Cần yêu cầu Facebook, YouTube đặt văn phòng đại diện để bảo vệ người dùng Việt

Tại kì họp Quốc hội trước, dự thảo Luật An ninh mạng đã được đưa ra bàn thảo và góp ý, từ đó ban soạn thảo đã tiếp thu và loại bỏ qui định bắt buộc các Cty cung cấp dịch vụ trên Internet của nước ngoài phải đặt máy chủ tại Việt Nam.

Tuy nhiên, với qui định phải đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam thì vẫn được giữ lại.

Khái niệm “văn phòng” trên thực tế trong nhiều trường hợp chỉ cần có một người làm đại diện. Cần hiểu rằng, người đại diện hay văn phòng đại diện chính thức có tính pháp lí còn là kênh liên lạc chính, cầu nối giữa người dùng với nhà cung cấp dịch vụ, khi có những vấn đề xảy ra liên quan tới pháp lí, liên quan tới tranh chấp về quyền lợi của người dùng, thì còn có người/văn phòng để “nắm tóc”.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, đây lại là vấn đề những nhà cung cấp dịch vụ online như Facebook hay Google muốn tránh. Điều đó sẽ gây rất nhiều khó khăn, rắc rối khi nảy sinh các vấn đề cần giải quyết cấp bách.

Một minh chứng rõ ràng là trường hợp Uber Việt Nam, sau khi bị Grab thâu tóm, Grab cho rằng đã thỏa thuận với Uber và không có nghĩa vụ phải đóng khoản thuế mà Uber còn nợ tại Việt Nam. Chính vì vậy, khoản nợ thuế này lên đến hàng chục tỉ đồng đang bị treo… lơ lửng vì Uber chẳng còn văn phòng hay người đại diện chính thức tại Việt Nam nữa để bắt họ phải giải quyết món nợ trên.

Hiện Facebook đã có hơn 60 triệu người dùng tại Việt Nam. Việt Nam trở thành quốc gia nằm trong Top 10 sử dụng Facebook nhiều nhất thế giới. Trong khi đó, theo thông tin do chính Eric Schmidt - Chủ tịch điều hành Tập đoàn Alphabet, Cty mẹ của Google – trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam cách đây một năm cho biết, Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xem YouTube, chiếm đến 30% số người dùng smartphone tại Việt Nam, có nghĩa cũng lên đến vài chục triệu người dùng. Và hai nhà cung cấp dịch vụ này đang chiếm khoảng 80% thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam, với doanh thu vài nghìn tỉ đồng mỗi năm.

Thế nhưng lâu nay, bất cứ các khiếu nại, thắc mắc về dịch vụ người dùng không có nơi để liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ ngoại trừ kênh online, nhưng chẳng mấy người được biết, và cũng được chăng hay chớ. Sự bảo vệ người dùng trước tình trạng tin tặc chiếm quyền các tài khoản online, hay việc để xảy ra tình trạng lừa đảo trên Facebook, nội dung không lành mạnh và tin giả trên YouTube…, là rất mờ nhạt.

Không lẽ, với một thị trường có đến 70-80% dân số sử dụng các dịch vụ của Facebook và Google, người dùng Việt Nam không có quyền yêu cầu hai nhà cung cấp dịch vụ này đặt văn phòng đại diện/người đại diện chính thức tại Việt Nam để bảo vệ họ?

Thế Lâm

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/dien-dan/can-yeu-cau-facebook-youtube-dat-van-phong-dai-dien-de-bao-ve-nguoi-dung-viet-609994.ldo