Cần xử lý nghiêm tình trạng gây ô nhiễm tiếng ồn

Dù đã có quy định không được bấm còi dài khi lưu thông trong khu vực nội đô, tuy nhiên một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông vẫn giữ thói quen sử dụng còi dài, bấm còi nhiều lần gây ô nhiễm tiếng ồn và ảnh hưởng tới những người cùng tham gia giao thông.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại nhiều tuyến phố đi qua các bệnh viện, trường học và một số cơ quan Nhà nước đều có biển báo cấm còi, tuy nhiên biển báo này ít khi được người đi đường để ý. Trước Bệnh viện Xanh Pôn (Thành phố Hà Nội), biển báo cấm bóp còi được đặt ngay ở đầu đường Trần Phú, tuy nhiên tiếng còi xe vẫn không hề giảm bớt.

Dù biển báo cấm còi đã được lắp đặt ở ngã tư Trần Phú giao Chu Văn An, thế nhưng các phương tiện vẫn vô tư bấm còi inh ỏi khi đi qua khu vực Bệnh viện Xanh Pôn. (Ảnh: Lương Hằng)

Dù biển báo cấm còi đã được lắp đặt ở ngã tư Trần Phú giao Chu Văn An, thế nhưng các phương tiện vẫn vô tư bấm còi inh ỏi khi đi qua khu vực Bệnh viện Xanh Pôn. (Ảnh: Lương Hằng)

Chia sẻ về tình trạng ô nhiễm tiếng ồn do lạm dụng còi xe của các chủ phương tiện tham gia giao thông, chị Lê Mỹ Linh (quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội) cho biết : “Mình thấy rằng một bộ phận người dân vẫn chưa có ý thức khi tham gia giao thông. Mình để ý trên đường có rất nhiều biển báo cấm rẽ nhưng mọi người không tuân thủ, với việc sử dụng còi quá nhiều thì thực sự đáng lên án. Mình thấy tình trạng trên xảy ra nhiều nhất là vào các giờ cao điểm, đường ùn tắc, các phương tiện tràn lên vỉa hè, cả xe máy, ô tô, taxi, xe buýt bóp còi inh ỏi để di chuyển, phớt lờ biển báo cấm.”.

Không chỉ có khu vực Bệnh viện Xanh Pôn, mà khu vực Bệnh viện K Trung ương; các khu dân cư đông và cơ quan hành chính của Thủ đô cũng đang phải hứng chịu tiếng ồn bởi thói quen xấu của các chủ phương tiện tham gia giao thông. Thói quen sử dụng còi xe một cách vô tội vạ của các chủ phương tiện giao thông cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông cho các phương tiện lưu thông cùng chiều do lạc tay lái.

Để có thể hạn chế việc sử dụng còi xe gây ô nhiễm tiếng ồn và gây khó chịu cho người tham gia giao thông, Nhà nước cũng đã có những quy định về luật pháp xử phạt hành vi trên. Theo đó, trong Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, hành vi bấm còi, bấm còi liên tục trong khu đô thị, khu đông dân cư sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 5 và Điều 6.

Cụ thể, tại điểm b, Khoản 3, Điều 5 quy định việc xử phạt người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, hành vi bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong khu đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định, sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng.

Ngoài ra, người thực hiện hành vi này còn bị tước bằng lái xe từ 1 - 3 tháng. Nhưng nếu do thực hiện hành vi trên dẫn đến gây tai nạn giao thông thì bị tước bằng lái xe từ 2 - 4 tháng.

Trường hợp bấm còi ban đêm cũng bị phạt tiền. Cụ thể: Người điều khiển, người được chở trên xe ô tô hoặc các loại xe tương tự xe ô tô bấm còi trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau thì bị phạt tiền từ 100.000 đồng - 200.000 đồng. Đồng thời, người thực hiện hành vi này còn bị tước bằng lái xe từ 1-3 tháng.

Đối với những người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy thực hiện hành vi bấm còi không đúng luật cũng bị xử lý hành chính theo điểm e, Khoản 3, Điều 6 thuộc Nghị định 46/2016/NĐ-CP.

Theo đó, mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng được áp dụng đối với một trong các hành vi vi phạm: Bấm còi, rú ga (nẹt pô) liên tục trong khu đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định.

Lương Hằng

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/can-xu-ly-nghiem-tinh-trang-gay-o-nhiem-tieng-on-99511.html