Cần xóa những 'điểm đen' giao thông ở thành phố mới

Thành phố Thủ Đức (TP HCM) chính thức được thành lập vào ngày cuối cùng của năm 2020 trên cơ sở sáp nhập 3 quận 2, 9 và Thủ Đức.

Nơi đây được xác định là một thành phố vừa là không gian sống xanh, vừa là không gian sáng tạo, một trung tâm trí tuệ nhân tạo lớn của Việt Nam và quốc tế. Tuy nhiên để trở thành một thành phố đáng sống thật sự thì một trong những yếu tố không thể thiếu đó là trật tự an toàn xã hội, trật tự an toàn giao thông phải được đảm bảo. Tuy nhiên hiện tại, thành phố phía đông này vẫn còn nhiều điểm đen tai nạn giao thông (TNGT) rất cần sự quan tâm khắc phục…

Theo ghi nhận tại khu vực cầu vượt Trạm 2 (giáp ranh giữa phường Tân Phú và Linh Trung), xe gắn máy muốn rẽ trái hướng về TP Biên Hòa phải đi vòng hơn 1km nên không ít người đi vào làn xe ôtô cho nhanh. Mấy năm qua không ít người chỉ vì muốn nhanh đã bị thiệt mạng dưới gầm xe tải, xe container.

Mới đây, ngày 23/12/2020, một nam thanh niên đi xe gắn máy va quệt với xe tải tử vong tại chỗ. Không chỉ đi vào làn ôtô, khu vực này còn tồn tại tình trạng đi ngược chiều trong làn xe gắn máy mà nhiều nhất là sinh viên Trường Đại học Nông lâm.

Bởi người dân và sinh viên thuê phòng trọ ở khu vực dưới chân cầu vượt muốn lưu thông đúng chiều thì phải đi đường vòng mất gần 2km. Để giải quyết tình trạng này thì phải có tuyến đường song hành với quốc lộ 1A. Do vậy, trong khi chờ đợi có tuyến đường song hành, người dân cần tuân thủ luật lệ giao thông.

Tương tự là ở ngã tư Bình Phước (phường Hiệp Bình Phước), tình trạng xe chạy ngược chiều đoạn từ cầu vượt Bình Phước về chợ đầu mối xảy ra thường xuyên. Người lưu thông trên quốc lộ 13 muốn vào chợ đầu mối phải đánh một vòng gần 1km lên cầu vượt Gò Dưa nên để cho tiện nhiều người bất chấp đi ngược chiều. Kể cả thời điểm đoạn đường đang bị ùn tắc người dân vẫn cứ thản nhiên dành đường với người đi đúng. Nơi đây cũng đã từng xảy ra nhiều vụ tai nạn chết người vì đi ngược chiều.

Tình trạng chạy xe lấn hết phần đường biến đường hai chiều trở thành đường một chiều đang diễn ra tại khu vực hầm chui Linh Trung, nối liền hai phường Linh Trung và Linh Xuân khiến người lưu thông qua đoạn đường này không khỏi bực mình.

Theo người dân tại đây, mỗi sáng công nhân thuê nhà trọ ở phường Linh Xuân vượt đường hầm qua khu chế xuất Linh Trung gần như chiếm trọn con đường hai chiều, còn buổi chiều thì ngược lại.

Kết hợp với người bán hàng rong vô tư lấn chiếm lòng lề đường đã biến con đường thành điểm đen ùn tắc giao thông thường xuyên vào giờ cao điểm. Mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần ra quân dọn vỉa hè, lòng đường, nhắc nhở người đi đường tuân thủ Luật Giao thông nhưng rồi đâu lại vào đấy.

Một vụ tai nạn giao thông trên đường Nguyễn Duy Trinh trong năm 2020.

Một vụ tai nạn giao thông trên đường Nguyễn Duy Trinh trong năm 2020.

Xa lộ Hà Nội, đoạn vừa qua khỏi cầu Rạch Chiếc hướng về nội thành TP HCM có nút giao thông điều phối xe đi thẳng và lên cầu vượt. Trong 3 làn đường dành cho xe ôtô, xe tải trọng lớn, thì có làn đường ngoài cùng dành cho xe đi thẳng, 2 làn còn lại dành cho phương tiện rẽ phải theo đèn tín hiệu giao thông để lên cầu vượt.

Tuy nhiên vào giờ cao điểm cả 3 làn đường này đều bị xe container chiếm vị trí đi nhanh khiến toàn bộ phương tiện đi thẳng phải dừng, giao thông làn đường này ùn ứ kéo dài cả kilomet…

Cầu Sài Gòn 1 (từ Bình Thạnh sang Thủ Đức) được nâng cấp mở rộng với 3 làn xe, tuy nhiên đây lại là điểm đen tai nạn chưa xóa được. Nhiều vụ TNGT chết người đã xảy ra trong nhiều năm qua, nguyên nhân là do người dân ý thức kém, không tuân thủ luật. Tại đây vào giờ cao điểm, người điều khiển xe máy bất chấp nguy hiểm lưu thông vào làn đường dành cho xe ôtô, xe tải trọng lớn.

Tương tự, vòng xoay nút giao Mỹ Thủy (quận 2 cũ) là điểm đen TNGT nhiều năm qua mặc dù nơi đây đã được đầu tư hạ tầng khá lớn. Nút giao thông ba tầng này là điểm kết nối các đường Đồng Văn Cống, Võ Chí Công qua Nguyễn Thị Định, đây là tuyến "độc đạo" để ra vào cảng Cát Lái.

Tai nạn xảy ra tại khu vực này hầu hết là giữa xe đầu kéo và xe gắn máy. “Có CSGT thì không sao, không có CSGT thì mạnh phương tiện nào nấy chạy loạn xạ, bất chấp luật lệ nên TNGT và ùn ứ giao thông xảy ra thường xuyên” - chị Hồng, một người bán nước ở khu vực này cho biết.

Mặc dù các điểm đen trên là khá nghiêm trọng nhưng so với đường Nguyễn Duy Trinh (chạy dài từ quận 2 qua quận 9 cũ) thì chẳng ăn thua gì. Người dân xem đây là con đường “tử thần” bởi rất nhiều vụ TNGT thương tâm xảy ra. Con đường nhỏ hẹp, xuống cấp nhưng lại là con đường huyết mạch để các phương tiện có tải trọng lớn lưu thông vào cảng Phú Hữu.

Ông Cao Thanh Tùng, ngụ trên đường này cho biết: “Con đường này chiều ngang chỉ tầm 7-8m nhưng lại lưu thông 2 chiều, xe tải trọng lớn lại lưu thông qua lại đường này dày đặc. Không có đường riêng nên xe gắn máy và xe tải lưu thông đan xen nhau nên chỉ cần một chút sơ sẩy là va chạm, tai nạn thương tâm xảy ra”.

Tuy tuyến đường này hẹp và không có dải phân cách nhưng các phương tiện tải trọng lớn chạy với tốc độ khá cao. Tại ngã ba Nguyễn Duy Trinh-Nguyễn Xiển nhiều biển cấm xe tải trọng 5 tấn lưu thông từ 6h-22h, tuy nhiên các phương tiện này vẫn hoạt động.

Nguyên nhân dẫn là tại khu vực này có rất nhiều công trình đang thi công với tiến độ cao nên họ tranh thủ thêm giờ để chở vật liệu, bất chấp luật lệ. Theo số liệu của Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP HCM, trong năm 2020 đã có 7 vụ TNGT chết người xảy ra trên con đường này!

Trung tá Nguyễn Đình Dương - Trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP HCM cho biết, tai nạn trong năm 2020 so với năm 2019 được kéo giảm cả 3 tiêu chí nhưng vẫn còn cao, trong đó nguyên nhân dẫn đến TNGT phải kể đến ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế, tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông còn khá phổ biến.

Một trong những vi phạm đó là người điều khiển phương tiện còn sử dụng bia rượu, ma túy, thanh thiếu niên tụ tập quậy phá đua xe trái phép, người điều khiển phương tiện không chấp hành luật.

Do vậy mà hiện tại TP HCM vẫn còn tồn tại 7 điểm TNGT chưa xóa được gồm trước số nhà 235 đường Nguyễn Văn Cừ (quận 5), đại lộ Võ Văn Kiệt (đoạn từ đường Yersin đến Nguyễn Thái Học, quận 1), nút giao Mỹ Thủy (quận 2), cầu Nguyễn Tri Phương (quận 5), đường Nguyễn Duy Trinh (quận 9), cầu Sài Gòn 2 (quận Bình Thạnh) và vòng xoay An Sương (quận 12 và huyện Hóc Môn).

Phương Tuyền

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-thong/can-xoa-nhung-diem-den-giao-thong-o-thanh-pho-moi-626123/