Canada coi 'Thỏa thuận nước thứ ba an toàn' là vi phạm hiến pháp

Thẩm phán McDonald khẳng định Canada 'không thể làm ngơ' trước những trường hợp người tị nạn bị giam giữ theo quy định STCA rồi bị đối xử tệ bạc như trường hợp của Nedira Mustefa.

Người xin tị nạn tại cửa khẩu biên giới Mỹ-Canada. (Ảnh: AP)

Người xin tị nạn tại cửa khẩu biên giới Mỹ-Canada. (Ảnh: AP)

Ngày 22/7, Tòa án liên bang Canada đã ra phán quyết coi thỏa thuận giữa nước này và Mỹ về vấn đề tị nạn (còn được gọi là "Thỏa thuận nước thứ ba an toàn") không có hiệu lực do đã vi phạm hiến pháp về các quyền của người di cư.

Trong phán quyết, Thẩm phán Ann Marie McDonald nêu rõ rằng Mỹ không còn là quốc gia an toàn dành cho những người di cư bị Canada gửi trả do họ có nguy cơ bị bắt giam. Theo bà McDonald, việc thi hành thỏa thuận nói trên dẫn đến việc nhiều người xin tị nạn bị giới chức Canada gửi trả về Mỹ đã bị bắt giữ ngay lập tức. Điều này vi phạm những quyền lợi được đảm bảo trong phần 7 của Hiến chương về Quyền và Tự do trong Hiến pháp Canada.

Thỏa thuận nước thứ ba an toàn (STCA) được Mỹ và Canada ký ngày 2/12/2002 và có hiệu lực từ ngày 29/12/2004. Thỏa thuận quy định, những người xin quy chế tị nạn phải nộp đơn ở quốc gia đầu tiên họ đặt chân đến. Theo đó, những người đến Canada qua cửa khẩu biên giới với Mỹ không được xin tị nạn tại Canada và ngược lại.

Thỏa thuận công nhận Mỹ và Canada là những quốc gia "an toàn" dành cho người tị nạn, có nghĩa là giới chức Canada có thể gửi trả về Mỹ những người xin tị nạn đến cửa khẩu chính thức để nhập cảnh vào Canada và ngược lại. Nhiều trường hợp người xin tị nạn thất bại bị giới chức Mỹ giam giữ đã bị xâm phạm quyền lợi và đối xử tồi tệ.

Một trong số đó là trường hợp của Nedira Mustefa, một người phụ nữ Hồi giáo là công dân Ethiopia. Cô Mustafa là người xin tị nạn tại Canada nhưng sau đó đã bị gửi trả về Mỹ rồi bị bắt giữ sau đó. Mustefa bị giam giữ trong một tuần và cô gọi đây là một trải nghiệm đáng sợ, gây tổn thương tinh thần sâu sắc.

Theo tòa án Canada, Mustefa đã phải nhận những phần thức ăn có chứa thịt lợn, dù đã trình bày với lính gác rằng cô không thể ăn thịt lợn vì lý do tôn giáo. Sau đó, Mustefa đã phải nhịn ăn trong thời gian dài do không được ăn đồ ăn phù hợp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Mustefa cho biết cô cảm thấy "sợ hãi, bối rối và cô độc" vì không biết khi nào mới được trả tự do.

Thẩm phán McDonald khẳng định Canada "không thể làm ngơ" trước những trường hợp người tị nạn bị giam giữ theo quy định STCA rồi bị đối xử tệ bạc giống như Mustefa.

STCA đã nhiều lần vấp phải sự chỉ trích của các nhóm bảo vệ quyền của người tị nạn như Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI), Hội đồng Canada vì người tị nạn... cùng với đó là nhiều người không xin được cơ chế tị nạn tại Canada do các điều khoản trong thỏa thuận này.

Để "lách" quy định và đảm bảo hồ sơ xin tị nạn được xem xét tại Canada, hàng chục nghìn người di cư đã vào quốc gia Bắc Mỹ này thông qua các cửa khẩu không chính thức như cửa khẩu tại Roxham Road ở khu vực biên giới giữa New York (Mỹ) và Quebec (Canada).

Mặc dù vậy, phán quyết mới của tòa án Canada chưa có hiệu lực trong 6 tháng tới. Trong thời gian này Chính phủ Canada có thể gửi kháng cáo về phán quyết này lên một tòa phúc thẩm liên bang hoặc Tòa án Tối cao./.

Người dân Canada biểu tình phản đối STCA. (Ảnh: Yahoo)

Kim Thúy (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/canada-coi-thoa-thuan-nuoc-thu-ba-an-toan-la-vi-pham-hien-phap/653278.vnp