Canada: Thách thức của chính sách nhập cư kinh tế

Sau khi Chính phủ Canada công bố kế hoạch nâng mức tiếp nhận người nhập cư lên 350.000 người vào năm 2021, nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ Michelle Rempel đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ kế hoạch này.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Ảnh: EPA/TTXVN

Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Ảnh: EPA/TTXVN

Trong khi đó, Bộ trưởng phụ trách vấn đề nhập cư, tị nạn và quyền công dân Ahmed Hussen đánh giá nhập cư kinh tế là chương trình vô cùng cần thiết đối với nhiều khu vực của Canada vốn đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động và xu hướng già hóa trong bộ phận dân bản xứ.

Người nhập cư kinh tế là những cá nhân tới Canada để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn nhằm nâng cao điều kiện sống.

Bà Michelle Rempel dẫn kết quả điều tra của công ty nghiên cứu Angus Reid được thực hiện từ tháng 8/2018 cho thấy 49% người Canada mong muốn nước này giảm lượng người nhập cư, tăng đáng kể so với mức 36% của 4 năm trước đây.

Theo bà Rempel, nguyên nhân dẫn tới hiện tượng trên là do cách thức đảng Tự do xử lý dòng người qua biên giới (với Mỹ) và xin tị nạn tại Canada.

Bà cũng chỉ trích chương trình lao động nước ngoài tạm thời (TFW) của Chính phủ. Theo đó, chương trình TFW đã bị “lạm dụng” nhiều, làm giảm mức lương cũng như điều kiện làm việc tại Canada, đồng thời khiến một lượng việc làm tuột khỏi tầm tay của người dân Canada.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Ahmed Hussen đánh giá kế hoạch nhập cư này giúp Canada duy trì sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, thể hiện mình là một quốc gia chào đón người nhập cư và tiếp tục là nước đi đầu trong việc thu hút lao động có kỹ năng.

Phần lớn lượng người được nhập cư vào Canada năm 2021 sẽ thuộc các chương trình nhập cư vì mục đích kinh tế - những chương trình được thiết lập để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động có kỹ năng và bù đắp những khoảng trống trên thị trường lao động.

Ông Hussen cho rằng đây là một kế hoạch “có trách nhiệm và đầy tham vọng” nhằm đưa vào đất nước “những lao động có kỹ năng cao” - những người có thể phát triển kinh tế Canada và tạo lượng việc làm có chất lượng cho tầng lớp trung lưu.

John Shields, Giáo sư về chính trị học tại Đại học Ryerson, cho biết những người theo dạng nhập cư kinh tế này được vào Canada trên cơ sở học vấn, kỹ năng và kinh nghiệm làm việc, và được đánh giá là năng động khi tìm việc làm.

Theo báo cáo năm 2018 về tình hình nhập cư được trình lên Quốc hội Canada, gần một nửa số người nhập cư trong độ tuổi 25-64 có bằng cử nhân hoặc cao hơn, trong khi ở bộ phận người dân sinh ra tại Canada trong cùng độ tuổi, con số này chưa được 25%.

Trong năm 2017, top 5 việc làm thu hút nhiều ứng viên nộp đơn nhất là tư vấn và phân tích hệ thống thông tin, kỹ sư phần mềm, lập trình máy tính và phát triển truyền thông tương tác, kế toán và kiểm toán tài chính, và trợ lý hành chính.

Giáo sư Shields cho rằng các thành phố lớn như Toronto, Vancouver hay Montreal dù vẫn được người nhập cư ưa chuộng, nhưng các khu vực khác cũng bắt đầu lọt vào “tầm ngắm” của người nhập cư, trong đó có Calgary và Edmonton. Cụ thể, năm 2017, có 34% lượng người nhập cư vì mục đích kinh tế không “dừng chân” tại các thành phố lớn, trong khi con số này năm 1997 chỉ là 10%.

Theo Giáo sư Shields, nhiều cộng đồng nhỏ hơn trên toàn Canada đang nỗ lực thu hút những người nhập cư mới, trong bối cảnh chính phủ nước này không áp đặt về địa điểm định cư dài hạn đối với những người mới đặt chân đến Canada.

Theo các chuyên gia phân tích, một trong những lý do chính khiến những cộng đồng này dốc sức thu hút người nhập cư đó là xu hướng già hóa dân số tại đây. Báo cáo về tình hình nhập cư nhấn mạnh những “lỗ hổng” trong lực lượng lao động của Canada có nguy cơ trầm trọng hơn khi những lao động lớn tuổi sẽ nghỉ hưu. Và những người nhập cư có thể lấp đầy khoảng trống này.

Một số ngành nghề có thể được hưởng lợi từ lao động nhập cư như chăm sóc y tế, khoa học, giao thông vận tải, giao dịch thương mại… Một số tỉnh cũng có những nhu cầu đặc thù cần tới lực lượng lao động nhập cư và Chính phủ liên bang đã tạo điều kiện cho những tỉnh này thu hút nhân lực thông qua Chương trình đề cử tỉnh bang (chương trình định cư của từng bang/vùng lãnh thổ, giúp gắn liền hệ thống nhập cư với các nhu cầu của thị trường lao động).

Theo báo cáo liên bang, sự phát triển của các chương trình này trong 20 năm qua, đi đôi với chương trình Thí điểm nhập cư Atlantic (chương trình được áp dụng tại New Brunswick, Newfoundland and Labrador, Nova Scotia và Prince Edward Island) được công bố năm 2017, đã giúp dịch chuyển hoạt động nhập cư ra ngoài các thành phố lớn.

Theo Giáo sư Shields, về mặt kinh tế, Canada có thể hỗ trợ 450.000 người nhập cư một năm. Tuy nhiên, đảng Tự do của Thủ tướng Justin Trudeau vẫn tỏ ra thận trọng vì “nhập cư là một chủ đề rất nhạy cảm”./.

TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/canada-thach-thuc-cua-chinh-sach-nhap-cu-kinh-te/102090.html