Canada quay cuồng trong vụ bê bối SNC-Lavalin

Uy tín của Thủ tướng Justin Trudeau đã bị ảnh hưởng nặng nề khi thành viên thứ hai trong Nội các Canada từ chức với lý do 'mất niềm tin vào chính phủ' trong vụ bê bối SNC-Lavalin.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Ảnh: AFP/TTXVN

Sự ra đi của Chủ tịch Ủy ban Ngân khố Jane Philpott đã khiến Nội các của Thủ tướng Trudeau mất đi một thành viên nữ đầy quyền lực khi cuộc tổng tuyển cử tại Canada đang đến gần. Bà Philpott, 58 tuổi, được đánh giá là một trong những Bộ trưởng giỏi giang nhất trong Nội các. Bà từng là Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng phụ trách các dịch vụ bản địa.

Nik Nanos thuộc công ty nghiên cứu Nanos Research nhận định, điều đáng lo đối với đảng Tự do của Thủ tướng Trudeau là hai thành viên trong Nội các quyết định từ nhiệm xuất phát từ các vấn đề nguyên tắc và đạo đức.

Quyết định của bà Philpott được giới quan sát cho là một thất bại đối với Thủ tướng Trudeau – người lên nắm quyền hồi tháng 11/2015 với lời hứa phụ nữ sẽ đảm nhiệm nhiều trọng trách hơn trên chính trường và số nữ Bộ trưởng sẽ tăng.

Trong thư từ nhiệm gửi Thủ tướng Trudeau, bà Philpott viết: “Tôi đã cân nhắc những sự việc gây chấn động chính phủ trong những tuần qua. Sau khi suy nghĩ kỹ, tôi quyết định từ chức”. Bà Philpott cho biết bà không thể làm tròn trách nhiệm của mình trong Nội các và bảo vệ chính phủ khi bà không nhất trí với cách mà Thủ tướng xử lý vụ việc liên quan đến SNC-Lavalin.

Tập đoàn này bị buộc tội hối lộ các quan chức Libya trong thời gian từ năm 2001 đến năm 2011 để đổi lấy các hợp đồng. SNC-Lavalin muốn được nộp phạt để tránh phải hầu tòa.

Quyết định từ chức của bà Philpott được đưa ra 5 ngày sau khi cựu Bộ trưởng Tư pháp Wilson-Raybould lên tiếng cáo buộc Thủ tướng Trudeau và nhiều nhân vật trong chính phủ đã gây sức ép liên tục với bà trong thời gian từ tháng 9-12/2018 nhằm hỗ trợ SNC-Lavalin không phải ra tòa với cáo buộc hối lộ.

Thủ tướng Trudeau thừa nhận có nêu vấn đề này với bà Wilson-Raybould, nhưng cho rằng điều này là thích hợp vì “người dân Canada trông chờ chính phủ tìm cách bảo vệ việc làm cho họ”. SNC-Lavalin hiện đang sử dụng 9.000 nhân viên tại Canada và hơn 50.000 nhân viên tính trên quy mô toàn thế giới.

Trong khi đó, hơn một nửa số người dân Canada tham gia cuộc khảo sát của Nanos (được thực hiện trong thời gian từ ngày 28/2-1/3) cho rằng cần phải truy tố SNC-Lavalin thay vì tạo điều kiện để tập đoàn nộp phạt mà không bị ra tòa.

Hiện nhiều Bộ trưởng đang đứng về phía Thủ tướng Trudeau. Carolyn Bennett, Bộ trưởng phụ trách quan hệ với người bản địa, tuyên bố: “Tôi hoàn toàn tin tưởng chính phủ của chúng ta, cũng như Thủ tướng Justin Trudeau”.

Trước đó, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland cũng khẳng định bà “tin tưởng Thủ tướng Trudeau 100%”.

Trong vụ việc liên quan đến SNC-Lavalin, Thủ tướng Trudeau cũng đã “để mất” một cố vấn thân cận là ông Gerald Butts – người đã từ chức tuần trước. Ông Butts phủ nhận việc ông hay nhân viên trong Văn phòng Thủ tướng đã gây sức ép với bà Wilson-Raybould và ngày 6/3 tới ông sẽ có buổi điều trần tại Ủy ban Pháp lý của Quốc hội. Ông Butts khẳng định luôn “hành động chính trực và mục đích duy nhất là vì lợi ích tốt nhất cho toàn bộ người dân Canada”.

Hiện hầu hết các nghị sĩ đảng Tự do đều ủng hộ Thủ tướng Trudeau, nhưng đã xuất hiện dấu hiệu của sự rạn nứt trong đảng. Nghị sĩ đảng Tự do Celina Caesar-Chavannes, đã đăng trên Twitter, ca ngợi quyết định của bà Philpott: Phụ nữ tham chính được kỳ vọng đưa ra những quyết định đúng, ủng hộ lẽ phải, và ra đi khi những giá trị bị sứt mẻ.

Nghị sỹ Charlie Angus thuộc đảng Dân chủ mới nhận định quyết định từ chức của bà Philpott là biến cố mang tính “bước ngoặt”. Theo ông đây là một ngày buồn đối với Canada khi để mất một Bộ trưởng chính trực như vậy. Còn lãnh đạo đảng Bảo thủ Andrew Scheer viết trên Twitter rằng chính phủ của Thủ tướng Trudeau đang “hỗn loạn”, đồng thời nhắc lại lời kêu gọi Thủ tướng Trudeau từ chức.

Giới quan sát nhận định không có nhiều dấu hiệu cho thấy sẽ có thêm thành viên chủ chốt trong nội các từ nhiệm. Tuy nhiên, theo khảo sát của Nanos, 1/4 số người Canada cho biết vụ bê bối SNC-Lavalin sẽ ảnh hưởng đến quyết định của họ trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng Mười tới.

Đáng chú ý, uy tín của cá nhân Thủ tướng Trudeau đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau buổi điều trần của cựu Bộ trưởng Tư pháp Wilson-Raybould. Đến ngày 1/3, chỉ 10% số người Canada cho rằng Trudeau là nhà lãnh đạo có đạo đức nhất, trong khi lãnh đạo đảng Xanh, bà Elizabeth May, được 28% số người ủng hộ./.

Hương Giang/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/canada-quay-cuong-trong-vu-be-boi-snc-lavalin/115253.html