Cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong xuất khẩu lao động

Đó là yêu cầu xuyên suốt tại cuộc làm việc của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh với UBND huyện Yên Thành chiều 27/9, theo kế hoạch giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và thực hiện một số chính sách XKLĐ trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Minh Chi

Theo UBND huyện, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và XKLĐ thời gian qua tiếp tục được cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Năm 2016, huyện đã ban hành đề án “Tăng cường giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động” và nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường quản lý nhà nước, gắn với xử lý các khó khăn, vướng mắc trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, XKLĐ trên địa bàn.

Huyện cũng đã chỉ đạo các xã, thị trấn và Trường trung cấp kỹ thuật Công – Nông nghiệp Yên Thành rà soát nhu cầu hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm, XKLĐ cho cá nhân, hộ gia đình, trong đó có diện bị thu hồi đất; gắn với phối hợp với các trường phổ thông để tư vấn học nghề, phân luồng học sinh; từ đó để xây dựng kế hoạch đào tạo sát với nhu cầu thực tế, gắn đào tạo với giải quyết việc làm.

Tổng số lao động được giải quyết việc làm mới trong 3 năm (2015 – 2018) khoảng 14.500 người, trong đó XKLĐ là 3.950 người (tổng số lao động ở các thị trường lao động toàn huyện là hơn 15.000 người).

Đoàn khảo sát cơ sở vật chất tại Trường trung cấp kỹ thuật Công – Nông nghiệp Yên Thành. Ảnh: Minh Chi

Tuy nhiên, xét về tổng thể thì tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện còn thấp, chỉ đạt 48%. Kéo theo đó, việc chuyển dịch cơ cấu lao động thông qua đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn huyện còn chậm. Số lao động trong ngành nông nghiệp đang chiếm tỷ lệ cao, chiếm 66,33% và số lao động trong ngành công nghiệp, dịch vụ chỉ chiếm hơn 33%.

Tại cuộc làm việc, các thành viên đoàn giám sát nêu lên nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, XKLĐ. Nêu thực tiễn số lao động đi XKLĐ không theo con đường chính thống ở xã Đô Thành mà thông qua giám sát đoàn công tác HĐND tỉnh ghi nhận có gần 2.500 lao động đi lao động tự do ở các thị trường Châu Âu và thị trường Lào, Phó trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Đặng Quang Hồng đề nghị huyện cần quan tâm, tránh rủi ro cho người lao động.

Một số thành viên đoàn giám sát cũng đề nghị huyện làm rõ những hệ lụy từ hoạt động XKLĐ và giải pháp hạn chế các lao động cư trú bất hợp pháp và quá thời hạn ở các nước; việc xử lý lừa đảo trong xuất khẩu lao động; công tác xã hội hóa về kinh phí đào tạo nghề...

Đoàn khảo sát mô hình lớp đào tạo nghề mây tre đan gắn với giải quyết việc làm tại xã Đô Thành. Ảnh: Minh Chi

Giải trình các vấn đề mà các thành viên đoàn giám sát quan tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Danh Truyền thừa nhận, hiện nay, trên địa bàn huyện có nhiều lao động thông qua các mối quan hệ người nhà hoặc quen biết để đi xuất khẩu ở một số thị trường lao động Châu Âu và số lao động tự do ở Lào cũng khá lớn. Đây chính tiềm ẩn những rủi ro đối với người lao động.

Bên cạnh đó, mặc dù huyện đã có nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động, gửi thư đến tận từng hộ gia đình có người lao động hết hạn cư trú bất hợp pháp để kêu gọi con em mình về nước. Tuy nhiên, hiện nay vẫn đang còn 151 lao động cư trú bất hợp pháp tại thị trường lao động Hàn Quốc.

Để tiếp tục tạo chuyển biến trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, XKLĐ trên địa bàn huyện, đề nghị huyện Yên Thành tăng cường triển khai các giải pháp, biện pháp quản lý nhà nước đối với các hoạt động này, nhằm giải quyết tốt nhu cầu của người dân, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Bà Nguyễn Thị Lan - Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát đề nghị huyện cần thanh tra, kiểm tra, gắn với xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong đào tạo nghề và XKLĐ. Ảnh: Minh Chi

Chỉ ra một số khó khăn, tồn tại, Phó trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh cũng đề nghị huyện Yên Thành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chuyển tải đầy đủ các thông tin đến với người dân để tránh bị lừa đảo trong XKLĐ; tăng cường thanh tra, kiểm tra, gắn với xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, trong đó tập trung xử lý, khắc phục trong lừa đảo XKLĐ xảy ra thời gian qua trên địa bàn, xử lý nợ quá hạn trong XKLĐ.

Minh Chi

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/can-xu-ly-nghiem-cac-truong-hop-vi-pham-trong-xuat-khau-lao-dong-216655.html