Cần xem xét lại chủ trương xây dựng thủy điện suối Tấc

Hơn một năm nay, cuộc sống của người dân xã Quang Huy, huyện Phù Yên (Sơn La) bị đảo lộn và gặp nhiều khó khăn bởi tỉnh Sơn La đồng ý cho Công ty cổ phần năng lượng Việt Cường (có trụ sở tại TP Sơn La) xây dựng thủy điện trên suối Tấc. Mặc dù không nhận được sự đồng thuận của người dân, trong đó có nhiều cán bộ, đảng viên, già làng, trưởng bản, nhưng dự án vẫn được triển khai.

Suối Tấc bao quanh cánh đồng Mường Tấc, huyện Phù Yên (Sơn La).

Suối Tấc bao quanh cánh đồng Mường Tấc, huyện Phù Yên (Sơn La).

Chưa tạo được sự đồng thuận

Ngày 24-7-2018, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La ban hành Quyết định số 1803/QÐ-UBND nhất trí chủ trương cho phép Công ty cổ phần (CP) năng lượng Việt Cường đầu tư xây dựng thủy điện Quang Huy. Công trình có công suất thiết kế 12 MW, tổng mức đầu tư 460 tỷ đồng, địa điểm xây dựng thuộc xã Quang Huy, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La.

Ngay sau khi có quyết định trên, đại diện Công ty CP năng lượng Việt Cường đã làm việc với chính quyền, thông báo cho người dân địa phương biết về dự án. Tuy nhiên, việc xây dựng thủy điện Quang Huy đã vấp phải sự phản đối của người dân xã Quang Huy và hàng nghìn hộ dân huyện Phù Yên vốn sinh sống, gắn bó lâu đời bên dòng suối Tấc và cánh đồng Mường Tấc. Người dân địa phương cho rằng, xây dựng thủy điện sẽ tác động xấu đến môi trường, làm suy kiệt dòng chảy suối Tấc, phá vỡ cảnh quan môi trường thiên nhiên, ảnh hưởng tới đời sống sản xuất của các thế hệ con cháu mai sau. Mường Tấc là cánh đồng rộng thứ tư ở Tây Bắc, có vẻ đẹp lạ, yên bình, cuốn hút, cùng với suối Tấc là món quà thiên nhiên ban tặng sẽ đứng trước nguy cơ suy kiệt dòng chảy, môi trường sinh thái bị phá vỡ nếu xây dựng thủy điện.

Trước đó, thông tin về xây dựng thủy điện Quang Huy đã được nêu ra, nhưng cho đến cuối năm 2017 thủy điện này vẫn chưa có tên trong quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Sơn La do Bộ Công thương quản lý. Ngày 18-8-2017, UBND tỉnh Sơn La mới có Tờ trình số 2620/UBND-TK đề nghị Bộ Công thương bổ sung quy hoạch dự án thủy điện Quang Huy.

Theo quy trình lập dự án ban đầu, Công ty CP năng lượng Việt Cường lại quên không lấy ý kiến người dân. Chỉ đến khi có các văn bản pháp lý, công ty này mới tổ chức họp thông qua ý kiến nhân dân. Cuộc họp đầu tiên tổ chức ngày 29-3-2018, tại hội trường UBND xã Quang Huy. Tại đây, đa số đại biểu không đồng thuận với chủ trương xây dựng công trình thủy điện. Các đại biểu cho rằng, bài học nhãn tiền từ nhiều công trình thủy điện vừa và nhỏ trong cả nước đã cho thấy hệ lụy mất rừng, gây lũ lụt, hạn hán, thiếu nước sản xuất… Tám tháng sau, vào ngày 22-11-2018, khi UBND huyện Phù Yên tổ chức tham vấn ý kiến người dân, nhiều người mới "ngã ngửa" khi biết biên bản cuộc họp lần trước tại UBND xã đã nằm trong hồ sơ dự án, được công bố với nội dung hoàn toàn không đúng như thực tế, rằng: "Ða số bà con nhân dân đồng tình nhất trí xây dựng thủy điện Quang Huy". Không chỉ giới hạn ở đó, tình trạng này còn tái diễn ở cuộc họp lấy ý kiến cộng đồng dân cư diễn ra ngày 11-7-2018, Bí thư đảng bộ xã Huy Thượng Hoàng Ngọc Son không có mặt, nhưng lại có chữ ký của Bí thư Ðảng ủy xã trong biên bản. Tương tự, trường hợp ông Lò Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Quang Huy phát biểu không nhất trí với chủ trương xây dựng thủy điện Quang Huy, nhưng biên bản của Công ty CP năng lượng Việt Cường lại ghi là nhất trí.

Ông Sòi Bá Nhện, 74 tuổi, nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND xã Quang Huy cho biết, ngày 29-12-2018, Ban hưu trí xã Quang Huy họp về xây dựng thủy điện Quang Huy, tất cả 112 cụ cao tuổi của xã Quang Huy có mặt đã họp bỏ phiếu đều không nhất trí xây dựng thủy điện Quang Huy. Mới đây nhất, ngày 3-7-2019, huyện Phù Yên phối hợp với các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh và đại điện Công ty CP năng lượng Việt Cường tổ chức xin ý kiến người dân cử tri xã Quang Huy. Kết quả bỏ phiếu 111 trên tổng số 115 phiếu không ủng hộ xây dựng thủy điện. Như vậy, đến thời điểm này, cấp ủy, chính quyền xã Quang Huy, cùng 1.900 hộ dân của 22 bản ở khu vực cánh đồng Mường Tấc đều phản đối, không đồng thuận với chủ trương xây dựng thủy điện Quang Huy.

Không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế

Thời điểm câu chuyện xây dựng thủy điện Quang Huy đang nóng lên cũng là lúc kỳ họp Ðại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) lần thứ 6 khai mạc tại Ðà Nẵng ngày 27-6-2018. Quan điểm của Việt Nam tại kỳ họp này là kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, nếu làm ảnh hưởng tới phát triển bền vững. Với những gì đang diễn ra, người dân cho rằng, UBND tỉnh Sơn La cho phép Công ty CP năng lượng Việt Cường triển khai đầu tư xây dựng thủy điện Quang Huy là có phần vội vàng, chưa tính cặn kẽ đến sự phát triển toàn diện, bền vững và chưa nhận được sự đồng thuận của đông đảo người dân địa phương.

Trở lại câu chuyện về dòng suối Tấc. Có thể nói, cánh đồng Mường Tấc rộng hơn 800 ha và dòng suối Tấc là một tuyệt phẩm thiên nhiên đã ban tặng người dân Tây Bắc và Sơn La. Thế nhưng nhiều người cho rằng vì lợi ích của một doanh nghiệp, quyết định xây dựng thủy điện đã không tính đến nguyện vọng của người dân và sự phát triển bền vững.

Ðể nâng cao hiệu quả việc điều tiết nước cho sinh hoạt và sản xuất, 10 năm trước, từ nguồn vốn của Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tại khu vực đầu nguồn suối Tấc, tỉnh Sơn La đã cho xây dựng hồ thủy lợi Suối Chiếu. Từ đó đến nay, nước hồ Suối Chiếu và dòng suối Tấc luôn cung cấp đủ nước sinh hoạt, giúp điều hòa không khí cho thị trấn huyện Phù Yên. Khi xây dựng hồ thủy lợi Suối Chiếu, các chuyên gia Pháp cũng đã tính toán đến phương án kết hợp tưới tiêu thủy lợi và sử dụng nguồn nước để phát điện, công suất máy khoảng 6 MW. Nhưng qua nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường, các chuyên gia khuyến cáo không xây dựng thủy điện trên dòng suối Tấc.

Thời gian qua, tại tỉnh Sơn La, một số các công trình thủy điện vừa và nhỏ khi tính toán dự án tiền khả thi, việc lập số liệu chứng minh hiệu quả kinh tế, lợi ích cho cộng đồng dân cư và doanh nghiệp đều hết sức thuyết phục. Nhưng những dự án này khi đi vào hoạt động lại xảy ra không ít bất cập, phiền toái, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Thí dụ, các dự án thủy điện trên dòng Nậm Công đang làm dòng suối cạn kiệt. Ðây cũng là nguyên nhân làm dòng sông Mã dần giảm lưu lượng nước, thậm chí đoạn cửa khẩu Chiềng Khương sông cạn đến độ đá giữa dòng trơ ra, người dân lội qua được; thủy điện Nậm Chiến 2 (Mường La) xả lũ làm trôi ruộng và hoa màu của người dân; trong khi từ khi thủy điện Tô Buông (Yên Châu) đi vào hoạt động người dân lại thiếu nước sản xuất. Ngay ở thành phố Sơn La, mỗi khi mùa mưa đến, ảnh hưởng của thủy điện Nậm La làm úng ngập thung lũng Bom Bay, xã Chiềng Xôm làm người dân bức xúc cũng đang chưa có phương án xử lý.

Bài và ảnh: Ðức Tuấn

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/duong-day-nong/item/41093402-can-xem-xet-lai-chu-truong-xay-dung-thuy-dien-suoi-tac.html