Cần xử lý nghiêm các công trình xây dựng trái phép trên đất rừng tại huyện Sóc Sơn

Mặc dù các sai phạm về quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại hai xã Minh Phú và Minh Trí, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã được Thanh tra Chính phủ, Thanh tra thành phố kết luận, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo xử lý từ nhiều năm trước, nhưng đến nay các công trình vẫn ngang nhiên tồn tại..., nhất là nhiều vi phạm mới tiếp tục phát sinh, gây bức xúc trong dư luận.

Nhiều công trình vẫn đang được xây dựng trên đất rừng huyện Sóc Sơn. Ảnh: HUY THÀNH

Vi phạm chưa chấm dứt

Gần 10 ngày sau khi UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 4893/UBND-ÐT về việc thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất rừng và trật tự xây dựng tại hai xã Minh Phú và Minh Trí (huyện Sóc Sơn), hoạt động xây dựng tại đây đã bớt nhộn nhịp, nhưng đường vào thôn Minh Tân (xã Minh Trí) dài khoảng 3 km, dọc theo hồ Ðồng Ðò, vẫn ngổn ngang vật liệu xây dựng. Các phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng thường xuyên ra, vào.

Hai bên đường là những ngôi nhà bề thế, lưng tựa vào núi, mặt hướng ra hồ nước, có sân vườn, tiểu cảnh bắt mắt. Ngay tại khu vực lòng hồ Ðồng Ðò rộng 60 ha, nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ, nhiều diện tích mặt nước bị lấn chiếm xây dựng kè bê-tông chắc chắn, đổ đất đá để xây dựng công trình kiên cố. Một số công trình đang trong quá trình hoàn thiện. Ðiển hình là tổ hợp công trình nghỉ dưỡng rộng hàng nghìn mét vuông mang tên Hoàng Lê Gia garden nằm sát mặt nước, khiến người dân rất bức xúc.

Chị Nguyễn Thị Hòa, người dân thôn Minh Tân chia sẻ, khoảng hai năm trước, chủ tổ hợp công trình này đã thương lượng, thu mua đất của người dân. Hoạt động mua bán giữa hai bên chỉ được “giao dịch ngầm” bằng giấy viết tay bởi đây là đất rừng, nhưng sau đó, chủ đầu tư công khai huy động hàng chục công nhân lao động, cùng nhiều phương tiện máy móc đến san gạt, đổ đất xuống lòng hồ để đầu tư xây dựng công trình trong suốt thời gian dài mà không hề bị lực lượng chức năng xử lý.

Cũng giống như thôn Minh Tân, tại thôn Lâm Trường (xã Minh Phú) tồn tại hàng chục công trình kiên cố xây dựng trái phép trên đất rừng. Hàng loạt tấm biển quảng cáo bán đất có mặt khắp nơi. Người dân ở đây cho biết, việc mua bán đất rừng tại đây diễn ra từ nhiều năm trước, nhưng sôi động nhất từ năm 2017 đến nay. Giá bán mỗi mét vuông đất từ 1 đến 3 triệu đồng, tùy khu vực, vị trí. Cùng với mua bán đất rừng, các phương tiện máy móc cỡ lớn được huy động để xẻ núi, san gạt mặt bằng, xây dựng diễn ra rầm rộ như đại công trường.

Chỉ thời gian ngắn, hàng chục công trình kiên cố nhanh chóng mọc lên. Thậm chí, khu sinh thái Thiên Phú Lâm có diện tích khoảng 3 ha, với nhiều hạng mục như nhà bê-tông kiên cố, hồ nước, đường trải nhựa, bể bơi, sân vườn tiểu cảnh… vừa thi công, vừa tổ chức đón khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, cắm trại và tổ chức nấu nướng ngoài trời, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao. Tuy nhiên, trái ngược với thực tế đang diễn ra tại đây, đại diện UBND xã Minh Phú cho rằng, những công trình xây dựng tại khu sinh thái Thiên Phú Lâm chỉ là những công trình... tạm. Chính quyền đã yêu cầu chủ đầu tư dừng hoạt động xây dựng, hoàn trả lại mặt bằng. Nếu chủ đầu tư không thực hiện chính quyền sẽ kiên quyết xử lý. Tuy nhiên, vị đại diện chính quyền không đưa ra thời gian và biện pháp xử lý cụ thể.

Chính quyền đùn đẩy trách nhiệm

Năm 1998, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định số 2234/QÐ-UB quy hoạch rừng phòng hộ, đặc dụng huyện Sóc Sơn với tổng diện tích 6.630 ha, trong đó rừng đặc dụng là 1.530 ha, rừng phòng hộ là 5.100 ha. Ðến năm 2008, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định số 2100/QÐ-UB điều chỉnh quy hoạch rừng phòng hộ, đặc dụng Sóc Sơn năm 1998 thành rừng phòng hộ bảo vệ môi trường. Diện tích quy hoạch điều chỉnh xuống còn hơn 4.550 ha, bao gồm diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn các xã: Bắc Sơn, Hồng Kỳ, Minh Trí, Minh Phú, Nam Sơn…, trong đó Công ty TNHH một thành viên Ðầu tư và Phát triển nông lâm nghiệp Sóc Sơn (trước là Lâm trường Sóc Sơn), trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội được giao quản lý hơn 2.000 ha. Phần còn lại do các xã quản lý.

Trong quá trình quản lý đất rừng, công ty này và chính quyền xã đã giao đất, giao rừng cho cán bộ, công nhân và người dân địa phương. Tuy nhiên, do buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, cho nên xảy ra tình trạng chuyển nhượng đất rừng trái phép. Nhiều trường hợp chính quyền còn xác nhận vào giấy tờ mua bán đất hoặc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) không đúng quy định cho người dân. Cùng với đó, tình trạng xây dựng công trình trên đất rừng diễn ra tràn lan… Ðiển hình như công trình xây dựng phủ Thành Chương (xã Hiền Ninh); các công trình xây dựng của ca sĩ Mỹ Linh, bà Ðỗ Mỹ Dung, ông Ðỗ Trọng Khánh (xã Minh Phú).

Ðáng chú ý, những sai phạm nêu trên đã được Thanh tra Chính phủ kết luận tại Văn bản số 754/TTCP ngày 17-4-2006. Thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND huyện Sóc Sơn chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng; xử lý các vi phạm; rà soát, điều chỉnh các trường hợp sổ đỏ cấp sai quy định, thu hồi diện tích ngoài hạn mức. Tuy nhiên, theo kết luận của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội năm 2013, việc xử lý, khắc phục vi phạm rất chậm trễ, không dứt điểm. Riêng việc sửa chữa, khắc phục việc cấp sai quy định các sổ đỏ mới xử lý được hơn 30 trường hợp trên tổng số gần 230 trường hợp.

Các vi phạm đất đai, trật tự xây dựng tại hai xã Minh Phú và Minh Trí thời gian qua không những không được xử lý, khắc phục, mà tiếp tục tái diễn với tính chất, mức độ ngày càng phức tạp. Ðại diện UBND huyện Sóc Sơn cho biết, chín tháng qua trên địa bàn huyện có 61 công trình vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trên đất rừng, trong đó riêng thôn Minh Tân (xã Minh Trí) có 27 công trình; thôn Lâm Trường (xã Minh Phú) có 18 công trình.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Ðỗ Minh Tuấn cho biết, UBND huyện đã chỉ đạo các xã thiết lập hồ sơ vi phạm và đình chỉ thi công. Trong tháng 11-2018 sẽ xử lý xong vi phạm tại xã Minh Phú. Năm 2017, huyện đã kỷ luật sáu cán bộ, trong đó có chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã có liên quan đến sai phạm này. Khi chúng tôi đặt câu hỏi: Khi nào huyện xử lý công trình sai phạm của một số trường hợp cụ thể mà dư luận quan tâm; lãnh đạo huyện Sóc Sơn cho rằng: Ðây là những công trình vi phạm ở giai đoạn trước. Huyện đã báo cáo thành phố đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất hướng xử lý theo kết luận của Thanh tra Chính phủ. Việc này vượt quá thẩm quyền của huyện.

Rõ ràng, những vi phạm nghiêm trọng về đất đai, trật tự xây dựng tại hai xã Minh Phú và Minh Trí, thời gian qua bắt nguồn từ việc buông lỏng quản lý của chính quyền và Công ty TNHH một thành viên Ðầu tư và Phát triển nông lâm nghiệp Sóc Sơn. Việc xử lý, khắc phục của UBND huyện Sóc Sơn và các sở, ngành có liên quan chậm trễ, không triệt để. Vì thế, việc Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo thanh tra toàn diện việc quản lý sử dụng đất, trật tự xây dựng trong giai đoạn từ năm 2008 đến nay tại hai xã Minh Phú và Minh Trí và việc thực hiện các nội dung kết luận của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra thành phố là rất cần thiết. Ðiều dư luận chờ đợi hơn cả là việc các lực lượng chức năng của thành phố thực hiện nghiêm túc, dứt điểm các trường hợp vi phạm theo kết luận thanh tra, không để tình trạng dây dưa, kéo dài gây ra hiện tượng nhờn luật.

Ngày 22-10, Thanh tra TP Hà Nội công bố Quyết định số 5129/QÐ-TTLN-P3 thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất và trật tự xây dựng trong giai đoạn từ năm 2008 đến nay tại hai xã Minh Phú, Minh Trí (huyện Sóc Sơn) và việc thực hiện các nội dung kết luận của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Thành phố và các sở, ngành; chỉ đạo xử lý sau thanh tra của UBND thành phố Hà Nội. Ðoàn thanh tra do Trưởng phòng Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo 3 Nguyễn Thị Nguyệt làm trưởng đoàn. Thời gian thanh tra 45 ngày, không kể ngày nghỉ lễ, tính từ ngày công bố quyết định thanh tra.

MINH VÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/38014602-can-xu-ly-nghiem-cac-cong-trinh-xay-dung-trai-phep-tren-dat-rung-tai-huyen-soc-son.html