Cần xem xét lại xuất xứ và nội dung một số bài thơ

Khi làm sách HỒN THIỀN TRONG THƠ LÝ-TRẦN, tôi thấy một số bài thơ cần xem xét lại xuất xứ và nội dung. Đây là một trong những ví dụ, đồng thời cũng là kiến giải của VBL. Bạn đọc có thể trao đổi thêm.

Dịch nghĩa:

ĐỀ ĐÁ GIA CÁT

Gió thổi cái tiết bằng ngọc, đến thăm đất Phong Khê,

Nâng tờ chiếu “tử nê”, hương trời đầy tay áo.

Tiếng hang Gia Cát chấn động ba dải đất,

Sắc núi Tản Viên sánh ngang với chín tầng mây.

Người thì đến từ trên gác phượng đài loan,

Đất thì vào đến phía tây của hang hùm xóm rắn.

Dù muôn dặm chẳng cách xa thiên nhan là mấy,

Vâng đem đức chính nhà vua tới cho dân đen.

Dịch thơ

Bản dịch của Vũ Bình Lục:

Sứ thần thăm đất Phong Khê,

Hương đầy tay áo, “tử nê” chiếu trời.

Hang Gia Cát động ba nơi,

Tản Viên xanh tới đáy trời còn xanh.

Hang hùm xóm rắn quẩn quanh,

Đài loan gác phượng kinh thành đến đây.

Thiên nhan nào cách bấy chầy,

Đem đức chính tới miền Tây xa vời.

Sách THƠ VĂN LÝ TRẦN (TVLT) chú thích rằng cái hang Gia Cát (Gia Cát thạch), hay núi Gia Cát (Gia Cát hồng) trong bài thơ này chưa rõ ở đâu. Và dẫn thêm ghi chép của sách Việt sử thông giám cương mục, rằng Phong Khê ở vào huyện Đông Anh, thuộc vùng ngoại thành Hà Nội ngày nay.

Như vậy, với cách nghĩ của các soạn giả sách Việt sử thông giám cương mục, đem áp vào bài thơ GIA CÁT THẠCH thì chuyến công cán này của Phạm Sư Mạnh là đến Phong Khê (Đông Anh) Hà Nội ngày nay. Tuy nhiên, xem kỹ nội dung bài thơ, chúng tôi thấy sách Việt sử thông giám cương mục có thể là đã nhầm lẫn chăng, hoặc giả là chưa hiểu đầy đủ về địa danh Phong Khê chăng ? Trước đây, có thời kỳ phần lớn đất Đông Anh thuộc phủ Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc. An Dương Vương (Thục Phán) đoạt được nước Văn Lang của vua Hùng, lắp ghép bộ tộc Tây Âu của ông ta với tộc Lạc Việt của Vua Hùng, thành ra bộ tộc Âu Lạc, rồi chuyển đô từ Bạch Hạc xuống Phong Khê, xây thành ốc Cổ Loa, nay là huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.

Vậy Phong Khê có từ bao giờ ? Theo tài liệu lịch sử bên Tàu, hai huyện Phong Khê và Vọng Hải (thuộc quận Giao Chỉ) do tên tướng xâm lược nhà Hán là Mã Viện đặt ra, sau khi hắn đã dẹp được cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng (năm 43 sau Cn).

Năm 40 sau Cn, Hai Bà Trưng đã nổi dậy đánh đuổi thái thú Tô Định, giải phóng toàn bộ đất đai nước Nam Việt cũ của Triệu Vũ Đế (triệu Đà) ở phía nam dãy núi Ngũ Lĩnh, bao gồm toàn bộ hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và bán đảo Hải Nam của Trung quốc ngày nay. Nhưng mới chỉ được 3 năm, nhà Hán sai Mã Viện đem đại quân sang cướp lại. Mã viện cai trị nước Nam Việt, đặt thêm 2 huyện Phong Khê và Vọng Hải, thuộc quận Giao Chỉ như đã nói ở trên.

Căn cứ vào nội dung bài thơ, đồng thời xâu chuỗi, phân tách nội dung các bài thơ khác của Phạm Sư Mạnh thành từng nhóm, tôi cho rằng bài thơ ĐỀ GIA CÁT THẠCH nằm trong chùm thơ viết trong chuyến đi kinh lý miền biên cương phía Tây Bắc đất nước của Phạm Sư Mạnh. Do vậy, địa danh Phong Khê nói trong bài thơ này, quyết không phải là Phong Khê thuộc Đông Anh, bởi các căn cứ sau:

Thứ nhất, Đông Anh không có núi cao, không có hang động và tất nhiên không có núi Gia Cát và hang Gia Cát.

Thứ hai, câu thơ “Tiếng hang Gia Cát chấn động ba giải đất / Sắc núi Tản Viên sánh ngang với chín tầng mây” khiến ta nghĩ ngay đến vùng đất phía Tây với vùng đất Sơn, Hưng, Tuyên rộng lớn, có núi Tản Viên cao ngất, quanh năm mây phủ. Hai câu thơ 5&6 còn nói rõ thêm:

Người thì đến từ trên gác phượng đài loan, (chỉ tác giả bài thơ)

Đất thì vào tới phía tây của hang hùm xóm rắn (Chỉ các vùng hẻo lánh của các dân tộc thiểu số miền biên cương phía Tây kinh thành Thăng Long).

Căn cứ vào các cứ liệu nói trên và tình ý bài thơ, khiến ta liên tưởng đến vùng đất biên cương Tây Bắc của nước ta thời đó. Chưa biết hang Gia Cát (Gia Cát Khổng Minh chăng ?), núi Gia Cát cụ thể là ở chỗ nào, nhưng những địa danh trên chắc chắn là nằm trong vùng sông Đà, Ba Vì lên Hòa Bình, Sơn La và Phong Châu ngày xưa. Tác giả, viên đại quan Phạm Sư Mạnh cầm cờ tiết sứ giả vâng mệnh vua đem đức chính của triều đình lên vùng biên cương xa xôi để giáo hóa dân đen và thanh trừng bọn quan lại tham những, hại dân hại nước, đồng thời chấn chỉnh giường mối chính sự lúc bấy giờ. Nơi ấy có núi Tản Viên xanh đến tận trời, có đất Sơn La giáp với Ai Lao, có các dân tộc thiểu số từng chung sống. Phải đặt bài thơ này trong chùm thơ Phạm Sư Mạnh viết trong chuyến kinh lý miền Tây thì thấy địa danh huyện Phong Khê phải kéo dài từ vùng Tam Giang gồm sông Đà, sông Thao, sông Lô xuống đến vùng Đông Anh ngày nay. “Tiếng hang Gia Cát chấn động ba vùng đất”, chẳng phải là vùng TAM GIANG ngày xưa đó hay sao ?

Gió thổi cái tiết bằng ngọc, đến thăm đất Phong Khê,

Nâng tờ chiếu Tử nê, hương trời đầy tay áo.

Sách Chu Lễ có câu: “Kẻ giữ biên giới dùng Ngọc tiết”. Về sau, các sứ giả thường được dùng một vật bằng ngọc do triều đình trao cho để làm tin, gọi là NGỌC TIẾT. Ở triều Trần, sứ thần Phạm Sư Mạnh vinh dự được trao vật báu này để thi hành công vụ tuần tra biên giới phía Tây. “Nâng tờ chiếu TỬ NÊ, hương trời đầy tay áo” là một câu thơ hay. Được biết, theo nghi thức cũ đời nhà Hán, Thiên tử có sáu chiếc ấn, đều lấy bùn đỏ ở Vũ Đô phong lại mà thành. Sách Từ nguyên chú rằng Tử nê là dấu ấn trên bùn. Người xưa dùng bùn để phong các bức thư lại, như ngày nay người ta gắn si màu đỏ để niêm phong những bức thư quan trọng, những tài liệu quan trọng. Ở bài thơ của Phạm Sư Mạnh, TỬ NÊ chính là tờ chiếu của nhà vua giao cho sứ thần, ở đây là tác giả bài thơ này. “Nâng tờ chiếu Tử nê, hương trời đầy tay áo” thể hiện sự trang trọng khi được giao một nhiệm vụ trọng đại, liên quan đến sự an nguy của đất nước. Một hình ảnh được thơ hóa vậy !

Vũ Bình Lục |

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/can-xem-xet-lai-xuat-xu-va-noi-dung-mot-so-bai-tho-60548