hàng trung ương sẽ hành động quá quyết liệt và đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái. Chi phí đi vay cao hơn đã hạn chế chi tiêu của người tiêu dùng, giảm đầu tư kinh doanh và đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên cao. Tác động của việc tăng lãi suất đã xuất hiện trên thị trường nhà đất Canada, nơi cả số lượng bán nhà và giá nhà đều bắt đầu giảm.

Bà Yellen cho biết việc giải quyết lạm phát chủ yếu là trách nhiệm của ngân hàng trung ương, nhưng bà và Tổng thống Mỹ Joe Biden đang xem xét một loạt lựa chọn chính sách có thể hỗ trợ nỗ lực đó, bao gồm giảm thâm hụt ngân sách, tăng một số loại thuế, trong khi cũng cân nhắc giảm thuế xăng.

Tỉnh Alberta (Canada) đã thúc giục chính quyền Tổng thống Biden giải quyết tình trạng giá dầu cao bằng cách đảo ngược quyết định hủy bỏ đường ống dẫn dầu Keystone XL, mà lẽ ra sẽ đưa dầu thô của Canada đến các nhà máy lọc dầu của Mỹ. Tuy nhiên, bà Yellen cho biết bà không xem đây là một giải pháp cho tình trạng giá cao hiện nay.

Hai quan chức tài chính đều lên tiếng kêu gọi các quốc gia có cùng chí hướng làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại như một phần của nỗ lực toàn cầu nhằm giảm sự phụ thuộc kinh tế vào hàng hóa từ Trung Quốc và Nga. Và đó cũng là một cơ hội kinh tế tuyệt vời cho quốc gia giàu tài nguyên như Canada.

Trong bài phát biểu của mình, bà Yellen nhắc lại quan điểm không đồng tình với các "liều thuốc" hỗ trợ tăng trưởng như giảm thuế đối với doanh nghiệp và bãi bỏ quy định. “Tôi coi đó là một chiến lược thất bại,” bà Yellen nói.

Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ, đã đến lúc các tập đoàn phải đóng thuế nhiều hơn và các chính phủ cần hỗ trợ nền kinh tế thông qua các chương trình xã hội và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Bà bày tỏ hy vọng rằng Quốc hội Mỹ sẽ thông qua một thỏa thuận quốc tế thiết lập mức thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu mới.

Nền kinh tế Canada và Mỹ có rơi vào suy thoái hay không sẽ phụ thuộc phần lớn vào những diễn biến liên quan tới lạm phát. Tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết ông vẫn tin rằng một cuộc "hạ cánh mềm” có thể xảy ra: đó là tình huống lạm phát giảm xuống mà tỷ lệ thất nghiệp không tăng mạnh.

Tuy nhiên, ông cho biết các tác nhân bên ngoài như cuộc xung đột ở Ukraine và giá dầu cao đang khiến kịch bản "hạ cánh mềm" trở nên khó khăn hơn./.

Hương Giang (P/v TTXVN tại Ottawa)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/canada-va-my-cam-ket-ho-tro-cac-ngan-hang-trung-uong-doi-pho-voi-lam-phat/248351.html