Cần xử lý hiện tượng đầu cơ vật liệu phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam

Cùng với rút ngắn thủ tục, thời gian cấp phép khai thác mỏ, các cơ quan chức năng cần 'vào cuộc' xem xét có hay không hiện tượng móc ngoặc, đầu cơ, để từ đó tham mưu cho lãnh đạo địa phương có biện pháp xử lý. Đây là quan điểm được nhiều đại biểu nêu ra tại tọa đàm 'Thực trạng khan hiếm vật liệu làm cao tốc Bắc - Nam: Thực trạng và giải pháp' do Báo Giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) tổ chức ngày 25-3.

Quang cảnh tọa đàm.

Nguy cơ “vỡ trận” nếu không đủ vật liệu

Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 bao gồm 11 dự án thành phần, đi qua 13 tỉnh với tổng chiều dài khoảng 653km. Theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật, nhu cầu vật liệu đất đắp cho toàn bộ 11 dự án khoảng 52 triệu m3. Còn theo khảo sát của các đơn vị tư vấn thiết kế, số lượng mỏ đang khai thác cũng như các mỏ đang chờ gia hạn hoặc có trong quy hoạch đang chờ cấp phép khai thác hoàn toàn bảo đảm nhu cầu vật liệu.

Tuy nhiên, thực tế quá trình thi công cho thấy, hầu hết dự án đều đang lâm vào tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu. Như dự án thành phần đoạn Cao Lâm - Vĩnh Hảo, nhu cầu cần 8 triệu m3 vật liệu nhưng hiện các mỏ đã được cấp phép khai thác chỉ được khoảng hơn 1 triệu m3. Hoặc dự án Cam Lộ - La Sơn cần 1,8 triệu m3 vật liệu, trong đó các mỏ đã có giấy phép đang khai thác cung cấp hơn 400 nghìn m3. Như vậy, dự án thiếu khoảng 1,3 triệu m3.

“Đến tháng 6-2021, nếu không bù đắp được 80% nguồn vật liệu thì nguy cơ “vỡ trận” tiến độ của dự án là rất cao, không còn cách nào tháo gỡ. Chúng tôi đã báo cáo Ban Quản lý dự án Thăng Long và Bộ Giao thông Vận tải, đó là khó khăn quá lớn của nhà thầu”, đại diện nhà thầu thi công dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo nói.

Nhiều nhà thầu than thở, khan hiếm nguồn cung dẫn tới đơn giá vật liệu tăng gấp 2-3 lần vẫn không có để mua. Tại không ít gói thầu, hàng trăm đầu thiết bị, con người đang phải chờ và chưa biết chờ tới khi nào có thể thi công tiếp. Khảo sát của các nhà thầu tại nhiều địa phương cho thấy, dù có mỏ vật liệu song quy trình cấp phép kéo dài, thậm chí có nơi tới 6-8 tháng nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Hầu hết các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đang gặp khó về nguồn cung vật liệu.

Đẩy nhanh thủ tục cấp phép, xử lý hiện tượng đầu cơ

Ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho hay, theo quy định của Luật Khoảng sản, các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường như cát, sỏi, đất sét, đất đắp đường, đá vôi... thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh. Cấp tỉnh hoàn toàn có thể điều chỉnh, bổ sung các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng nhằm đáp ứng nguyên vật liệu phục vụ cho dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Trước hiện tượng các chủ mỏ tăng giá, ông Lại Hồng Thanh cho rằng, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản một năm được điều chỉnh 6 tháng/lần. Các tỉnh có thể điều chỉnh khung giá tài nguyên cho phù hợp với thực tế. Sau khi đã điều chỉnh vẫn thấy chênh lệch thì hoàn toàn có quyền xem xét và xử lý.

Nhận định việc khan hiếm vật liệu có một phần nguyên nhân từ việc các “đầu nậu”, chủ mỏ đầu cơ, thao túng giá, Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law firm (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, vật liệu xây dựng không phải hàng hóa thiết yếu, Nhà nước không kiểm soát mà tuân theo quy luật cung cầu. Tuy nhiên, chúng ta phải xem xét có hiện tượng móc ngoặc, đầu cơ, để từ đó tham mưu cho tỉnh; mạnh dạn xử phạt hành chính, xem xét đủ yếu tố khác cũng phải xử lý hình sự. Ngoài ra, cần tuyên truyền, vận động, bởi đây là công trình trọng điểm quốc gia, nếu các địa phương không quyết tâm thì không thể giải quyết được.

Tuấn Lương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-thong/994511/can-xu-ly-hien-tuong-dau-co-vat-lieu-phuc-vu-thi-cong-cao-toc-bac---nam