Cần xử lý nghiêm những vụ phá rừng phòng hộ ở Gia Lai

Thời gian gần đây, nhiều diện tích rừng phòng hộ tự nhiên trên địa bàn vùng biên giới Gia Lai bị các đối tượng chặt phá. Vấn đề dư luận quan tâm là tại sao các khu rừng đã được lực lượng chức năng ngày đêm bảo vệ, thế nhưng vẫn bị triệt hạ? Cần làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan.

Những ngày qua, vụ phá hoại hơn 7,3ha rừng trên vùng biên giới huyện Chư Prông (Gia Lai) chưa được xử lý dứt điểm thì những khu rừng thuộc vành đai biên giới ở huyện Ia Grai (Gia Lai) lại bị triệt hạ với diện tích 5,7ha. Tại Tiểu khu 344, thuộc xã Ia O, huyện Ia Grai, các lực lượng chức năng đã đếm được gần 60 gốc cây rừng bị đốn hạ, nhiều cây có đường kính gần 1m, nhiều nơi rừng bị đốt cháy nham nhở, cây lá cháy khô.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lâm Văn Long, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ia Grai, cho biết: "Thời gian qua các đơn vị chức năng địa phương đã kịp thời ngăn chặn việc phá rừng. Còn vụ phá rừng ở Tiểu khu 344 trên địa bàn xã Ia O, chúng tôi đang tập trung xác minh, kiểm tra cụ thể, nếu đầy đủ các yếu tố vi phạm thì sẽ khởi tố vụ án".

 Một góc rừng ở xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai bị tàn phá.

Một góc rừng ở xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai bị tàn phá.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết thời gian qua vùng biên giới huyện Ia Grai liên tục có những vụ việc liên quan đến chặt phá rừng, vận chuyển gỗ trái phép… Các cơ quan chức năng đã khởi tố một số vụ án, nhưng tình trạng này vẫn chưa chấm dứt. Các đối tượng trực tiếp phá rừng, dùng súng uy hiếp cán bộ kiểm lâm hòng giải thoát phương tiện, tang vật thì vẫn chưa bị bắt và khởi tố. Việc để tình trạng phá rừng và vận chuyển gỗ lậu diễn ra nhiều lần trên một địa bàn trước hết là do lực lượng chức năng chưa làm tròn trách nhiệm của mình, còn buông lỏng quản lý. Đáng chú ý là việc chặt phá rừng phòng hộ và vận chuyển gỗ lậu thời gian qua đều nằm trên địa bàn biên giới được các lực lượng chức năng thường xuyên bảo vệ, nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Điều này cho thấy, việc quản lý rừng phòng hộ ở dọc vùng biên giới Gia Lai nói chung, xã Ia Chía, Ia O, huyện Ia Grai nói riêng còn nhiều kẻ hở.

Theo ông Nguyễn Hữu Quế, Bí thư Huyện ủy Ia Grai, trên địa bàn, tình hình phá rừng đang diễn biến phức tạp. Lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương hoàn thiện hồ sơ vụ phá rừng và các đối tượng phá rừng để xử lý theo quy định. Huyện ủy yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương xem xét trách nhiệm liên quan của cán bộ UBND hai xã Ia Chía và Ia O. Đề nghị làm rõ trách nhiệm của các đơn vị như: Ban quản lý rừng phòng hộ, kiểm lâm, Đồn Biên phòng Ia O, Ia Chía để xử lý.

Thiết nghĩ, để bảo vệ rừng, trước mắt Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cần xem xét kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của hạt kiểm lâm và ban quản lý rừng các huyện, nhất là các “điểm nóng” như Ia Grai, Chư Prông, Mang Yang… điều tra, xem xét trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể để có hình thức xử lý phù hợp. Cơ quan có trách nhiệm cần giao đất, giao rừng cho người dân quản lý, có chính sách phù hợp để nâng cao trách nhiệm bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, các ngành chức năng ở tỉnh Gia Lai phải quyết liệt hơn trong việc kiểm tra, quản lý rừng, đóng cửa rừng tự nhiên đi đôi với đóng cửa các cơ sở chế biến gỗ rừng, nhằm bảo vệ những cánh rừng quý hiếm đang dần cạn kiệt.

Bài và ảnh: LÊ QUANG HỒI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/dieu-tra/can-xu-ly-nghiem-nhung-vu-pha-rung-phong-ho-o-gia-lai-575742