Cần tách bạch mục đích từ thiện với việc tìm cho trẻ một mái ấm thay thế

Qua công tác tuyên truyền tích cực, hiện nay tình trạng UBND cấp xã đăng ký việc nuôi con nuôi cho người tu hành đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số ít UBND cấp xã thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi cho người tu hành.

Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê qua 6 năm thi hành Luật Nuôi con nuôi, tại 33 tỉnh, thành phố trên toàn quốc có 3.269 trẻ em sinh sống tại các cơ sở tôn giáo (nhà chùa). Trong đó, có 212 trường hợp đã giải quyết cho trẻ em làm con nuôi của cơ sở tôn giáo hoặc người đứng đầu cơ sở tôn giáo, chiếm gần 6,5% tổng số trẻ em sinh sống tại đây.

Về vấn đề này, Bộ Tư pháp nhấn mạnh, Điều 2 Luật Nuôi con nuôi quy định mục đích của việc nuôi con nuôi là nhằm xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình.

Việc nuôi con nuôi của người tu hành không đáp ứng mục đích nêu trên, vì những người tu hành có nếp sống riêng theo giáo lý, giáo luật và tập trung cho việc thực hiện các nghi lễ của cơ sở tôn giáo nên không có điều kiện để chăm sóc cho trẻ em được nhận nuôi như những người cha, mẹ bình thường, không đảm bảo trẻ em được sống trong môi trường gia đình theo truyền thống.

Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân tham gia trợ giúp, chăm sóc trẻ em, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Tuy nhiên, cần tách bạch giữa việc chăm sóc trẻ em vì mục đích từ thiện với việc tìm cho trẻ em một  mái ấm gia đình bình thường. Qua khảo sát và công tác tại các địa phương cho thấy, còn có hiện tượng cơ sở tôn giáo tiếp nhận và nuôi dưỡng hàng trăm trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhưng việc nuôi dưỡng lại không đảm bảo theo quy định của pháp luật hiện hành.

Nhằm hạn chế tình trạng này, Bộ Tư pháp đề nghị Sở Tư pháp quán triệt những nội dung trên cho UBND cấp xã tại địa phương; thực hiện tốt công tác phối hợp liên ngành, tuyên truyền để cơ sở tôn giáo thành lập cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định pháp luật nếu đủ điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em. Đồng thời, nếu trẻ em cần tìm gia đình thay thế thì phải lập danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế theo quy định tại Điều 15 Luật Nuôi con nuôi.

Sở Tư pháp cũng cần tham mưu cho UBND cấp tỉnh thực hiện việc rà soát, đánh giá các cơ sở trợ giúp xã hội tại địa phương và tiếp tục thực hiện công tác chỉ định cơ sở trợ giúp xã hội cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài (không phân biệt cơ sở công lập hay ngoài công lập) theo Công văn số 2641/BTP-CCN của Bộ Tư pháp gửi UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị rà soát, đánh giá điều kiện của các cơ sở trợ giúp xã hội trong giải quyết việc nuôi con nuôi.

An Khê

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/can-tach-bach-muc-dich-tu-thien-voi-viec-tim-cho-tre-mot-mai-am-thay-the-348609.html