Canada sẽ trở thành cường quốc thương mại hàng đầu thế giới nhờ… biến đổi khí hậu

Tuyến đường vận tải bắc Canada có thể thay thế kênh đào Panama trở thành kênh huyết mạch của thương mại thế giới.

Ngày nay, thương mại đóng vai trò vô cùng quan trọng với bất kỳ nền kinh tế nào. Từ thị trường lớn nhất thế giới là Trung Quốc cho đến nền kinh tế số 1 toàn cầu là Mỹ cũng phụ thuộc rất lớn vào thương mại để phát triển kinh tế.

Thế nhưng, hầu như chẳng mấy ai quan tâm đến các tuyến đường thương mại khi chính những người nắm giữ nó sẽ có ưu thế tuyệt đối trong việc ảnh hưởng đến kinh tế của một quốc gia. Trong nhiều năm qua, kênh đào Panama đã thống trị tuyến đường thương mại nối Trung Quốc-Mỹ-bờ Tây Châu Âu.

Tuy nhiên gần đây, một thế lực mới là Canada đã trỗi dậy khi họ xây dựng được tuyến đường thương mại mới tiết kiệm, hiệu quả hơn nhờ…biến đổi khí hậu.

Sự thống trị của Panama

Trước khi hiểu tại sao Canada đang dần trở thành cường quốc thương mại hàng đầu thế giới, chúng ta cần phân tích tầm quan trọng của kênh đào Panama, vốn là kẻ thống trị tuyến đường thương mại quan trọng nhất toàn cầu trong hàng chục năm qua.

Hãy tưởng tượng bạn muốn xuất khẩu một lô hàng từ nhà máy tại Thượng Hải-Trung Quốc đến New York nằm tại bờ Đông nước Mỹ. Nếu chỉ đơn giản là vận bằng đường hàng không bay trong 15 tiếng đồng hồ thì chẳng có gì đáng nói ngoài việc chi phí quá đắt. Thông thường, vận tải bằng đường hàng không đắt gấp 5-15 lần so với phương thức vận chuyển bằng đường biển, vốn được sử dụng nhiều nhất ngày nay.

Tiếp đó, nếu vận chuyển bằng đường biển từ Thượng Hải đến bờ Tây Mỹ rồi chở chúng bằng đường bộ chạy ngang nước Mỹ (gần 15,000km) đến New York, chi phí vận chuyển cũng quá cao. Vậy là các hãng vận tải thường phải chở hàng đến 30.000km từ Thượng Hải, vòng qua Châu Mỹ Latinh rồi đi ngược lên New York.

Tuyến đường vận tải này đã tồn tại hơn 100 năm, nhất là khi những công ty của đế quốc Anh hay Tây Âu muốn vận chuyển hàng hóa đến bờ Tây Mỹ.

Mọi chuyện chỉ thay đổi khi đầu thập niên 1900, Mỹ mua lại 82km vùng đất ở Panama nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, qua đó thực hiện dự án kênh đào Panama cho mục đích thương mại lẫn quân sự. Chính quyền Washington đã bỏ ra khoảng 40 triệu USD thời kỳ đó, tương đương 916 triệu USD theo tỷ giá hiện nay.

Cuối cùng vào ngày 15/8/1914, kênh đào Panama đã khai thông và giờ những chuyến tàu hàng từ Thượng Hải đến New York chỉ phải di chuyển 21.000 km. Việc hình thành kênh đào Panama đã thay đổi hoàn toàn nền thương mại quốc tế.

Năm 2019, khoảng 1 triệu tàu hàng đã chạy qua kênh đào Panama, tương đương với hàng nghìn tỷ USD hàng hóa được vận chuyển qua tuyến đường này để duy trì chuỗi cung ứng cũng như đảm bảo xuất nhập khẩu cho nhiều nền kinh tế. Có thể nói sự bùng nổ của hàng loạt nền kinh tế mới nổi tại Châu Á, bao gồm Trung Quốc phải kể công rất lớn từ tuyến đường này.

Ngoài ra, kênh đào Panama cũng là nguồn lợi lớn khi thu về 2,6 tỷ USD tiền phí trong năm 2019.

Tuy nhiên không phải tàu hàng nào cũng được phép chạy qua kênh đào này. Do thiết kế nên chỉ những tàu hàng không vượt quá 366m chiều dài và 52m chiều rộng mới có thể chạy qua, bởi vậy gián tiếp hạn chế việc chuyên chở hàng hóa. Đây cũng là lý do phần lớn tàu chở hàng ngày nay được thiết kế để có thể chạy qua được kênh đào.

Một yếu tố nữa làm thay đổi thương mại thế giới là việc Mỹ hoàn toàn kiểm soát kênh đào Panama, qua đó nắm trong tay tuyến đường huyết mạch nối giữa 2 vùng biển Thái Bình Dương-Đại Tây Dương. Xin được nhắc lại rằng kênh đào Panama có thể tiết kiệm hàng chục nghìn km đường vận tải cho các chuyến hàng, qua đó giảm chi phí và tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của nhiều nước.

Đến năm 1999, Mỹ trao trả lại kênh đào Panama cho chính phủ địa phương nhưng với điều kiện quốc gia này không được chặn hay có sự thiên vị với bất kỳ tàu chở hàng nào. Dẫu vậy, ảnh hưởng của Mỹ lên khu vực này còn rất mạnh và cường quốc số 1 thế giới hoàn toàn có thể tác động lên tuyến đường huyết mạch của thương mại toàn cầu nếu muốn.

Thế nhưng gần đây, một tuyến đường thương mại mới đã được Canada khai phá. Điều quan trọng là Canada không phải quốc gia dễ bắt nạt và hoàn toàn có chủ kiến của riêng mình. Tuyến đường mới của họ cũng rộng hơn, ngắn hơn và hiệu quả hơn nhiều so với kênh đào Panama, qua đó có thể chấm dứt sự thống trị của Mỹ trong thương mại toàn cầu.

Trỗi dậy nhờ biến đổi khí hậu

Trong khoảng thế kỷ 16-19, nhiều hãng vận tải Châu Âu đã cố tìm kiếm các tuyến đường thương mại đến bờ Tây nước Mỹ. Họ dự đoán rằng còn một tuyến đường khác ngoài việc phải vòng qua Châu Mỹ Latinh, đó là đi lên vùng phía bắc Canada. Dẫu vậy, thời tiết giá lạnh khiến tuyến đường phía Bắc này bị chặn bởi những lớp băng khổng lồ.

Cho đến tận năm 1800 khi cuộc đại cách mạng công nghiệp diễn ra, trái đất bắt đầu ấm dần lên làm tan băng, qua đó khiến các tàu có cơ hội băng qua đường biển phía bắc này. Trong khoảng 1806-1906, nhiệt độ trái đất bình quân tăng khoảng 0,7 độ C. Tại một số vùng phía Bắc của Canada, có nơi nhiệt độ tăng đến 1,3 độ C.

Điều này đã giúp chuyến thám hiểm băng qua tuyến đường bắc Canada của nhà thám hiểm Roald Amundsen thành công, trở thành nhóm thủy thủ đầu tiên từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương mà không qua kênh đào Panama hay vùng Châu Mỹ Latinh.

Trong suốt những năm sau đó, sự bùng nổ dân số, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu tiếp tục làm trái đất ấm lên, khiến tuyến đường phía bắc Canada ngày càng thuận lợi cho các tàu chở hàng. Trong khoảng 1906-1944, nhiệt độ bình quân tại Canada tăng 0,5 độ C đã khiến nhiều tàu chở hàng có khả năng tiến gần đến tuyến đường bắc Canada hơn.

Năm 1969, tàu chở hàng đầu tiên của Northwest Passage đã vượt qua được vùng biển phía bắc Canada nhờ sự hộ tống của một tàu phá băng.

Đến năm 2008, việc nhiệt độ tăng 0,7 độ C đã giúp các tàu chở hàng của Northwest Passage băng qua tuyến đường bắc Canada mà không cần tàu phá băng. Bước sang thập niên 2010, tuyến đường này còn lại rất ít băng tan giúp đủ mọi loại tàu từ cỡ trung cho đến du thuyền có thể băng qua.

Tháng 9/2013, chiếc tàu MS Nordic Orion có chuyến chở hàng lịch sử qua tuyến đường bắc Canada, mang theo 73.500 tấn than từ Vancoucer đến Phần Lan. Điều đáng nói là chiếc tàu này quá lớn và chở quá nặng để có thể qua được vùng nước nông của kênh đào Panama. Việc sử dụng tuyến đường bắc Canada đã giúp Orion tiết kiệm được 2.000 km đường biển, 80.000 USD tiền xăng dầu và 100.000 USD tiền phí nếu phải chạy qua Panama.

Một sự thật thú vị nữa là việc biến đổi khí hậu lại tạo nên một con đường ngắn, hiệu quả, tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường hơn so với kênh đào Panama.

Trong năm 2019, khoảng 40 con tàu chở hàng, nghiên cứu cùng nhiều loại tàu khác đã chạy qua tuyến đường bắc Canada. Một số tàu chở hàng là từ Châu Âu đến Trung Quốc, giúp họ tiết kiệm được tới 2 tuần chờ đợi và 40% nguyên liệu.

Việc băng tiếp tục tan làm tuyến đường bắc Canada trở nên ngày càng hấp dẫn hơn. Một nghiên cứu năm 2013 ước tính tuyến đường thương mại này hoàn toàn có thể vượt kênh đào Panama trong khoảng 2040-2060. Theo lý thuyết, việc cắt giảm thời gian vận chuyển cũng như không giới hạn độ lớn của tàu sẽ khiến tuyến đường bắc Canada trở thành huyết mạch của thương mại toàn cầu.

Nếu điều này trở thành sự thật, Canada sẽ thống trị tuyến đường thương mại quan trọng nhất thế giới, có quyền lựa chọn ai có thể đi qua và lệ phí là bao nhiêu.

Bên cạnh đó, các nghiên cứu cho thấy khoảng 30% dự trữ dầu mỏ thế giới nằm ở vùng biển Artic và việc tan băng khiến Canada dễ tiếp cận các vùng mỏ khai thác hơn. Nhiều khả năng trong tương lai, Canada sẽ trở thành nước xuất khẩu dầu mỏ lớn tương đương với những cường quốc dầu mỏ như Saudi Arabia, Mỹ hay Nga hiện nay.

Mặc dù một số nước như Nga cũng có những tuyến đường biển mới nhờ băng tan nhưng Canada lại chiếm ưu thế hơn hẳn nhờ có tuyến đường nối liền các nền kinh tế lớn như Châu Âu, Mỹ, Trung Quốc.

Hiện Canada vẫn chưa phát triển đủ cơ sở hạ tầng cho tuyến đường mới nhưng trong tương lai không xa, quốc gia này có thể sẽ trở thành cường quốc thương mại khi nắm tuyến đường huyết mạch vận tải hàng hóa giữa 2 bờ biển Thái Bình Dương-Đại Tây Dương.

AB

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/canada-se-tro-thanh-cuong-quoc-thuong-mai-hang-dau-the-gioi-nho-bien-doi-khi-hau-52020109145746617.htm