Canada củng cố chủ quyền ở Bắc Cực

HẠNH NGUYÊN (Theo CBC News, Scientific American)

HẠNH NGUYÊN (Theo CBC News, Scientific American)

Bộ trưởng Quốc phòng Canada Anita Anand có kế hoạch thực hiện chuyến thăm làm việc tại Bắc Cực trong bối cảnh Ottawa đang cùng các đối tác xúc tiến thảo luận về an ninh của khu vực này.

Hải quân Canada phá hủy thủy lôi trong cuộc tập trận Arctic Edge 2022. Ảnh: CBC News

Hải quân Canada phá hủy thủy lôi trong cuộc tập trận Arctic Edge 2022. Ảnh: CBC News

Bộ trưởng Anand cho biết đang có các cuộc thảo luận với người đồng cấp các nước như Thụy Ðiển, Phần Lan, Na Uy và Ðan Mạch. Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của hành động tập thể như những đồng minh liên quan đến chủ quyền Bắc Cực.

Dự kiến, Bộ Quốc phòng Canada sẽ sớm đưa ra kế hoạch chi tiêu để hiện đại hóa Bộ Chỉ huy Phòng không Bắc Mỹ (NORAD), một tổ chức song phương giữa Mỹ và Canada được thành lập để bảo vệ lục địa này trước nguy cơ xảy ra các vụ tấn công tiềm tàng trên không. Ottawa đã cam kết hợp tác với Washington về việc thay thế hệ thống cảnh báo phương Bắc bằng công nghệ bao gồm các hệ thống radar thế hệ mới có thể phát hiện mục tiêu ở tầm xa. Canada cũng đang mua thiết bị quân sự mới, bao gồm 2 tàu phá băng, và dự kiến sẽ quyết định ký hợp đồng mua 88 máy bay chiến đấu trong năm nay.

Hiện Canada đang tiến hành chiến dịch bảo vệ phòng không Bắc Cực “Noble Defender” với Mỹ, kéo dài từ ngày 14-3 đến 17-3, tại bang Alaska của Mỹ, miền Bắc Canada và ngoài khơi Greenland (Ðan Mạch), bao gồm các hoạt động bay qua các khu vực dân cư thưa thớt. Bà Anand mô tả cuộc tập trận chung này có “tác dụng phòng thủ và răn đe”.

Ngoài ra, lực lượng vũ trang Canada trên tàu hộ vệ HMCS Brandon cũng đang được huấn luyện về chiến tranh thủy lôi với lực lượng tuần duyên và Hải quân Mỹ, một phần trong cuộc tập trận Arctic Edge ở ngoài khơi Alaska. “Cuộc xung đột quân sự tại Ukraine không dẫn đến việc lên kế hoạch tập trận Arctic Edge, nhưng có thể nó nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc tập trận”, Mike Wills, chỉ huy tàu hộ vệ HMCS Brandon, lập luận.

Nga gần đây đã tăng cường hiện diện quân sự tại Bắc Cực với mức độ chưa từng có bằng việc sử dụng các tàu ngầm hạt nhân và tàu phá băng chạy bằng hạt nhân. Theo Kênh CNN, Mát-xcơ-va đã tăng cường mạnh mẽ các căn cứ quân sự và khí tài trên bờ biển Bắc Cực, cùng với các cơ sở dưới lòng đất dùng để cất giữ vũ khí công nghệ cao mới và đặc biệt là ngư lôi tự hành Poseidon 2M39. Năm ngoái, lần đầu trong lịch sử Hải quân Nga, 3 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đã đồng thời phá băng trồi lên trong cuộc diễn tập ở Bắc Cực.

Căng thẳng ngoại giao xung quanh chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đang ảnh hưởng đến Bắc Cực. Ðiều này thấy rõ qua việc 7/8 quốc gia thành viên Hội đồng Bắc cực hồi đầu tháng 3 đã nhất trí tẩy chay các cuộc họp trong tương lai (Nga hiện là chủ tịch luân phiên Hội đồng Bắc Cực). Theo đó, các cuộc thảo luận về những vấn đề từ biến đổi khí hậu cho đến khai thác dầu mỏ tại Bắc Cực bị tạm ngừng vô thời hạn. Bảy quốc gia tẩy chay gồm Mỹ, Canada, Ðan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy và Thụy Ðiển. Trong tuyên bố chung, 7 nước này cho rằng hành động của Nga tại Ukraine cho thấy “sự vi phạm trắng trợn” các nguyên tắc cốt lõi của Hội đồng Bắc cực về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Hành động tẩy chay kéo theo tương lai bất ổn cho các dự án của hội đồng, trong đó có nhiều dự án về các vấn đề môi trường hoặc những lo ngại liên quan đến biến đổi khí hậu. Ðáng nói, biến đổi khí hậu là vấn đề cấp bách đối với Bắc Cực, nơi nhiệt độ đang ấm lên với tốc độ nhanh gấp 3 lần so với cả Trái đất nói chung trong giai đoạn 1971-2019.

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/canada-cung-co-chu-quyen-o-bac-cuc-a144661.html