Canada mạnh tay trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Chính quyền của Thủ tướng Canada Justin Trudeau đang mạnh tay thúc đẩy kế hoạch đánh thuế carbon nhằm bảo đảm hoàn thành các cam kết theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (BĐKH) năm 2015. Đây được xem là một trong những nỗ lực của Ottawa trong bối cảnh Liên hợp quốc (LHQ) lên tiếng cảnh báo rằng, thời gian để ngăn chặn thảm họa BĐKH đang ngày một ngắn dần...

Trong những năm gần đây, BĐKH luôn là vấn đề nổi cộm được cả thế giới quan tâm. Thực trạng BĐKH hiện nay rất đáng lo ngại do lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu- một trong những thủ phạm chính gây ra BĐKH, không có dấu hiệu sụt giảm, đặt ra những thách thức không nhỏ cho mỗi quốc gia trên hành tinh của chúng ta. Ủy ban Liên chính phủ về BĐKH của LHQ (IPCC) mới đây cảnh báo, để tránh những tai họa thảm khốc do BĐKH gây ra, các chính phủ trên thế giới cần hành động nhanh chóng. Các chuyên gia nhận định, chỉ còn hơn 10 năm để ngăn chặn thảm họa BĐKH.

Theo báo cáo thường niên do tổ chức Climate Transparency công bố gần đây, Canada là quốc gia có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tính trên đầu người cao nhất trong Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20). Tính trung bình một người dân Canada sản sinh ra 22 tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính mỗi năm, mức cao nhất trong G20 và gần gấp 3 lần mức trung bình của người dân trong khối này. Giới chuyên gia nhận định, hoạt động sản xuất dầu khí và giao thông vận tải là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng trên.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau quyết tâm thực hiện kế hoạch đánh thuế carbon. Ảnh: The Canadian Press.

Để ứng phó với tình trạng lượng khí thải tăng nhanh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, Chính phủ Canada có kế hoạch giảm lượng khí thải thông qua giải pháp đánh thuế carbon. Thuế carbon hiện là một cơ chế phổ biến trên thị trường để đối phó với tình trạng BĐKH, đánh vào lượng CO2 phát thải của nhiên liệu. Thủ tướng Justin Trudeau cho biết, Chính phủ Canada đã làm việc trong suốt hai năm với chính quyền các tỉnh và vùng lãnh thổ tự trị nhằm soạn ra kế hoạch đánh thuế carbon để toàn bộ đất nước Canada đáp ứng các cam kết theo Hiệp định Paris về BĐKH năm 2015 với mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong phạm vi 1,5-2 độ C.

Hồi cuối tháng 10 vừa qua, ông Justin Trudeau cho biết, chính phủ nước này sẽ mạnh tay áp thuế carbon đối với các tỉnh không đáp ứng kế hoạch giảm khí phát thải gây ô nhiễm dẫn tới BĐKH. Người đứng đầu Chính phủ Canada khẳng định rằng, bắt đầu từ năm 2019, sẽ không còn tình trạng "miễn phí" khi gây ô nhiễm môi trường tại nước này. Theo đó, 4 tỉnh trong tổng số 10 tỉnh và 3 vùng lãnh thổ tự trị của Canada bị đánh thuế carbon kể từ ngày 1-1-2019. Cụ thể, các tỉnh Ontario, Saskatchewan, Manitoba và New Brunswick sẽ bị đánh thuế 20CAD (khoảng 15USD) đối với mỗi tấn khí phát thải carbon. Mức thuế sẽ tiếp tục tăng lên 50CAD vào năm 2022, nếu các tỉnh này không có dấu hiệu cải thiện tình trạng ô nhiễm. Thuế carbon sẽ được áp dụng đối với cả cá nhân kinh doanh sản xuất cũng như các cơ sở công nghiệp lớn. Khoản tiền này sau đó sẽ được chuyển tới các hộ gia đình dưới hình thức đền bù, hoặc được sử dụng để chi cho các dự án cải thiện hiệu quả năng lượng và giảm phát thải khí CO2.

Trong bối cảnh chỉ còn một năm nữa Canada bước vào cuộc tổng tuyển cử, Thủ tướng Justin Trudeau đang tỏ rõ quyết tâm thực hiện kế hoạch đánh thuế carbon này. Tuy nhiên, kế hoạch đánh thuế carbon cũng vấp phải chỉ trích khi Thủ hiến tỉnh Saskatchewan, Scott Moe cho rằng, kế hoạch đánh thuế carbon của chính phủ là một “kế hoạch mua lá phiếu cử tri”. Còn lãnh đạo đảng Bảo thủ Andrew Scheer đánh giá, kế hoạch đánh thuế carbon sẽ khiến mọi thứ đắt đỏ hơn đối với người dân. Theo tài liệu của Chính phủ Canada, khi đánh thuế carbon 20CAD/tấn, giá xăng ước tính sẽ tăng 4,42 xu/lít. Trong khi đó, Văn phòng Thủ tướng Canada khẳng định, chính quyền các tỉnh Alberta, British Columbia và Quebec đã đưa vào áp dụng hệ thống định giá ô nhiễm carbon từ sớm và các số liệu thực tế cho thấy, đây là những khu vực có kinh tế phát triển nhất ở nước này trong năm 2017.

Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học chỉ rõ, nắng nóng, cháy rừng, bão, lũ lụt và hạn hán sẽ tiếp tục tăng cả về cường độ và tần suất trừ phi chúng ta duy trì mức nhiệt tăng trong khoảng từ 1,5 đến 2 độ C. Trách nhiệm đầu tiên của mỗi quốc gia là giảm nhẹ nguy cơ BĐKH thông qua việc tuân thủ và duy trì Hiệp định Paris về BĐKH. Do đó, bài toán giảm bớt lượng khí phát thải ra môi trường không chỉ là thách thức đối với Canada, mà còn cần sự chung tay giải quyết của các nước trên thế giới.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/canada-manh-tay-trong-cuoc-chien-chong-bien-doi-khi-hau-555164