Cần xếp hạng cho di tích Vườn Chuối

Có niên đại hơn 1.000 năm lịch sử, di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) sau 8 lần khai quật đã phát hiện nhiều di vật, di chỉ… mang giá trị văn hóa, lịch sử từ thời kỳ dựng nước và giữ nước của dân tộc. Nhiều chuyên gia đã đưa ra ý kiến về công tác bảo tồn di chỉ khảo cổ học có niên đại hơn 1.000 tuổi này.

Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối trong những đợt khai quật.

Để có một đánh giá xác thực hơn, ngày 10/7 vừa qua, Sở VHTT Hà Nội đã tổ chức buổi Tọa đàm khoa học “Đánh giá giá trị và đề xuất phương án bảo tồn di chỉ khảo cổ học ở Vườn Chuối”.

Theo TS. Phạm Quốc Quân - nguyên Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam thì di chỉ Vườn Chuối đã không được quan tâm, nhất là đối với khu đô thị mới Kim Chung – Di Trạch. Đó là lỗi mà quy hoạch khảo cổ học của Thành phố chưa được thực hiện. Ngoài ra đây cũng là lỗi chưa có sự liên thông thông tin giữa các ngành.

Đi kèm với những công việc nêu trên, di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối nên sớm được xếp hạng, ít nhất ở cấp tỉnh và thành phố để tránh sự xâm hại. Phương án bảo tồn cho di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối chỉ có thể duy nhất là như vậy. Rất có thể những ngôi nhà cao tầng của dự án đô thị Kim Chung – Di Trạch nằm ngay tại lõi của khu di tích.

“Nếu đúng là như vậy, sự điều chỉnh Dự án phải được đặt dưới tầm nhìn của thành phố, sao cho Vườn Chuối là một trong nhiều công viên cho toàn bộ những khu đô thị quanh vùng. Đó cũng là một trong những yêu cầu cảnh quan, sinh thái của bất cứ một khu đô thị hiện đại nào đều phải hướng tới. Tôi hoàn toàn không tán thành Vườn Chuối nằm trong đối tượng khai quật giải tỏa, lấy quỹ đất phục vụ cho dự án” – ông Quân nhấn mạnh.

PGS.TS Phạm Mai Hùng - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, chúng ta mới chỉ khai quật được 650 m2 trên tổng diện tích 19.000 m2 di chỉ. Những hiện vật đưa lên khỏi lòng đất có giá trị về nhiều mặt. Tuy nhiên vẫn chưa thể khẳng định được hết những giá trị tiềm ẩn của di tích đối với Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung, nhất là áp lực “đòi” giải phóng mặt bằng để xây dựng.

Thực tế hiện trạng di tích là một khu đất rộng lớn, mấp mô đất đá thải và đang bị hoang hóa. Di tích đang có nguy cơ bị bào mòn, vừa bị chôn vùi bởi phế thải, vừa xáo trộn do do đào bới tìm cổ vật; còn nhà đầu tư thì nóng lòng muốn được thi công ngay để khỏi mang trọng tội “dự án treo” và lãng phí tiền mặt bằng…

Trước thực trạng trên, lúc này cần thật sự có những biện pháp cần thiết, đúng hơn là cấp bách. Trong đó, thời gian sớm nhất là cần sưu tầm cho bằng được kết quả báo cáo sau 8 lần khai quật và các hồ sơ kèm theo như nhật ký khai quật, bản vẽ mặt bằng, bình độ, cột địa tầng…

Theo ông Hùng, nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm túc các báo cáo này chúng ta sẽ thấy được diện mạo, độ dày mỏng của các tầng văn hóa, nhận diện được các giá trị thực của di tích, di vật. Từ năm 1956 tới nay, Hà Nội đã phát hiện khai quật hàng loạt loạt các di tích khảo cổ học từ văn hóa hậu kỳ thời đại đá cũ, tới văn hóa Đông Sơn và Lịch sử trung đại, hiện đại.

Ấy vậy mà mới chỉ có 4 di tích khảo cổ của Hà Nội được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt và di tích quốc gia. Chưa kể, trong tổng số 1.201 di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố xếp hạng không có một di tích khảo cổ học nào.

“Với kết quả thu được qua 8 lần khảo quật di tích khảo cổ học, tôi cho rằng di tích này hoàn toàn xứng đáng, hoàn toàn đáp ứng đủ các tiêu chí để trước hết đề nghị UBND TP. Hà Nội xếp hạng là di tích lịch sử, khảo cổ cấp thành phố. Không xếp hạng di tích hoặc chậm xếp hạng di tích này sẽ không có cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học để bảo tồn di tích’ – ông Hùng chia sẻ.

Đánh giá về di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối, TS. Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết: Mặc dù có Luật Di sản văn hóa nhưng việc thực hiện bảo vệ, bảo tồn di tích khảo cổ học vẫn cực kỳ nan giải. Nhìn thẳng vào thực chất, một mặt Luật Di sản văn hóa đã phát huy tác dụng to lớn góp phần bảo vệ và giữ gìn khá nhiều di tích trong đó có những di tích quan trọng. Nhưng mặt khác vì nhiều lý do trước sự phát triển đô thị hóa và công nghiệp hóa thì một phần lớn các di chỉ khảo cổ đã không bảo tồn được.

Đối với di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối trên cơ sở nắm vững hiện trạng di tích, cần tìm ra các giải pháp cụ thể.

Trong đó, cần bảo tồn tổng thể toàn bộ di tích nếu hiện trạng của di tích tốt. Tiếp đó, bảo tồn từng phần di tích có hiện trạng tốt, phần còn lại sẽ làm nghiên cứu và di dời các di tích, di vật về Bảo tàng Hà Nội. Nếu di tích bị xâm hại về cơ bản, kiến nghị khai quật di dời tổng thể di tích, di vật về Bảo tàng Hà Nội để nghiên cứu đánh giá giá trị, trưng bày và phát huy giá trị của di tích. Tiến hành điều tra tổng thể các di sản khảo cổ khu vực này để đánh giá hiện trạng đề xuất giải pháp bảo tồn.

Minh Quân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/can-xep-hang-cho-di-tich-vuon-chuoi-tintuc409776