Canada nỗ lực giảm phát thải khí các-bon

Canada cam kết đến năm 2030 sẽ giảm 45% lượng khí thải các-bon so với mức của năm 2005. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, với tốc độ giảm phát thải như hiện nay, Chính phủ Canada cần hành động mạnh mẽ và khẩn trương hơn rất nhiều mới có thể đạt được mục tiêu đề ra.

Nhà máy sản xuất dầu cát ở Alberta, Canada. (Ảnh REUTERS)

Nhà máy sản xuất dầu cát ở Alberta, Canada. (Ảnh REUTERS)

Chống biến đổi khí hậu là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Canada. Chính quyền Thủ tướng Justin Trudeau (G.Tru-đô) đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm 45% lượng khí thải so với mức của năm 2005 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Chính phủ Canada đã đề ra một kế hoạch toàn diện về giảm lượng khí thải và công bố khoản chi ngân sách trị giá hơn 9 tỷ CAD (khoảng 7,1 tỷ USD) để đạt được các mục tiêu về khí hậu.

Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với các phương tiện phát thải thấp, Canada tăng cường đầu tư vào lĩnh vực sản xuất xe điện. Hai nhà máy lắp ráp của hãng sản xuất Stellantis ở hai thành phố Windsor và Brampton, thuộc tỉnh Ontario, Canada nhận được khoản đầu tư 3,6 tỷ CAD (2,8 tỷ USD) để đẩy mạnh sản xuất ô-tô điện và pin. Trong gói đầu tư khổng lồ này, Chính phủ Canada và chính quyền tỉnh Ontario hỗ trợ tới hơn một tỷ CAD cho dự án.

Nhằm góp phần đạt được mục tiêu khí hậu, đầu tháng 6 này, Canada đã cho ra mắt thị trường phát thải các-bon, theo đó các thành phố và các cộng đồng bản địa được phép bán lại các tín chỉ tương ứng với mỗi tấn CO2 giảm được hoặc loại khỏi bầu khí quyển cho những bên khác muốn mua tín chỉ để đáp ứng việc tuân thủ các nghĩa vụ hoặc mục tiêu giảm phát thải.

Bộ Môi trường Canada khẳng định, hệ thống này mang lại cho những người làm rừng, nông dân, cộng đồng bản địa, các thành phố tự quản cơ hội kiếm thu nhập thông qua việc giảm ô nhiễm. Người nông dân Canada có thể tạo tín chỉ thông qua việc cô lập các-bon trong đất nhiều hơn bằng cách trồng xen kẽ các cánh đồng hoa màu, hoặc sử dụng thức ăn cho gia súc ít gây ô nhiễm môi trường hơn, trong khi các công ty lâm nghiệp cần tỉa bớt cây bị bệnh và quản lý các bụi cây để giảm cháy rừng.

Trong khi đó, dầu khí, ngành vốn chiếm tỷ lệ phát thải khí nhà kính nhiều nhất ở Canada, vẫn giữ đà tăng phát thải. Theo một báo cáo của Chính phủ Canada, phát thải từ lĩnh vực này tăng 137% kể từ năm 2005. Bộ Tài nguyên và Môi trường Canada cho biết, ngành dầu khí có thể cắt giảm 43 triệu tấn khí thải vào cuối thập niên này, thấp hơn nhiều so với mục tiêu cắt giảm 81 triệu tấn vào năm 2030 so với mức của năm 2019, như đã đề ra trong kế hoạch khí hậu của Chính phủ.

Sản lượng dầu thô và khí đốt tự nhiên của Canada tăng trong những tháng đầu năm 2022 nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa và thế giới trong bối cảnh thị trường bất ổn. Cơ quan Thống kê Canada (StatCan) cho biết, sản lượng dầu thô và các sản phẩm tương tự của Canada trong tháng 3 vừa qua tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2021, lên 24,2 triệu mét khối. Tuy nhiên, các quan chức Chính phủ Canada cho rằng, không nên cắt giảm sản lượng dầu khí vì có thể làm suy yếu lợi ích kinh tế của Canada và bày tỏ lo ngại về phản ứng từ các tỉnh sản xuất dầu mỏ và khí đốt.

Dựa trên các số liệu thống kê, các chuyên gia nhận định, còn tồn tại khoảng cách khá lớn giữa mục tiêu giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và năng lực giảm phát thải của Canada trong ngành dầu khí. Một số tổ chức môi trường cho rằng, việc lập ra thị trường phát thải các-bon không ngăn được khí thải xâm nhập bầu khí quyển, trong khi tạo ra cơ hội cho những đối tượng gây ô nhiễm môi trường trốn tránh trách nhiệm.

TRUNG MINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-the-gioi/canada-no-luc-giam-phat-thai-khi-cac-bon-701829/